Phòng chống dịch Covid-19: Cảnh giác ở mức cao nhất

LÊ QUÂN 23/02/2021 05:22

Tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra truy vết cũng như siết chặt công tác quản lý, kiểm soát các đường mòn lối mở... là những nhiệm vụ cấp thiết để phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Thời gian qua Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả. Ảnh: X.H
Thời gian qua Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả. Ảnh: X.H

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh sáng qua 22.2 đã yêu cầu các cấp ngành, địa phương cảnh giác và đặt công tác phòng chống dịch vẫn ở mức cao nhất.

Kiểm soát người cách ly

Liên quan tới đợt bệnh xuất phát từ Hải Dương, Quảng Nam đã tiến hành cách ly y tế/theo dõi sức khỏe 35.252 trường hợp về từ các địa phương có ca dương tính, đang cách ly tập trung 83 người; đã lấy mẫu xét nghiệm 1.264 người và đều cho kết quả âm tính.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian này, khả năng xảy ra ca bệnh tại Quảng Nam ít hơn vì các tỉnh thành đã tổ chức phong tỏa, cách ly.

“Tình huống xấu nhất là có thể đến hết quý I khi việc phong tỏa các địa phương kết thúc thì nguy cơ Quảng Nam có ca mắc sẽ xuất hiện. Do đó, cần ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép và nghiêm túc thực hiện quy định về các bến bãi, dừng đỗ xe của các tuyến xe khách liên tỉnh. Hàng hóa vận chuyển từ ngoài Bắc vào phải hạn chế tối đa việc giao tiếp của tài xế với người địa phương” - ông Văn nói.

Hiện tại, Bộ Y tế đã thực hiện việc khai báo y tế điện tử, trong đó có quét mã QR toàn ngành, do đó trong thời gian tới, ông Văn đề nghị tỉnh tiếp tục có những đợt triển khai rộng về việc tổ chức khai báo y tế điện tử.

Trước đó, vào tối mùng 5 tết (ngày 16.2), 63 công nhân từ tỉnh Hải Dương vào lại nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam (huyện Nam Giang) làm việc sau thời gian về quê ăn tết. Đến sáng mùng 6, chính quyền huyện Nam Giang tiếp nhận thông tin, triển khai các giải pháp y tế, tiến hành cách ly tập trung các công dân trên và những người đã từng tiếp xúc với nhóm công nhân này. Được biết, nhà máy trên có khoảng 600 công nhân làm việc. Đến ngày 19.2, 63 công nhân này đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.

“Với trường hợp 63 công nhân trốn cách ly từ Hải Dương về Quảng Nam, dù đã xét nghiệm âm tính lần 1 nhưng buộc phải lấy thêm mẫu xét nghiệm lần 2. Chúng tôi đã yêu cầu địa phương và nhà máy này thực hiện cách ly tập trung đối với số người này” - ông Văn nói. Đại diện Sở Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm với cán bộ y tế, bao gồm lực lượng tuyến đầu trực tiếp điều trị, đội ngũ làm công tác cách ly.

Trong khi đó, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) nói, trước đây Quảng Nam có 6 máy PCR, hiện cùng với các cơ sở công lập Quảng Nam còn có thêm 1 số cơ sở xét nghiệm như Vĩnh Đức, Trường Đại học Phan Châu Trinh. Để đưa công suất xét nghiệm mẫu lên mức cao nhất nếu trường hợp có ca bệnh, CDC Quảng Nam đề nghị có thêm 3 dàn máy nữa để chủ động khâu xét nghiệm.

Cảnh giác ở mức cao nhất

Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, hiện cấp tỉnh có hai khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận gần 1.000 người, 42 khu cách ly tại các huyện với sức chứa trên 4.000 người. Tuy nhiên, hiện phần lớn các khu của huyện là tận dụng trường học, khi học sinh nghỉ thì mới có, do đó bị động về cơ sở cách ly.

 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam vẫn đưa công tác phòng chống dịch cảnh giác ở mức cao nhất. “Về công tác cách ly yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương hoàn thiện cơ sở cách ly tại đơn vị 885. Các địa phương giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng ngành y tế và địa phương khảo sát đánh giá để lựa chọn thêm các khu cách ly khác, những cơ sở nào đủ điều kiện cần được xem xét. Nếu số lượng người cách ly nhiều nhưng không đủ cơ sở thì sẽ chuyển về tỉnh cách ly, quân sự sẽ là cơ quan đầu mối. Đối với đề xuất khu cách ly riêng tại Bệnh viện Đa khoa miền núi phía bắc tạm thời chưa thực hiện nhưng về lâu dài sẽ phải làm” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị công tác kiểm soát dịch, quản lý xe khách đi qua địa bàn Quảng Nam cần có hướng dẫn dừng đỗ khách, yêu cầu trước khi vào địa phận Quảng Nam cần thực hiện khai báo, kiểm soát tốt đối với các xe chở khách, chở hàng. Đối với các doanh nghiệp có chuyên gia cần phải chặt chẽ hơn trong khâu kiểm soát. Ban chỉ đạo cần nhắc nhở doanh nghiệp Xuân Thành về cách ly và thực hiện đúng quy trình về cách ly tập trung đối với 63 công nhân. UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư máy xét nghiệm và máy chạy thận nhân tạo, ưu tiên cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa miền núi phía bắc.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vắc xin Covid-19 hiện Việt Nam có 30 triệu liều từ nước ngoài viện trợ và Việt Nam sản xuất được 30 triệu liều. Quảng Nam đã có văn bản trình Bộ Y tế về việc cấp vắc xin cho địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch về phân bổ vắc xin, trong đó ngoài việc ưu tiên cho các đối tượng được quy định cần phải xem xét thêm công dân ở các địa bàn nơi có phát triển du lịch và kinh tế tập trung đông người. Ngoài ra, cần giải quyết chế độ chính sách cho người làm việc trực tiếp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 37 của Chính phủ.

LÊ QUÂN