Nâng tầm du lịch văn hóa

QUỐC TUẤN 16/02/2021 08:11

(Xuân Tân Sửu) - Quảng Nam từng “chập chững” bước vào ngành du lịch với vốn liếng lớn nhất là hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ và đến nay đã phát huy rất hiệu quả để định vị thương hiệu trong bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Từ định hướng chiến lược của ngành du lịch quốc gia, du lịch văn hóa Quảng Nam còn nhiều dư địa để vươn đến tầm cao mới.

Du lịch văn hóa đóng góp đáng kể vào doanh thu của ngành du lịch Quảng Nam. Ảnh: LÊ VẤN
Du lịch văn hóa đóng góp đáng kể vào doanh thu của ngành du lịch Quảng Nam. Ảnh: LÊ VẤN

Đòn bẩy văn hóa

Cần mở rộng không gian du lịch văn hóa

Trở lực để du lịch văn hóa Quảng Nam thoát khỏi “cái bóng” Hội An và Mỹ Sơn để đi sâu vào văn hóa làng, văn hóa vùng cao xứ Quảng rất nhiều nhưng cốt lõi nhất vẫn là việc thiếu những “nhạc trưởng” dẫn dắt có tâm, có tầm. Bà Trần Thị Thu Oanh - Chuyên gia phát triển mạng lưới du lịch cộng đồng (Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế FIDR) chia sẻ: “Vấn đề hiện nay là đồng bào chưa nhận biết được yếu tố khác biệt để tạo ra sức hấp dẫn cho điểm đến. Tùy vào từng điểm đến và dựa vào mục tiêu, chúng ta phải xác định cho được đối tượng khách hàng và xác định được sức tải tối đa phù hợp để vừa phát triển vừa bảo tồn được giá trị văn hóa cốt lõi tại đây”. Còn theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc xây dựng cơ chế hỗ trợ hàng loạt điểm du lịch cộng đồng dự kiến trình HĐND tỉnh đầu năm 2021 với sự lan tỏa về vùng miền, không gian cũng mở ra kỳ vọng khai phóng được dư địa còn rộng mở của du lịch văn hóa cực kỳ đa dạng ở Quảng Nam.

Từ chỉ đón vài chục nghìn lượt khách vào năm 1999, sau 20 năm Quảng Nam đã đón đến gần 8 triệu lượt khách. Với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, Quảng Nam nằm trong tốp 4 điểm đến hút khách quốc tế của Việt Nam chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh, đồng thời cũng là địa phương “hy hữu” có cơ cấu khách quốc tế lớn hơn khách nội địa.

Mới đây, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) xây dựng dự thảo Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Trong đó phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 20% doanh thu từ khách du lịch và việc xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia về du lịch văn hóa sẽ tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực có thế mạnh gồm ẩm thực và di sản. Đây là cơ hội tốt để du lịch Quảng Nam bắt nhịp, nâng tầm và vươn mình thành một trong những trung tâm lớn của loại hình du lịch này với nội lực sẵn có.

Chưa có một thống kê cụ thể về đóng góp của du lịch văn hóa trong doanh thu của ngành du lịch Quảng Nam. Tuy nhiên có thể nhận thấy khi chưa bị tác động của dịch bệnh, các điểm đến chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đều tạo ra nguồn thu đáng kể về mặt vé tham quan như Khu phố cổ Hội An đạt hơn 300 tỷ đồng, Khu đền tháp Mỹ Sơn hơn 60 tỷ đồng; đồng thời là “hạt nhân” quan trọng tạo ra thu nhập xã hội hơn 14,5 nghìn tỷ đồng (năm 2019) của cộng đồng doanh nghiệp, cư dân làm du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, nhiều năm nay ngành du lịch Quảng Nam chủ yếu vẫn nương vào hai di sản văn hóa thế giới là Hội An, Mỹ Sơn. Du lịch văn hóa Quảng Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thế giới với việc Hội An là đô thị duy nhất trên cả nước đồng thời được đề cử ở cả hai hạng mục “thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” và “điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Ngoài ra, hệ thống di sản của Quảng Nam cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp Việt Nam được vinh danh ở hạng mục “điểm đến di sản hàng đầu thế giới” cuối năm 2020 vừa qua.

Tương tác hình thành mạng lưới di sản  

Tại Hội nghị Du lịch toàn quốc 2020 diễn ra tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị các địa phương miền Trung phải nghiên cứu cụ thể hơn nữa nội hàm, chiều sâu của văn hóa bản địa bởi đây là một trong những “trụ cột” để thúc đẩy du lịch vùng. Đề xuất của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cần được tiếp thu, triển khai mạnh mẽ bởi văn hóa bao quát, thấm đẫm trong hầu hết loại hình du lịch đã và đang phát triển mạnh tại miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn và cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm…

Văn hóa vùng cao Quảng Nam vô cùng độc đáo và cần được khai thác hợp lý để phát triển du lịch. Ảnh: Q.T
Văn hóa vùng cao Quảng Nam vô cùng độc đáo và cần được khai thác hợp lý để phát triển du lịch. Ảnh: Q.T

Theo ông Lê Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện nay nhu cầu hưởng thụ của du khách đã thay đổi rất lớn. Cái họ cần là được trải nghiệm tối đa văn hóa bản địa của điểm đến từ ẩm thực, tập quán, kiến trúc bản địa của cư dân và sâu hơn nữa là những câu chuyện đặc sắc riêng có tích tụ qua thời gian của mỗi sự vật, sự việc mà họ ghé đến.  

Lâu nay, sản phẩm du lịch văn hóa vốn được thị trường khách truyền thống của Quảng Nam ưa chuộng. Dòng khách hưởng thụ sản phẩm du lịch văn hóa phần lớn đều có trách nhiệm, quan tâm đến đời sống cư dân bản địa của điểm đến. Có thể nói, đây là dòng sản phẩm rất phù hợp trong định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững ở Quảng Nam.

Tuy nhiên, sự phát triển của các sản phẩm văn hóa phục vụ hoạt động du lịch ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chủ yếu còn mang tính tự phát, mạng lưới di sản vật thể, phi vật thể chưa được khơi gợi để trở thành câu chuyện hấp dẫn hay chuỗi sản phẩm dịch vụ phụ trợ độc đáo cho điểm đến một cách hiệu quả. Với những di sản còn chưa định vị được thương hiệu, việc cộng sinh hoặc tương tác với điểm đến khác lân cận mà dễ thấy nhất là các đơn vị lưu trú cao cấp có thể là lối ra hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực nhất trong ngắn hạn. Một chuỗi khu vui chơi, lưu trú cao cấp ven biển nam Hội An trải dài từ Duy Xuyên, Thăng Bình vào đến Núi Thành đã hình thành là cơ hội để du lịch di sản ở khu vực này cũng như miền trung du thức giấc.

QUỐC TUẤN