Góp sức để thoát nghèo

DIỄM LỆ - ĐĂNG NGUYÊN 07/03/2021 08:47

Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy ban hành ngày 27.4.2016 đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn tiếp theo, muốn đạt được mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,87% vào năm 2025, cần sự vào cuộc giảm nghèo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn ở khu vực các huyện miền núi cao của tỉnh.

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo cần được quan tâm hơn. Ảnh: L.N
Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo cần được quan tâm hơn. Ảnh: L.N

NGHỊ QUYẾT ĐI VÀO ĐỜI SỐNG

Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác giảm nghèo đã đi vào đời sống, tác động đến từng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách. Qua 5 năm với nhiều kết quả cụ thể, dần đẩy lùi nghèo khó, làm thay đổi sâu sắc cuộc sống kinh tế xã hội ở nhiều địa phương. 

Hiệu quả lớn

Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 51.817 hộ nghèo, tỷ lệ 12,90% (cả nước là 9,88%). Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy ra đời trong bối cảnh đó đã mang lại niềm kỳ vọng lớn cho việc huy động nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo. Hàng loạt chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình sinh kế, các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... đã được triển khai ở từng thôn, bản, hướng đến từng hộ nghèo trong toàn tỉnh suốt thời gian qua. Trong 5 năm, tổng kinh phí huy động để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững lên con số hơn 12.370 tỷ đồng.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Cùng với các chính sách của Trung ương, các chính sách của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình, cách làm hay trong giảm nghèo đã được các địa phương thực hiện, huy động được nguồn lực xã hội cùng góp sức. Các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh được triển khai đã giúp hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện điều kiện an sinh, đặc biệt là khu vực xã nghèo, huyện nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa”.

 

Các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh đã giúp 6.917 hộ ở 9 huyện miền núi được hỗ trợ sắp xếp di dời chỗ ở, 5.053 người được hỗ trợ học nghề (có 4.115 người làm việc tại doanh nghiệp), 1.525 lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người lao động của hộ nghèo được tạo sinh kế, có nguồn thu nhập tác động đến việc thoát nghèo của gia đình. Cũng từ đó mà 11.966 hộ nghèo và 13.452 hộ cận nghèo đã đăng ký, thoát nghèo bền vững hiệu quả.

Trong 5 năm, toàn tỉnh giảm hộ nghèo còn 22.368 hộ (tỷ lệ 5,23%) và 8.864 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,07%). Toàn tỉnh còn 8 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (giảm 11 xã so với đầu năm 2016); còn 66 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (xã 135, giảm 18 xã so với đầu năm 2016).

Nếu theo tiêu chí xã đặc biệt khó khăn (vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng dân tộc, miền núi) ban hành cho giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2020, Quảng Nam không còn xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, giảm 30 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi.

Không ai bị bỏ lại phía sau

“Phải thay đổi tư duy, nhận thức để giảm nghèo”

“Công cuộc giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kết quả giảm nghèo nhanh, nhưng rất cần tính bền vững trong giai đoạn tới. Muốn thực hiện tốt hơn nữa công cuộc giảm nghèo, cần tác động thay đổi nhận thức và tư duy. Nhận thức và tư duy cần thay đổi không chỉ ở người nghèo, người dân mà còn là các cấp ủy, chính quyền từ thôn đến xã, huyện, tỉnh. Cần phải có suy nghĩ rằng “ở diện hộ nghèo là xấu hổ” để vượt lên thoát nghèo. Nếu các địa phương, người nào có tư tưởng muốn ở lại diện nghèo để hưởng cơ chế thì phải thay đổi ngay cách nghĩ này. Các ngành phải rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách hiện hành, tham mưu UBND tỉnh cần ban hành thêm cơ chế gì, phải huy động nguồn lực nào. Đối với các mô hình sinh kế tốt, hay, hiệu quả thì các ngành, địa phương nhân rộng trong nhân dân, tạo nên sức bật mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo đến năm 2025 phải bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước”. 

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy)

”Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành phong trào có tính lan tỏa trong nhân dân. Đặc biệt, đối với người nghèo yếu thế thuộc hộ có công và bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo, UBND tỉnh đã phân bổ 46,55 tỷ đồng để các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ, giúp cải thiện mức sống cho 8.133 người. Trong đó, có 262 người nghèo thuộc diện chính sách người có công và 7.871 người nghèo là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định.

