Muôn mặt mưu sinh

ALĂNG NGƯỚC 17/02/2021 10:36

Dẫu tết, nhưng xen giữa dòng người du xuân luôn có những phận đời mưu sinh vất vả. Họ gác lại niềm vui tết, để “theo chân” du khách, mong bán thêm được những món hàng thời vụ để cải thiện đời sống.

Mùng 2 Tết, bà Hà lặng lẽ ngồi chờ khách dừng chân mua vé số. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Mùng 2 Tết, bà Hà lặng lẽ ngồi chờ khách dừng chân mua vé số. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Cũng muốn ở nhà vui tết chứ. Nhưng, cuộc sống mà, có cho mình được lựa chọn đâu” - bà Nguyễn Thị Thu Hà tâm sự. Những vị khách quen, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến suốt thời điểm tết bà luôn có mặt ở một góc đường của Tam Kỳ để bán vé số. Khách thương nên tìm đến ủng hộ. Hơn chục năm làm nghề bán vé số dạo, bà Hà nói, là chừng đó cái tết bà chào khách dừng chân tìm vận may. Quanh năm suốt tháng với nghề, tết, bà cũng dự định nhiều kế hoạch để vui xuân, nhưng vì mong kiếm thêm chút ít thu nhập cùng các con trang trải cuộc sống nên đành gác lại niềm riêng. Vậy là lên đường.

Để đến được điểm bán, từ xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) một mình bà Hà vượt quãng đường hơn 7km bằng chiếc xe đạp điện dành riêng cho người khuyết tật. Công việc đó, cứ lặp đi lặp lại riết rồi thành quen. Nhiều năm nay, công việc nhà đều được bà Hà sắp xếp vào… ban đêm. “Buổi sáng, tui dậy sớm rồi tạt vô chợ để mua ít đồ. Xong rồi để đó. Đến cuối giờ chiều trở về nhà, mới lục đục làm từng cái một. Có khi tới khuya mới xong việc” - bà Hà kể.

Chồng bỏ đi đã nhiều năm, một mình bà Hà làm lụng khổ cực để nuôi 2 người con khôn lớn. Năm ngoái, đứa con đầu làm trong ngành du lịch phải nghỉ vì dịch Covid-19 nên cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Tết, giữa dòng người tấp nập, bà Hà lặng lẽ ngồi dưới bóng cây trên đường phố Tam Kỳ, trên tay cầm xấp vé số mời khách. Nhiều người ghé lại mua ủng hộ. Một vài vị khách tốt bụng đã lì xì mừng tuổi, dù chỉ là vài chục nghìn đồng nhưng bà Hà nói, rất vui vì đó là tình cảm của người đi đường dành cho mình trong ngày đầu năm mới.

Bà Hà chỉ là lát cắt trong câu chuyện những phận người mưu sinh ngày tết. Ở phố có, miền núi có, điểm chung của họ là hoàn cảnh khó khăn. Như câu chuyện của chị Hạnh (ở thị trấn Trà My, Bắc Trà My), sau ly hôn, một mình phải nuôi 2 đứa con nhỏ. Đứa lớn, không may mắc phải hội chứng thận hư kháng thuốc, suy tuyến thượng thận bẩm sinh. Hơn chục năm nay, chị Hạnh đều vay mượn tiền để chạy chữa cho con. “Ai kêu việc gì, mình cũng làm, chỉ mong có thêm tiền chữa bệnh cho con thôi” - chị Hạnh bộc bạch.

Những ngày tết, gác lại chuyện vui xuân, chị Hạnh “túc trực” tại một góc Quảng trường Trà My để chào bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu của du khách. Chị Hạnh nói, năm nay, ngoài một số món ăn quen thuộc, chị còn bán thêm hoa nhân ngày lễ tình nhân 14.2. Cuộc sống dù có khó khăn, nhưng vì các con, chị chấp nhận tất cả để mưu sinh.

ALĂNG NGƯỚC