Phủ lỵ xưa - tỉnh lỵ nay và định hướng cho tương lai

TRẦN NAM HƯNG (Bí thư Thành ủy Tam Kỳ) 05/03/2021 08:49

Thành phố Tam Kỳ sở hữu những ưu thế khó đô thị nào có được: nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia và ở trung độ của cả nước; có địa hình và cảnh quan thiên nhiên phong phú với cả sông - núi - biển - hồ. Những tiềm năng, lợi thế này cần được khơi dậy và phát huy trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII về xây dựng tỉnh lỵ Quảng Nam trở thành đô thị loại I vào năm 2030.

TP. Tam Kỳ rợp bóng sưa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
TP. Tam Kỳ rợp bóng sưa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tam Kỳ xưa và nay

Theo sử liệu, Tam Kỳ ngày nay thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa tuyên Quảng Nam xưa, được hình thành cách đây 550 năm (năm 1471). Đến 1906, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ và đổi tên thành phủ Tam Kỳ. Năm 1997, khi tái lập tỉnh Quảng Nam, Tam Kỳ được xác lập trở lại vai trò là thị xã tỉnh lỵ; năm 2006 trở thành thành phố và đến năm 2016, kỷ niệm 110 Phủ lỵ Tam Kỳ, thành phố được công nhận đô thị loại II.

Qua các thời kỳ lịch sử cho thấy, tùy yêu cầu phát triển và đòi hỏi của thực tiễn phong trào cách mạng, Tam Kỳ đã nhiều lần được điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp. Năm 1963, huyện Tam Kỳ được chia thành 3 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Nam, gồm huyện Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ.

Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, các huyện trên lại được sáp nhập trở lại thành huyện Tam Kỳ, có diện tích lớn nhất cả tỉnh. Cuối năm 1983, huyện Tam Kỳ được chia tách thành hai đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Đến đầu năm 2005, Tam Kỳ tiếp tục chia tách thành hai đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh.

Sau 24 năm tái lập tỉnh, từ một thị xã nhỏ với không gian đô thị chật hẹp, kết cấu hạ tầng đô thị hầu như chẳng có gì đáng kể, Tam Kỳ giờ đây đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới mẻ.

Hiện tại, thành phố đã đạt 56/59 tiêu chí của đô thị loại II (có 3 tiêu chí chưa đạt gồm: thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước, dân số toàn đô thị và tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng). Tuy nhiên, so với 13 đô thị ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Phan Thiết (gồm 5 đô thị loại I và 8 đô thị loại II) bằng cách đưa về cùng một “hệ quy chiếu” và thang điểm chung đối với một số tiêu chí quan trọng trong phát triển đô thị để so sánh thì Tam Kỳ chỉ đứng thứ 10/13; trong đó diện tích đứng thứ 9/13, dân số đứng thứ 11/13, thu chi ngân sách đứng thứ 8/13.

Nếu tính riêng trong nhóm các đô thị loại II, số điểm của đô thị Tam Kỳ đứng thứ 5/8, thấp hơn các thành phố Quảng Ngãi, Phan Thiết, Đồng Hới, Tuy Hòa và đứng trên Hà Tĩnh, Đông Hà, Phan Rang. Như vậy, có thể thấy Tam Kỳ đang ở nhóm thấp so với các đô thị ven biển miền Trung. Cũng qua số liệu thực tế cho thấy, các đô thị phát triển mạnh, đứng ở tốp đầu thường có đặc điểm là đông dân số, nhiều khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động, đặc biệt là có cảng biển, sân bay…

Đối chiếu với quy định của đô thị loại I, TP.Tam Kỳ mới đạt 47/59 tiêu chí, còn 12 tiêu chí chưa đạt là vị trí và tính chất của đô thị; thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước; tỷ lệ tăng dân số hàng năm; dân số toàn đô thị; dân số nội thị; mật độ dân số toàn đô thị; mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị; cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị; mật độ đường trong khu vực nội thị (phần xe chạy ≥ 7,5m); tỷ lệ dân số khu vực nội thị được cấp nước sạch, hợp vệ sinh; số nhà tang lễ khu vực nội thị; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.