Các cấp hội, đoàn thể có nhiều phong trào thi đua chăm lo cho đời sống người nghèo, chung tay cùng địa phương trong công cuộc tác động giảm nghèo. Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Các cấp hội phụ nữ đã duy trì và tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình “Heo đất lòng vàng”, “Heo đất tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống nứa tiết kiệm”, “Căn bếp sáng ấm tình phụ nữ”, “Việc làm nhỏ - Công trình lớn”, “Nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng dựa vào cộng đồng”...

Đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp, hội viên hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hội viên nghèo... Các chương trình này thu hút đông đảo phụ nữ tham gia và đã đóng góp hơn 134 tỷ đồng. Nhiều chị em hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ là trụ cột gia đình đã được vay vốn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mạnh dạn đăng ký thoát nghèo bền vững hiệu quả”.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tín chấp cho hộ nghèo vay vốn làm ăn, hướng dẫn người nghèo thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để biết sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm. Qua việc tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, các chương trình dự án, các tổ chức, cá nhân đóng góp… đã giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển các mô hình sản xuất, đi lên từ hộ nghèo trở thành hộ khá, thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Những mô hình hay được nhân rộng trong hội viên nông dân, lan tỏa tinh thần chung tay vì người nghèo, vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Giai đoạn tiếp theo, khu vực miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao cần được đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Ảnh: L.N
Giai đoạn tiếp theo, khu vực miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao cần được đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Ảnh: L.N

MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%); duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều ở các huyện nghèo, xã nghèo từ 3 - 4%/ năm; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo ít nhất bằng với mức giảm bình quân hằng năm của quốc gia, không còn hộ nghèo có thành viên là người hưởng chính sách người có công.

Phấn đấu ở khu vực thành thị của các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp. 100% người nghèo trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.

Nhiều giải pháp giảm nghèo đang được Sở LĐ-TB&XH tỉnh tham mưu UBND tỉnh để báo cáo tại Hội nghị Tỉnh ủy  sắp đến, bao gồm: Nhóm chính sách hỗ trợ cải thiện tiếp cận đa chiều cho hộ nghèo, như cải thiện tiêu chí thu nhập thông qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình sinh kế, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững; Nhóm chính sách hỗ trợ cải thiện chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, dinh dưỡng, giáo dục đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận văn hóa, thông tin, trợ giúp pháp lý. Tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở cho huyện nghèo, xã nghèo. Đồng thời việc trợ sức thoát nghèo sẽ được sát đúng thực tế, nguyên nhân nghèo của hộ nghèo nhằm tác động hiệu quả. Các nguồn lực sẽ được huy động tối đa cho công cuộc giảm nghèo.

NẮM BẮT NHU CẦU

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 2,87%. Muốn thực hiện đạt mục tiêu này khi chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 được áp dụng, các giải pháp, chính sách phải được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao nhất.

Thanh niên phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp sẽ thoát nghèo hiệu quả hơn. Ảnh: L.N
Thanh niên phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp sẽ thoát nghèo hiệu quả hơn. Ảnh: L.N

Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang: Nắm bắt nhu cầu hộ nghèo để hỗ trợ phù hợp

Cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Nam Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 03 của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng “3 cây, 3 con” chủ lực. Mỗi năm địa phương hỗ trợ cho các xã, thị trấn với mức 200 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, hiệu quả mang lại vẫn chưa rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm còn cao. Những năm gần đây, Nam Giang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, nhờ đó bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Điều này cũng giúp cho người dân, các địa phương có thêm điều kiện để mở rộng giao thương, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần cho công tác giảm nghèo bền vững.

Để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, nguyện vọng của từng hộ dân, theo tôi cần đánh giá cụ thể, chính xác tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi. Phải tổng rà soát một cách kỹ lưỡng để xác định người dân cần hỗ trợ gì, từ đó triển khai cho phù hợp, tạo “trợ lực” để họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm để người dân có thêm thu nhập ổn định hơn.

