Chọn người xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca – Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23.5.2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp; góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta hiện nay.
* Thưa ông, so với kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2016 – 2021 thì cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có những điểm mới nào?
- Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Võ Xuân Ca: Một trong các điểm mới của cuộc bầu cử lần này là danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải đảm bảo số dư cần thiết để hội nghị xem xét lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải đảm bảo có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 của Điều 57 và khoản 3 của Điều 58 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú quy định rõ về điều kiện thời gian người ứng cử sinh sống thường xuyên liên tục 6 tháng trở lên, không quy định việc lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Tại hội nghị cử tri nơi công tác, nếu người được giới thiệu ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giới thiệu người khác tham gia ứng cử. Và tại hội nghị cử tri nơi cư trú, nếu người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp không đưa vào danh sách người ứng cử tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ tại hội nghị hiệp thương để xem xét, quyết định.
* Nhằm lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh đủ các tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt là đảm bảo giới thiệu 35% nữ tham gia ứng cử đại biểu dân cử và phấn đấu tỷ lệ nữ trúng cử đạt 30% thì với vai trò của mình, Mặt trận tỉnh sẽ có những cách làm như thế nào để góp phần thực hiện đạt mục tiêu này?
- Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Võ Xuân Ca: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam là tiến hành hiệp thương, giới thiệu người ứng cử bảo đảm số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định. Trong đó, phải giới thiệu ít nhất 35% người ứng cử là phụ nữ để phấn đấu tỷ lệ trúng cử đạt 30% theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhằm thực hiện bảo đảm yêu cầu trên.
Trước hết, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân bổ giới thiệu người ứng cử là nữ đủ số lượng và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Tiếp đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp hỗ trợ người ứng cử là nữ về kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động và kỹ năng tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Cùng với đó, chủ trì tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử, trong đó quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nữ ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, trình bày dự kiến chương trình hành động của mình trước cử tri để cử tri quyết định lựa chọn ứng cử viên là nữ xứng đáng nhất.
* Thưa ông, để việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, cũng như HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực chất, đạt chất lượng thì cần lưu ý những vấn đề gì?
- Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Võ Xuân Ca: Kết quả nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử là căn cứ quyết định việc lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Do đó, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo đó, hội nghị phải phát huy dân chủ trực tiếp một cách đầy đủ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thông tin, tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của hội nghị cử tri, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia bầu cử. Hội nghị phải tiến hành chặt chẽ, công khai, đúng thành phần: thông báo công khai trước 5 ngày thông tin về người ứng cử, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị cử tri, công khai tóm tắt tiểu sử của người ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết; bảo đảm cử tri đến tham dự đúng thành phần, bảo đảm số lượng theo quy định. Phát huy vai trò chủ trì của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã trong việc điều hành chương trình hội nghị, tạo không khí dân chủ, cởi mở để cử tri tích cực tham gia góp ý đối với từng người ứng cử. Qua đó, cử trì bày tỏ ý kiến nhận xét, biểu thị sự tín nhiệm của mình đối với những người ứng cử một cách khách quan, thực chất.
* Trân trọng cảm ơn ông!