Định hướng cho tương lai

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã xác định mục tiêu “phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030”.

TP. Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
TP. Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Để thực hiện mục tiêu này, trước mắt, cần tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh khớp nối các tuyến giao thông, thoát nước trong khu vực nội thị, giải quyết tốt vệ sinh môi trường, trật tự mỹ quan, văn minh đô thị...

Phải tính toán đầu tư ngay từ bây giờ các công trình hạ tầng đồng bộ, kết nối, là động lực cho phát triển của đô thị loại I theo hướng có bản sắc và đặc thù riêng (sinh thái, “thủ phủ xanh”…), không quá chú trọng về quy mô, mật độ dân số, đặt trọng tâm là chất lượng cuộc sống của người dân.

Huy động mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phải xác định rõ từng danh mục dự án, công trình hạ tầng đồng bộ, có lộ trình đầu tư cụ thể từ nguồn xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp lớn vào địa bàn, vốn đầu tư trong nhân dân, vốn ngân sách tập trung các cấp, vốn ODA… được giải quyết bằng một cơ chế đặc thù thông thoáng, mạnh mẽ của tỉnh và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, tâm huyết từ ban chỉ đạo xây dựng đô thị cấp tỉnh (đề xuất thành lập sớm).

Thành phố đang tập trung cùng các sở, ngành ở tỉnh xây dựng Đề án hình thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030, lấy hạt nhân là đô thị tỉnh lỵ phát triển mở rộng về phía nam và phía tây, trình Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp thẩm quyền cho chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính vào thời điểm thích hợp nhằm mở rộng không gian đô thị đủ sức trở thành vùng động lực cho phát triển của tỉnh và khu vực, đáp ứng cơ bản các tiêu chí theo quy định của Trung ương.

Thời điểm nào điều chỉnh địa giới hành chính là câu hỏi đặt ra, rất cần sự tham gia ý kiến của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, cá nhân có tâm huyết với phát triển đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh địa giới hành chính sau năm 2025, trước thời điểm lập đề án trình Trung ương công nhận đô thị loại I. Nếu vậy, bây giờ cơ sở nào để thực hiện? Câu trả lời là cần sớm quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh, từ đó định hướng không gian phát triển, xác định danh mục cụ thể các dự án hạ tầng cần tập trung đầu tư trong từng năm, để đến những năm cuối của thập niên 20, tự nó, như một tất yếu khách quan, sẽ chỉ ra không gian và địa giới hành chính của đô thị loại I thế nào là phù hợp với các yêu cầu nêu trên, là cơ sở vững chắc và chính xác cho việc điều chỉnh địa giới hành chính.

Ngay đầu năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Tam Kỳ và kết luận, việc tập trung hỗ trợ nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị tỉnh lỵ là rất cần thiết và là trách nhiệm chung của tỉnh; đồng thời thống nhất chủ trương có cơ chế đặc thù đối với đô thị tỉnh lỵ, nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2030. Đó là khởi đầu hết sức thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Kỳ hoàn thành mục tiêu này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Và trên hết là sự đồng lòng, chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân bằng những hành động, việc làm cụ thể, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đô thị tỉnh lỵ.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà trong tiến trình phát triển của quê hương đất Quảng, Tam Kỳ được lựa chọn và trao cho sứ mệnh lịch sử “thủ phủ Quảng Nam”. Phủ lỵ xưa – tỉnh lỵ nay, là mạch nguồn kết nối, là sức mạnh nội sinh to lớn, đòi hỏi thế hệ hôm nay phải kế thừa và phát huy lên tầm cao mới, nỗ lực từng bước xây dựng thành công đô thị loại I và được công nhận vào năm 2030, một dấu mốc vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và gần 560 năm danh xưng Quảng Nam. Xa hơn nữa là hướng đến một “thành phố hạnh phúc” cho nhân dân, thật sự xứng tầm là tỉnh lỵ Quảng Nam, vùng đất giàu bản sắc văn hóa và bề dày truyền thống cách mạng.

TRẦN NAM HƯNG (Bí thư Thành ủy Tam Kỳ)