Ông Đặng Tấn Giản - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Nâng cao trách nhiệm của cán bộ địa phương

Lâu nay, rất nhiều dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo được triển khai tại địa bàn miền núi khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem “liều thuốc quý” để miền núi phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, ở một số nơi, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả các chương trình, dự án chưa cao.

Để người dân miền núi thực sự hưởng lợi, góp sức cho quá trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân tộc, chính sách tại cơ sở, cần nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn nhu cầu của người dân theo định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời việc đầu tư, hỗ trợ giữa các vùng miền, các tộc người cũng phải sát với thực tiễn về tập quán canh tác, điều kiện thổ nhưỡng, tâm lý… Không nên hỗ trợ một cách đại trà, chung chung và dàn trải.

Cần thiết nghiên cứu lập một nhóm cán bộ chuyên trách, “tinh nhuệ” làm công tác này. Họ sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc khảo sát, điều tra về nhu cầu cần thiết của địa phương, cụ thể là hộ dân để tham mưu chính quyền địa phương trong việc đề xuất các mô hình giảm nghèo phù hợp, thiết thực. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được trách nhiệm của họ trong việc chung tay, góp sức cho công tác giảm nghèo. Trên cơ sở xây dựng mô hình kinh tế điểm hiệu quả, cần nhân rộng ra trong cộng đồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp chất lượng cuộc sống người dân miền núi nâng cao một cách thực tế hơn.

Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Chính sách cần sát thực, ưu tiên  miền núi

Thời gian qua, chúng tôi triển khai thực hiện rất nhiều nội dung phục vụ cho công tác giảm nghèo, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật; tổ chức các lớp đào tạo nghề… giúp nông dân có tay nghề phục vụ nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ sinh kế cây giống, con vật nuôi; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tư tưởng “trông chờ ỷ lại” vào các chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, điển hình như chính sách bảo hiểm xã y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội...

Thời gian tới, bên cạnh làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, cần có thêm chính sách mới sát thực hơn với thực tiễn, trong đó ưu tiên cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp ngành và khối đoàn thể cần tranh thủ thêm nhiều nguồn lực hơn, vận động thêm nhiều nhà hảo tâm cùng góp sức giúp người dân thoát nghèo.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân

Với nhiều chính sách tác động đã giúp công cuộc giảm nghèo ở miền núi đã đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của một bộ phận người nghèo được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ đã thoát nghèo và hộ cận nghèo có khả năng tái nghèo cao. Vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo nên thiếu tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt. Hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự giác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Để khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người dân, chính quyền cơ sở cần phải đi sâu, đi sát để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ, nhóm hộ. Từ đó, có cơ sở xác thực đề xuất giải pháp, hỗ trợ phù hợp theo nguyện vọng của người dân, nhất trong là việc định hướng giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao dân trí. Cần tăng cường đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, hỗ trợ vay vốn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tiếp tục đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, tăng cường sử dụng vốn đầu tư, kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất.

Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn: Tạo trợ lực, khuyến khích thanh niên thoát nghèo

Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh đoàn sẽ xây dựng lại chương trình “Đoàn thanh niên tham gia xây dựng giảm nghèo bền vững”. Trong đó, chú trọng việc rà soát thanh niên nằm trong hộ nghèo để nắm bắt nhu cầu, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, nhất là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên gắn với nâng cao thu nhập. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển các mô hình kinh tế, để thanh niên là hộ nghèo học tập các mô hình kinh tế phù hợp, đồng thời vận động hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giúp thanh niên có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hiện toàn tỉnh có gần 5.000 thanh niên là chủ hộ nằm trong diện nghèo, chủ yếu tập trung tại các vùng núi cao. Nhiều trường hợp do thanh niên mới tách khỏi hộ cha mẹ để làm ăn riêng, chưa có sinh kế ổn định và có tâm lý muốn làm ăn tại địa phương, thiếu nỗ lực vươn lên. Đoàn Thanh niên ở cơ sở cần nắm bắt kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong phát triển kinh tế, có sự hỗ trợ phù hợp. Dùng các mô hình để tạo động lực, khuyến khích thanh niên vươn lên trong cuộc sống, trở thành gương sáng trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

DIỄM LỆ - ĐĂNG NGUYÊN