Đưa tín dụng thông suốt huyết mạch kinh tế

VIỆT NGUYỄN (thực hiện) 17/02/2021 10:20

Năm 2020, tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trong năm 2021 để tín dụng thông suốt huyết mạch kinh tế Quảng Nam.

Agribank chi nhánh Quảng Nam đưa vốn về nông thôn giúp người dân phát triển kinh tế vườn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Agribank chi nhánh Quảng Nam đưa vốn về nông thôn giúp người dân phát triển kinh tế vườn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

PV: Thưa ông, công tác huy động vốn và hoạt động tín dụng được các tổ chức tín dụng triển khai thế nào trong năm 2020?

Hệ thống ngân hàng “phủ sóng” toàn tỉnh

Mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng và đa dạng hóa kênh giao dịch. Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã chấp thuận hoạt động đối với 2 chi nhánh ngân hàng thương mại là Ngân hàng Việt Nam Thương tín, Ngân hàng Đông Nam Á và 3 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng thương mại ở Đại Lộc, Hội An và Điện Bàn. Năm 2020, toàn tỉnh có 29 chi nhánh tổ chức tín dụng, 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 100 phòng giao dịch. Mạng lưới ngân hàng đã bao phủ 18/18 địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch ngân hàng của người dân, doanh nghiệp.

Ông Phạm Trọng: Tăng trưởng nguồn vốn trong năm 2020 tại Quảng Nam gặp nhiều trở ngại do tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 và sự biến động của giá vàng. Nguồn vốn huy động trong 11 tháng đầu năm tăng trưởng chậm, chỉ đạt 5,27% nhưng đã tăng mạnh vào tháng cuối năm là 7,68%, gấp 1,45 lần mức tăng của 11 tháng trước, nhờ đó tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cả năm cao trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Đến ngày 31.12.2020, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 62.981 tỷ đồng, tăng 13,35% so với đầu năm.

Năm 2020, mặc dù các tổ chức tín dụng đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, quy mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng chững lại, việc giải ngân vốn đạt thấp. Đến ngày 31.12.2020, dư nợ đạt 79.353 tỷ đồng, tăng 7,66% so với đầu năm, đạt 98,09% kế hoạch tăng trưởng năm. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 2 thập kỷ qua, tuy nhiên tín dụng tăng trưởng 7,66% đã thể hiện nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn trong việc cung ứng vốn phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh.

PV: Trong bối cảnh kinh tế giảm sút, khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm, ông đánh giá gì về nợ xấu trong năm qua?

 

Ông Phạm Trọng: Nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt, trong đó giải pháp thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng thực hiện đạt kết quả tích cực. Đến ngày 31.12.2020, tổng nợ xấu trên địa bàn hơn 681,4 tỷ đồng, tăng 36,83% so với thời điểm bắt đầu xảy ra dịch bệnh Covid-19; trong đó đáng chú ý là khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng 71,3%, khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 27,75%... Đáng nói là nợ xấu chỉ chiếm tỷ trọng 0,85% tổng dư nợ, nằm trong ngưỡng an toàn.

PV: Dưới tác động xấu của đại dịch và thiên tai trong năm qua, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ gì cho khách hàng?

Ông Phạm Trọng: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng do dịch bệnh Covid-19. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 948 khách hàng với dư nợ gần 2 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho hơn 15 khách hàng với dư nợ  gần 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, theo chỉ đạo riêng của từng hội sở ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đối với 1.197 tỷ đồng dư nợ cho 604 khách hàng, gia hạn nợ 551 tỷ đồng cho 172 khách hàng, miễn, giảm lãi vốn vay hơn  989 tỷ đồng dư nợ cho 209 khách hàng. Về thiệt hại do bão lũ, 5 tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 23 khách hàng với dư nợ khoảng 11,2 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 3.805 khách hàng với dư nợ gần 4 nghìn tỷ đồng, số lãi dự kiến sẽ giảm là 9,7 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi hơn 4 nghìn tỷ đồng cho hơn 3.950 khách hàng.

PV: Ngành ngân hàng triển khai những giải pháp gì trong năm 2021, thưa ông?

Ông Phạm Trọng: Bám sát mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, để thông suốt huyết mạch kinh tế, chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn tín dụng. Cùng với đó là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chú trọng truyền thông các chính sách, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tích cực đưa vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

VIỆT NGUYỄN (thực hiện)