Sẽ bao phủ vắc xin phòng dịch Covid-19

LÊ QUÂN 25/02/2021 05:11

Hơn 117.000 liều vắc xin phòng chống dịch Covid-19 đã về đến Việt Nam vào sáng 24.2. Số vắc xin này sớm được đưa vào tiêm chủng cho người dân trong thời gian tới. 

Lực lượng chuyên môn tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19. Ảnh: X.HIỀN
Lực lượng chuyên môn tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19. Ảnh: X.HIỀN

Lô vắc xin ngừa Covid-19 vừa nhập vào Việt Nam do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Theo đơn vị nhập khẩu, vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho khả năng đáp ứng miễn dịch cao từ 62% đến 90% ở các liều dùng khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người được tiêm vắc xin đều có đáp ứng miễn dịch với Covid-19 mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào về độ an toàn ở cả hai chế độ liều dùng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến sáng 24.2, cho hay vắc xin hiện nay có ba nguồn, bao gồm nguồn từ chương trình COVAX có khoảng 30 triệu liều, nguồn thứ 2 là mua từ Công ty Astra Zeneca, nguồn thứ ba là vắc xin của Pfizer đang đàm phán, khả năng sẽ cung cấp cho nước ta 30 triệu liều trong năm 2021. Như vậy, theo Bộ Y tế, Việt Nam đã cơ bản đăng ký mua 90 triệu liều vắc xin từ các công ty lớn của thế giới, chưa kể các nguồn từ nhiều quốc gia khác.

“Chúng ta huy động toàn bộ xã hội tham gia vào việc cung ứng vắc xin, tăng độ bao phủ tiêm theo hình thức xã hội hóa. Nếu tính theo lộ trình như vậy thì năm 2021 chúng tôi xin bảo đảm không thiếu vắc xin” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Cũng theo Bộ Y tế, Nhà nước đảm bảo người dân được tiêm miễn phí giống như tiêm chủng các vắc xin phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh đó vẫn có một phần nhỏ là vắc xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả.

Ông Trần Đắc Phu - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) cho rằng, các loại vắc xin khi về Việt Nam, như trước đây là Quinvaxem hay ComBE Five, đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vắc xin này cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, khả năng lô vắc xin đầu tiên về Việt Nam sẽ không có tại Quảng Nam. “Vì ngoài 11 đối tượng ưu tiên thì phải tính toán đến địa bàn. Hiện một số tỉnh thành đang nóng vì tình hình dịch bệnh, do đó số lượng gần 117 nghìn liều vắc xin đợt này như muối bỏ biển, sẽ không có cho Quảng Nam” - ông Văn nói.

Hiện tại Sở Y tế đã gửi văn bản đến tất cả sở ngành và địa phương đề nghị lập danh sách các đối tượng ưu tiên, Sở Y tế sẽ chốt số lượng để trình UBND tỉnh thông qua và gửi đến Bộ Y tế. Tuy nhiên, thời gian cụ thể được cấp vắc xin hiện vẫn phải chờ quyết định từ Bộ Y tế. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào sáng 24.2 về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tinh thần là bao phủ cho người dân Việt Nam nhưng không thể ngay một lúc tiêm vắc xin cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên.

Trước hết là ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu, thứ 2 là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly, thứ 3 là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ, trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược “vắc xin + 5K”, không vì vắc xin mà chúng ta chủ quan; đồng thời, phải có ngay quy chế giữa các bộ để lưu thông hàng hóa bình thường với vùng có dịch.

LÊ QUÂN