Thuốc lá Trường Xuân

PHẠM THÔNG 03/03/2021 16:21

(QNO) - Cách đây độ 30 năm, nhiều làng xã trên vùng đất Tam Kỳ như Trường Xuân, Ngọc Bích, Trà Cai, Đông Yên… có trồng thuốc lá Tàu Bầu. Nhưng nơi gốc của loại thuốc lá này là Trường Xuân. Vì thế nhiều đời đã tồn tại “thương hiệu” thuốc lá Trường Xuân.

Trồng, chế biến thuốc lá truyền thống Trường Xuân rất công phu. Gieo, trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản và lưu thông thuốc lá Trường Xuân được tiến hành theo một quy trình khá chặt chẽ.

Bắt đầu là khâu chọn và gieo giống. Nông dân chọn các cây to, khỏe, lá lớn để ra hoa kết quả, cuối vụ cắt về cột gốc treo trên giàn lưu lại mùa sau. Bảo quản hạt giống theo cách như vậy từ tháng 4 đến tháng 11 âm lịch lấy hạt ra geo. Gieo hạt trên những cái trành đan bằng tre, có bón phân trộn ít bánh dầu. Sau 1 tháng nhổ cây con san mỗi gốc một bầu làm bằng lá dứa, lá dừa, tiếp tục chăm sóc một thời gian, đem trồng nguyên bầu xuống rãnh đất xẻ sẵn.

Đất trồng thuốc lá làm rất kỹ: cày, cuốc, trang, xẻ rãnh, rãnh cách rãnh 1m, đặt bầu dọc rãnh, cây cách cây 7 - 8 tấc, một sào đất đặt 500 bầu. Trước đặt bầu có bón lót, mỗi gốc chừng 2 lạng phân bò trộn bánh dầu; sau 15 - 20 ngày bón mồi; tiếp đến bón thúc lần một, lần hai…

Cây lên cao ngắt ngọn để cây nảy mầm (chồi); bón thúc, lá tiếp tục lớn; cắt lá to đẹp xỏ thành dây, treo trong nhà lá khô từ từ. Lá thuốc này ngon nhất gọi là thuốc lá cơi. Mầm lên, để lại độ 3 - 4 nhánh. Khoảng 15 - 20 ngày sau cắt lá, xắt thành thuốc bổi (thuốc rê). Cứ như vậy sau 15 ngày lại cắt, lại xắt phơi nhiều đợt.

Thuốc rê có khối lượng nhiều, đây là sản phẩm chính của thuốc lá Trường Xuân. Chú ý không bón phân heo, thuốc dở, tàng đen. Cực nhất là khâu tưới nước và bắt sâu. Gánh nước từ các ao và bắt sâu từ sáng đến mặt trời lên vài sào, làm liên tục suốt mấy tháng trong mùa trồng thuốc.

Công đoạn chính là thu hoạch và chế biến thuốc bổi. Nông dân cắt thuốc tươi về trải, xếp, cuốn, dùng lạt tre buộc thành bó tròn, dài 2,5m, đường kính 25cm, chất ủ 3 ngày, lá vàng ươm đem xắt. Bó thuốc dài phải đỡ bằng những cây kèo để không gập xuống đất. Người thợ xắt đợ bó thuốc gối đầu trên bàn xắt và bắt đầu công việc. Lưỡi dao xắt nặng vài ký, người thợ xắt liên tục, sợi thuốc rơi thành đống, hốt trải đều trên liếp, bắt đầu dậm.

Dậm đến khi các sợi thuốc mặt trên kến lại thành tấm thì trở. Đặt một cái liếp khác trên mặt thuốc, trở úp, dùng roi quất đít liếp, thuốc tách đều xuống liếp mới; dậm mặt thứ hai. Cứ như vậy, hai mặt của tấm thuốc rê được dậm kỹ, đem phơi nắng. Thuốc càng được nắng càng ngon. Xắt thuốc, bao giờ cũng bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng, mặt trời lên đem phơi. Xóm trồng thuốc mùa tháng 4 âm lịch, từ nửa khuya mãi tới sáng rộn ràng lắm.

Thuốc khô cuốn lại thành cây, xếp các cây lại thành bó (12 cây một bó), dồn bó thành gánh (một gánh 10 bó), chất lên giàn bảo quản.

Ở Trường Xuân nhiều nhà giàu lên nhờ trồng thuốc lá, buôn thuốc lá. Thuốc lá là mặt hàng nông sản chuyên biệt của vùng đất Trường Xuân. Ở đây đến mùa thuốc lá có những nhà buôn trữ hàng trăm gánh để buôn bán với nhiều vùng trong huyện, trong tỉnh, có khi bán tới Quảng Ngãi, Thừa Thiên.

Thời hiện đại xuất hiện thuốc lá điếu, Trường Xuân nói riêng và các làng lân cận khó trở thành vùng chuyên canh để cung cấp nguyên liệu vì đất ít, manh mún. Từ đó thuốc rê Trường Xuân không còn nhiều trên thị trường, nhưng tiếng vang của “thương hiệu” thuốc lá Trường Xuân vẫn luôn lưu lại như một nét văn hóa nghề nghiệp đặc biệt đã từng tồn tại trên vùng đất Tam Kỳ.

PHẠM THÔNG