Đất nghèo chuyển mình
35 năm qua, bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, huyện Hiệp Đức tập trung phát huy tối đa nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc.
Những thành quả lớn
Hiệp Đức có tổng cộng 10 xã tham gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 5 xã gồm Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Thuận, Hiệp Hòa, Bình Sơn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Giai đoạn 2021 – 2025, huyện phấn đấu có thêm 3 xã về đích nông thôn mới là Sông Trà, Thăng Phước, Quế Lưu. Được biết, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của Hiệp Đức giảm còn 8,93% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,76%.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, toàn huyện có 1.324ha đất lúa. Hồi mới thành lập huyện, do hạ tầng thủy lợi yếu kém nên chỉ khoảng 25% diện tích trên chủ động nước tưới, việc canh tác của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua Hiệp Đức nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hằng năm địa phương đầu tư ít nhất 5 tỷ đồng cho việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ, trạm bơm điện, kiên cố hóa kênh mương... Nhờ vậy, đến nay đã có 75% diện tích đất lúa đảm bảo nước tưới.
“Năm 2020 năng suất lúa bình quân của Hiệp Đức đạt 55 tạ/ha, tăng 25 tạ/ha so với lúc mới thành lập huyện và tăng 8 tạ/ha so với cách đây 5 năm” – ông Nghiệp nói.
Hiệp Đức cũng tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Hiện trên địa bàn huyện có 7 gia trại nuôi heo thịt, 150 gia trại nuôi bò vỗ béo (trong đó có 30 mô hình nuôi bò ngoại 3B), 17 gia trại nuôi gia cầm với số lượng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, những năm qua nông dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng sản xuất và đây là hướng mở giúp rất nhiều gia đình có nguồn thu nhập cao. Đến nay, địa phương có 19.000ha rừng nguyên liệu, trong đó có 1.500ha rừng gỗ lớn. Hằng năm người dân khai thác gỗ trên diện tích khoảng 2.500 - 3.000ha và bình quân 1ha cho giá trị từ 80 – 100 triệu đồng. Năm 2020 giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt gần 517,5 tỷ đồng, vượt 3,9% so với mục tiêu nghị quyết đề ra và tăng 2,9% so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt – Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Hiệp Đức, nhờ ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng tại các cụm công nghiệp, nỗ lực xúc tiến và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nên những năm qua lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc. Ngoài 8 công ty, xí nghiệp lớn tại các cụm công nghiệp, còn có 331 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả.
Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 558,5 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2019. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 245,6 tỷ đồng, vượt 9% so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Cùng với đó, ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định, chất lượng - mẫu mã - chủng loại hàng hóa khá đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Theo thống kê, toàn huyện có 1.522 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ và năm 2020 giá trị sản xuất của ngành này đạt 709,3 tỷ đồng...
Nỗ lực tạo đột phá
Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, theo mục tiêu nghị quyết đề ra, năm 2021 giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện đạt 535 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 670 tỷ đồng (trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 289,8 tỷ đồng), giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt 787,3 tỷ đồng...
Theo ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, địa phương sẽ rà soát, đánh giá thực trạng và quy hoạch phát triển nông nghiệp; xây dựng đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo nhu cầu lương thực tại chỗ và tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến.
Đồng thời triển khai có hiệu quả các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai ổn định lâu dài để đầu tư hạ tầng sản xuất; hình thành các vùng chuyên canh gắn với việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với địa phương và nông dân.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, chuyển đổi đất canh tác lúa, đưa vào sản xuất và định hướng cơ cấu lại cây trồng đối với diện tích không chủ động nước, gắn với tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao.
Tập trung nhân rộng các mô hình kinh tế vườn - trang trại hiệu quả, phù hợp với biến đổi khí hậu và hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản. Đặc biệt, Hiệp Đức xác định phát triển chăn nuôi và lâm nghiệp trở thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) và trồng cây dược liệu dưới tán rừng...