Nghĩ về chiếc chìa khóa vàng

NGUYỄN TẤN ÁI 18/02/2021 06:10

Từ quốc lộ 1 theo tỉnh lộ 16 đi về hướng tây khoảng hai mươi cây số, vượt khỏi con dốc Tranh cao ngất là đến địa phận huyện Hiệp Đức, cũng là bắt đầu vào vùng đất xưa với bao huyền thoại. Thêm vài ba cây số nữa, đến địa phận xã Quế Thọ, từ tỉnh lộ nhìn hướng tay phải bạn sẽ gặp Rừng Già, giờ phủ xanh màu keo lá tràm.

Sông Trầu đoạn dưới chân đá Hòm Khóa. Ảnh: TẤN ÁI
Sông Trầu đoạn dưới chân đá Hòm Khóa. Ảnh: TẤN ÁI

Từ truyền thuyết

Ít ai trong lớp trẻ bây giờ biết được chừng bốn mươi năm trước, đây là dải rừng nguyên sinh âm u ủ một truyền thuyết. Chuyện kể rằng trên đỉnh Rừng Già có hòn đá vuông vức gọi là đá Hòm Khóa, trong đá có vàng, ai mở được hòm thì giàu sang truyền đời. Các cụ kể xưa có thầy địa lý bên Tàu qua, nhìn biết cuộc đá giàu sang, loay hoay tìm cách mở khóa, mà không thành. Rồi năm này năm khác, thỉnh thoảng có những ông thầy Tàu đứng dưới núi nhìn lên, chỉ chỏ bàn tán. Mà chiếc chìa vẫn là cả một bí mật.

Tôi đã một trưa leo lên tận đỉnh Rừng Già, đến bên đá khóa, nhìn vực sâu dưới chân núi mà suy ngẫm. Đường lên đỉnh rừng không còn gian nan, đường khai thác keo ngoằn ngoèo dắt những con xe trung chuyển lên tận đỉnh khai thác keo lá tràm. Xe máy gầm gừ chừng hai giờ đã có thể thong dong trên đỉnh rừng mà tha hồ gió nắng. Kỳ lạ, ngay dưới chân đá là một vực sâu hút, bốn mùa nước trong xanh, ngay cả mùa nắng hạn, hèn gì xưa rừng trùm một màu xanh cây lá lên nền trời.

Hút dưới chân vực là ngầm Ba Hang, nơi truyền tụng câu ca “Ai về nhắn với Ba Hang/ thuồng luồng đã bị hổ mang hại rồi”. Cụ Nguyễn Lý Thanh, nhà ngay chân Rừng Già kể, từ thời còn nhỏ ông đã nghe về huyền thoại này. Chuyện kể rằng vực sâu dưới ngầm Ba Hang là nơi ngài thuồng luồng canh giữ chiếc chìa mở đá Hòm Khóa. Các thầy Tàu muốn chiếm hữu chiếc chìa nên trấn bùa dụ một rắn hổ mang chúa bò đến giao chiến với thuồng luồng, cuộc chiến kéo dài ba ngày đêm, từ dưới làng nhìn lên chỉ thấy chớp lửa nhì nhằng cùng tiếng sấm đất rền vang. Rồi ngài thuồng luồng bị rắn hổ mang hại chết. Từ đó hòm vàng bị kẻ trộm mang đi. Có lẽ do vội vàng tẩu táng mà vàng cục vàng hột còn rơi rắc dọc con sông Trầu ngoằn ngoèo dưới chân rừng. Thỉnh thoảng các bà mò cua bắt ốc cũng mò được cục vàng bằng trái cau. Mà vàng này bị trấn yểm nên ai được vàng thường bệnh nặng rồi chết, nên dân gian truyền câu “được bạc thì sang được vàng thì chết”.

Không biết huyền thoại có tự bao giờ, và tự mơ ước nào, chỉ biết rằng dọc con sông Trầu như được ai rắc vàng tấm vàng cám tự đời nảo đời nào. Những năm 1980 quê tôi rộ lên phong trào đãi vàng. Mỗi nhà tự sắm một cái máng hình tròn lòng chảo đường kính gần một mét. Kẻ xúc đất đổ vào máng, người rung máng như sàng lúa, gọi là đãi vàng. Đất cát được lọc đi, dưới rốn máng đãi đọng lại những mảy vàng tấm. Có một thời mùa màng thất bát thì đãi vàng trở thành kế sinh nhai. Song vàng không đủ để nuôi người, chưa thấy ai đãi vàng mà trở nên giàu có bao giờ. Khi đời sống khấm khá dần, nạn đãi vàng cũng tự chấm dứt.

