Sắc xuân ở Trà Leng
Gác lại nỗi buồn sau thiên tai, hàng chục hộ dân tại các làng tái định cư của huyện Nam Trà My đã bắt nhịp với cuộc sống mới trong những ngôi nhà khang trang.
An cư đón tết
Hàng chục hộ dân người Mơ Nông tại làng tái định cư ở thôn 2, xã Trà Leng (Nam Trà My) chộn rộn cho khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Trên mảnh đất khá bằng phẳng của thao trường cũ Trà Dơn, 13 căn nhà sàn khang trang được kiên cố hóa theo hướng “nhà an toàn” dựng lên vững chãi, rộng cửa đón chủ về an cư.
Với địa hình rộng và phẳng, thao trường Trà Dơn có không gian khá thoáng đãng nhờ cách xa những ngọn đồi và khá cao so với mực nước sông Leng. Từ khi được lựa chọn làm nơi tái định cư cho các hộ dân bị sạt lở, mảnh đất 6ha này được đánh giá là “có một không hai” không những của xã Trà Leng mà còn cả huyện Nam Trà My.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ngay sau khi sạt lở xảy ra, huyện đã khẩn trương xác định việc dựng lại nhà mới cho người dân là một trong những nhiệm vụ cấp thiết và được đặt lên hàng đầu. Do đó, song song với việc tìm kiếm người mất tích, huyện Nam Trà My chỉ đạo rà soát nhiều địa điểm nhằm xác định nơi lập làng mới.
“Để đảm bảo an toàn cũng như đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho người dân tại khu vực tái định cư xã Trà Leng, huyện đã thực hiện phương án đổ sườn bê tông, dựng nhà theo kết cấu và vật liệu an toàn nhưng thiết kế vẫn phù hợp với bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến nhân dân, khi thống nhất được địa điểm đã tiến hành ngay việc san lấp mặt bằng, phân lô và thi công ngay” - ông Trần Duy Dũng nói.
Nhằm hỗ trợ nhân dân vùng sạt lở được đón tết trọn vẹn, huyện Nam Trà My đã chuyển 166 tấn gạo về 10 xã kịp thời cấp phát cho bà con. Huyện cũng trích ngân sách thăm hỏi người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, trong đó có nhiều trường hợp bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất.
Duy trì tập quán đón tết
Về đón tết ở làng mới, anh Nguyễn Thành Sơn (ở thôn 1, xã Trà Leng) rất xúc động. Trong ký ức của anh, những cái tết xưa còn đông đủ bà con, khắp nơi trong làng đều khí thế, sôi nổi mỗi độ xuân về - giờ chỉ còn kỷ niệm. Vợ không còn, nhưng anh Sơn mừng vì vợ đã cùng anh nuôi dạy các con thành người. Năm nay, ba cô con gái của anh Sơn đều tranh thủ về sớm và thay mẹ phụ cha sắm sửa đón tết.
Trong truyền thống của người Mơ Nông, ông bà tổ tiên được thờ ở… bếp, trong mỗi căn nhà, các gia đình sẽ “dựng” một ông táo bằng ba hòn đá đủ vững để nấu nướng. Các món cúng được nấu trên bếp đặc biệt này. Sau khi nghi thức cúng bái thực hiện xong, người đứng cúng cũng là người duy nhất được phép dùng các món cúng trước, sau đó mời đến các thành viên khác trong gia đình... Những tập tục đơn thuần ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây, họ tôn trọng và nghiêm túc duy trì từ đời này sang đời khác. Về nhà mới, người Trà Leng duy trì tập tục ấy tùy vào hoàn cảnh gia đình.
Sáng mùng Một, gà luộc, cơm lam và bánh sừng trâu được anh Sơn và các con chuẩn bị xong. Thêm chén trầu và ly rượu, anh bày thành mâm cúng đặt giữa căn nhà mới, trước bàn thờ vợ. Như thế để tất cả nghi thức cúng bái cũng sẽ được vợ anh “đem theo”, vì theo truyền thống của người Mơ Nông, khi trụ cột trong gia đình qua đời, mọi nghi thức sẽ được xóa bỏ, và chỉ được thực hiện bởi thế hệ tiếp theo khi họ tiếp quản căn nhà và trở thành trụ cột mới. Trước di ảnh của vợ, anh Sơn mong cầu thần linh và người quá cố phò hộ gia đình được bình an, giúp đỡ công việc làm ăn, đừng cho đau cho ốm, đừng cho rủi ro, đón một năm mới trọn vẹn…
Ở làng tái định cư tại Trà Leng, chỉ còn nhà bố Hồ Văn Đề thực hiện nghi thức cúng truyền thống. Trước khi về nhà mới, vợ chồng bố Đề cẩn thận sắp xếp một lễ cúng nhỏ để bái tạ thần linh và Bác Hồ theo nghi thức của dân tộc mình. “Có được nhà cửa mát mẻ thế này cũng nhờ có Đảng, Nhà nước thì nhà mới mát mẻ thế này” - bố Đề trải lòng.
Người Mơ Nông cũng rất tín nhiệm già làng, mỗi dịp trước tết, già làng sẽ tập trung bà con về Ưng (nhà cộng đồng) đề bàn việc làng, trong đó có việc vui chơi ngày tết. Nhưng vì hoàn cảnh, bà con đành tạm gác chuyện này sang bên để đón một cái tết “tạm”.
Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, bên cạnh xây dựng các căn nhà còn lại trong khu tái định cư, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Quân khu 5 cố gắng hoàn thiện nhà cộng đồng trong năm nay để bà con có nơi sinh hoạt tập trung. Việc sớm có nhà sinh hoạt cộng đồng góp phần duy trì bản sắc của người Mơ Nông và đảm bảo đầy đủ yếu tố của một làng văn hóa kiểu mẫu.
Trong nắng ấm, người Mơ Nông ở Trà Leng và khắp nơi trên địa bàn huyện Nam Trà My dang tay đón nhận cuộc sống mới sau biến cố cuộc đời.