Châu Á đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19

KIM OANH 25/02/2021 08:20

(QNO) - Trưa qua 24.2, Việt Nam chính thức tiếp nhận lô hàng vắc xin Covid-19 đầu tiên, của hãng dược AstraZeneca. Nhiều quốc gia châu Á cũng tiếp cận nguồn vắc xin khác nhau nhằm ngăn chặn đại dịch corona.

Tại cơ sở tiêm phòng vắc xin corona ở Nhật Bản. Ảnh: gettyimages
Hàng triệu người tại châu Á được tiêm liều vắc xin đầu tiên ngừa Covid-19. Ảnh: Gettyimages

Ngày 24.2, Hàn Quốc chính thức vận chuyển những liều vắc xin ngừa corona đầu tiên, theo thỏa thuận hợp tác với hãng dược đa quốc gia AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), từ một cơ sở sản xuất trong nước đến một nhà kho bên ngoài thủ đô Seoul để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng trong tuần này.

Nhóm có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao như nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm ngừa Covid-19 vào ngày 26.2 tới. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nói: “Chúng ta bắt đầu đợt tiêm chủng lịch sử đầu tiên vào thứ Sáu... Đây là bước đầu tiên sẽ dẫn chúng ta trở lại trạng thái bình thường đã chờ đợi từ lâu”.

Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị kỹ lưỡng toàn bộ quy trình triển khai vắc xin từ vận chuyển, phân phối, tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm để người dân có thể tự tin, hợp tác trong tiêm phòng vắc xin ngừa corona.

Cũng trong ngày 24.2, Thái Lan nhận 200.000 liều vắc xin corona đầu tiên từ Công ty Công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc). Đây cũng là lô hàng đầu tiên trong số 2 triệu liều mà Thái Lan đặt hàng từ Sinovac.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, khi vắc xin đến, sẽ cần 3 ngày để kiểm tra lần cuối trước khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia bắt đầu. Lô vắc xin Sinovac đầu tiên sẽ được phân phối đến 13 tỉnh và được tiêm cho các nhóm nguy cơ, bao gồm nhân viên y tế, người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và người mắc một số bệnh mãn tính.

Ngoài ra, Thái Lan cũng đã đặt mua 26 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và đặt mục tiêu tất cả công dân Thái Lan cũng như những người nước ngoài làm việc tại nước này đều được tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Bắt đầu từ giữa tuần trước, Nhật Bản tiến hành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân với những người được tiêm đầu tiên là nhân viên y tế, sau đó đến người cao tuổi. Trước đó 3 ngày, vào ngày 14.2, Nhật Bản chính thức phê duyệt vắc xin Covid-19 đầu tiên do hãng dược Pfizer (Mỹ) hợp tác hãng BioNTech (Đức) phát triển và cung cấp.

Theo đó, khoảng 40.000 bác sĩ và y tá từ 100 bệnh viện được chọn trên toàn quốc đã nhận mũi đầu tiên. Nhật Bản đặt mục tiêu cuối cùng là tiêm chủng cho tổng số 3,7 triệu nhân viên y tế vào tháng 3, tiếp theo là khoảng 36 triệu công dân từ 65 tuổi trở lên. Nhiều người trong số đó sẽ tham gia cuộc khảo sát sức khỏe kéo dài 7 tuần.

Malaysia tiếp nhận lô hàng vắc xin Covid-19 đầu tiên. Ảnh: AFP
Malaysia vừa tiếp nhận lô hàng vắc xin Covid-19 đầu tiên. Ảnh: AFP

Trước đó vào giữa tháng 1.2021, Indonesia khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa corona mới (vắc xin của Sinovac) với quy mô lớn, nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính, một ngày sau khi Tổng thống nước này Joko Widodo nhận được mũi tiêm đầu tiên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia - Dante Saksono cho biết khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế trên cả nước sẽ được tiêm dần trước khi các công chức được tiêm chủng.

Tổng thống Widodo cho hay Chính phủ đặt hàng tổng cộng 329,5 triệu liều vắc xin từ các nhà sản xuất dược phẩm khác nhau bao gồm Sinovac, hãng dược AstraZeneca, hãng Novavax (Mỹ)…

Indonesia có kế hoạch tiêm chủng miễn phí cho khoảng 180 triệu người, tức 2/3 dân số trong khoảng thời gian 15 tháng. Đáng chú ý, trong khi ở nhiều nước, việc tiêm ngừa Covid-19 là tự nguyện, Indonesia cho phép các chính quyền địa phương phạt những người không chịu tiêm chủng vắc xin này.

Cũng trong ngày 24.2, Malaysia bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân sau khi nhận được hơn 300.000 liều đầu tiên của Pfizer-BioNTech vào ngày 21.2. Trong khi đó, Singapore đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Pfizer vào cuối năm ngoái, trở thành một trong những nước châu Á đầu tiên triển khai tiêm đại trà vắc xin ngừa vi rút corona mới.

KIM OANH