Đến chiếc chìa khóa vàng

Rồi giấc mơ mở đá Hòm Khóa từng hiện hữu bằng… cây keo lá tràm. Đất rừng xưa là đất gỗ, đất tranh, đất củi, đất săn bắn giờ thành đất trồng keo. Hộ dân nào có được vài héc ta keo thì sau 5 năm khai thác gỗ, tiền lãi tiền công cũng gần ba trăm triệu đồng. Với đời sống nông nghiệp thì đó là khoảng tích cóp khổng lồ. Xe máy, nhà cửa, con cái ăn học, đều xuất phát từ đó. Nhưng không phải hộ nào cũng có được vài héc ta keo, mà đất rừng cũng không chia bình quân về các hộ lao động. Rồi cây cao su không hợp thổ nhưỡng khí hậu, chiếc chìa khóa vàng vẫn chưa thực sự được tìm ra. Nay thì nông thôn đã khởi sắc hơn, nhà máy cán dăm Tân An ra đời, cây keo có thể chọn đường gần để giảm chi phí. Công ty May Quế Thọ, Việt An thu hút gần ngàn công nhân lao động, công ăn việc làm dần đi vào ổn định. Nghe đâu vốn đầu tư toàn của con dân gốc quê làm ăn xa về.

Ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp Hiệp Đức do Nguyễn Thị Thu Thủy (giữa) làm chủ nhiệm.
Ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp Hiệp Đức do Nguyễn Thị Thu Thủy (giữa) làm chủ nhiệm.

Cái về khởi đầu từ những cuộc ra đi. Thầy Hồ Viết Lý bỏ dạy từ những năm đầu 1990, vào Nam làm ăn, giờ là chủ một công ty tơ lụa, Lụa Lý nổi tiếng cả nước, xuất khẩu ra cả nước ngoài. Rồi Mạc Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hồng Quân, rồi Lê Kỳ… Những người con phương xa ấy đã trở về góp đồng vốn xây dựng quê hương. Lê Kỳ nói với tôi: “Đầu tư về quê không cần lãi nhiều, chỉ mong con dân quê mình có công ăn việc làm”.

Phải chăng người dân quê đã tìm ra chiếc chìa khóa mơ ước ngàn đời kia? Bằng phương thức nào? Tôi thực sự thấy ở những người con quê thành đạt là những lựa chọn khốc liệt. Ông thầy bỏ nghề, sinh viên ra trường không chịu đi làm thuê mà ra tay gầy dựng, xếp luôn cả tấm bằng đại học vào ngăn kéo. Họ đã thực sự không chọn con đường bằng phẳng “sáng vác ô đi tối vác về”. Họ đã âm thầm có những khởi nghiệp riêng. Phải chăng cần một thời gian dài để vùng quê tương tác được với tri thức hiện đại. Khi nền kinh tế tri thức ở vùng quê được nâng tầm thì tri thức của người học mới thực sự hữu dụng. Vậy nên con đường mượn nền tảng từ những vùng kinh tế năng động để tri thức được đánh thức, để thành công, lại là lựa chọn tiếp sức hữu hiệu. Phải chăng cần điều chỉnh lại quan niệm chính danh về tri thức và công việc mới có thể mở được con đường cho người dân quê đến với chìa khóa thành công?

Nhận thức bao giờ cũng có một quán tính, mà chệch ngoài quỹ đạo của quán tính là không dễ. Ngay cả con đường bê tông hóa nông thôn cũng đi từ Singapore về từ những năm 1990, khi những chủ nhiệm hợp tác xã năng động được Nhà nước cử đi tham quan học hỏi nước ngoài. Tôi đã được nghe Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Lâm I - Dương Quang Trung kể về những con đường bê tông của Singapore từ những năm đầu 1990, và đến bây giờ nó đã là hiện thực ở vùng quê này.

Một cô gái thuộc thế hệ 8X, là một doanh nghiệp trẻ, thành công ngay tại mảnh đất quê cha đất tổ, nơi cha ông khó khăn truyền đời, đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Đó là cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo huyện Hiệp Đức. Là một kỹ sư nông nghiệp, Thủy chọn con đường khởi nghiệp bằng đồng vốn ít ỏi, 500 triệu đồng vốn huy động và vốn vay ban đầu, và tri thức có được, Thủy khởi nghiệp bằng trang trại nuôi trồng nấm. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, với một thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nấm ăn và nấm dược liệu, trang trại đã thành công bước đầu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 công nhân, và thu nhập khả quan. Bước phát triển cao hơn, Thủy đang hướng đến dòng sản phẩm sau thu hoạch, cải tiến công nghệ máy móc, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú hơn, nâng cao giá trị sản phẩm. Thủy khoe: “Vừa rồi nhận được quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cấp 5,9ha đất thuộc Cụm công nghiệp Gò Hoang để tiến hành xây dựng nhà máy chế biến nấm”.

Rồi chị Lương Thị Hương Sen, một công chức về hưu. Thời điểm nghỉ hưu lại là thời điểm để chị bắt đầu khởi nghiệp, có là trễ muộn? Chỉ biết sản phẩm bột mầm đậu xanh “Cô Sen” đã đăng ký thương hiệu và có mặt trên thị trường, đạt tiêu chuẩn ba sao. Tôi nghĩ chị đã bắt đầu hiệp hai thật đúng lúc.

Hiệp Đức - nơi những người dân quê chịu khó, hay làm và dám làm với nguồn tri thức và sự sáng tạo đã tìm được chìa khóa ngay trên quê hương mình và mở ra sự giàu có mà ông cha đã bao đời mơ ước?

NGUYỄN TẤN ÁI