Tái định hình phát triển du lịch Quảng Nam
(QNO) - Làm mới điểm đến, mở rộng không gian, rà soát lại tiềm năng du lịch... là những nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Nam sẽ và phải làm sau đại dịch Covid-19.
Làm mới Hội An
Từ năm 1991, khi Hội An đón những du khách đầu tiên, tới nay thành phố đã tròn 30 năm phát triển du lịch. Dựa trên những lợi thế đặc thù về di sản văn hóa, cảnh quan, thiên nhiên…, Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực và cả nước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện đã đặt ra cách nhìn khác về phát triển du lịch thành phố hiện nay cũng như thời gian tới.
Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An thừa nhận, dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống người dân lâm vào tình cảnh khó khăn khi 72% cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch, dịch vụ. Dù vậy với truyền thống thương mại hơn 400 năm và 30 năm phát triển du lịch, ông tin rằng người Hội An sẽ thích ứng và nhanh chóng tìm ra những mô hình phát triển để Hội An mới hơn, bền vững hơn sau đại dịch.
Làm mới sản phẩm du lịch Hội An dù là yêu cầu cấp thiết và được đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng thời gian qua dường như vẫn chưa được triển khai thật sự. Một số ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay để phục hồi du lịch Quảng Nam, bên cạnh tạo ra các sự kiện thu hút khách, TP.Hội An cũng cần rà soát, quy hoạch lại các điểm tham quan như phố cổ, Cù Lao Chàm, rừng dừa nước Cẩm Thanh… Đồng thời nghiên cứu xây dựng Hội An thành đô thị thông minh, hạ tầng quy hoạch tốt nhằm sẵn sàng đón lượng khách lớn hơn trong những năm đến.
Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp du lịch đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, dịch Covid-19 chính là cơ hội để các bên liên quan ngồi lại cùng bàn xem Hội An có gì mới, Quảng Nam có gì mới, kể cả đề xuất các gói sản phẩm phù hợp. Khi sản phẩm được làm mới, có hàm lượng sáng tạo cao, có tính thiên nhiên, văn hóa, trải nghiệm… chắc chắn sẽ thu hút du khách.
“Rừng dừa Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm cần tư duy, định hình lại việc khai thác, phát huy phục vụ du lịch theo từng thị trường khách phù hợp. Trong đó, Cù Lao Chàm phải suy nghĩ cách khai thác, tránh tình trạng quá đông khách ra đảo như thời gian qua, bởi đây là một tài sản thiên nhiên không phải nơi nào cũng có được” - ông Lê Trí Thanh nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Trung ương, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ Hội An khẩn trương kè chắn, phục hồi bờ biển; tập trung nạo vét, khai thông luồng Cửa Đại, nguồn cát nạo vét luồng Cửa Đại sẽ được bổ sung trở lại bờ biển Hội An. “Chúng ta phải làm thay vì ngồi chờ tự nhiên nhằm sớm phục hồi bờ biển. Tôi tin rằng nếu làm quyết liệt, trong vòng 3 - 4 năm tới bờ biển Hội An sẽ khôi phục ổn định, qua đó cũng sẽ giúp phục hồi các hoạt động du lịch biển” - ông Lê Trí Thanh nói thêm.
Khơi dậy những dòng sông du lịch
Trong rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, sông ngòi Quảng Nam được đánh giá là điểm nhấn hấp dẫn thu hút khách tham quan. Thời gian qua một số dòng sông như Cổ Cò, Thu Bồn… cũng được nạo vét, cải tạo cảnh quan phục vụ du lịch. Trong đó, sông Cổ Cò được kỳ vọng sẽ là tuyến du lịch hấp dẫn kết nối Quảng Nam và TP.Đà Nẵng khi dự án hoàn thành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, sông Cổ Cò sau khi nạo vét sẽ là dòng sông mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, môi trường... độc đáo. Sắp tới tỉnh sẽ ban hành quy định mới về quản lý cảnh quan hai bên bờ, khi đó tất cả dự án hai bên bờ sông Cổ Cò phải điều chỉnh trở thành một chỉnh thể thống nhất (cho dù đã được cấp phép) nhằm tạo nên vóc dáng và mỹ quan cho dòng sông. Ngoài ra, một số dòng sông như Trường Giang, Thu Bồn, Vĩnh Điện, Tam Kỳ… cũng sẽ được quy hoạch, định hướng phát triển. Hiện tại, tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng tập trung ưu tiên làm trước các trục sông trước khi xây dựng quy hoạch vùng đông Quảng Nam.
“Sông là mạch nguồn của sự sống, là căn cốt để tạo nên phong cảnh, làng quê, đô thị. Do vậy, mỗi con sông ở Quảng Nam sẽ có màu sắc riêng, một hình ảnh riêng không lặp lại, đó là mong muốn sắp tới. Tôi sẽ yêu cầu các đơn vị tư vấn phải thể hiện điều này. Mỗi dòng sông phải có một chủ đạo về mặt quy hoạch không gian phát triển. Chưa kể, việc khai thác các hoạt động trên dòng sông đó như thế nào cũng phải bàn tính kỹ” - ông Lê Trí Thanh phân tích.
Có thể khẳng định, định hình lại không gian, sản phẩm du lịch Quảng Nam là điều cần thiết hiện nay, bởi du lịch Quảng Nam không chỉ bó hẹp khu vực phía bắc hay vùng đông mà xa hơn về phía nam và phía tây của tỉnh. Một số chuyên gia cho rằng, với những tiềm năng về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên… nếu quy hoạch, quảng bá tốt sẽ là những dòng sản phẩm đủ điều kiện thu hút khách dịch chuyển về phương nam, kể cả phía tây của tỉnh. Vì thế, ngành du lịch cần khẩn trương xây dựng chương trình phát triển, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Tiềm năng du lịch phía tây
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, khu vực rừng núi phía tây có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã được nâng lên thành vườn quốc gia, các dự án cũng đang bắt đầu được triển khai đầu tư khu vực lân cận hay như đề án về bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa.
Đặc biệt, cửa khẩu Nam Giang cũng đã được nâng lên thành cửa khẩu quốc tế, giúp khai thông, kết nối thị trường khách từ Thái Lan qua Lào về Quảng Nam. Đây sẽ là những cơ hội, tiền đề cho việc phát triển các dòng khách đến Quảng Nam thời gian tới. “Lâu nay chúng ta mới gợi lên nhưng chưa làm, bây giờ chúng ta có cơ hội để phát triển du lịch phía tây” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận.