Ngang Hội An, cảo thơm lần giở...
(Xuân Tân Sửu) - Họa sĩ Trương Bách Tường khoát tay, ra dấu bảo tôi chờ. Anh nói gì đó với cô chủ nhà, rồi đi ra, mở cánh cửa sắt, nghe tiếng rin rít cứa vào khoảng không, chừng như lâu lắm gian nhà với tấm bảng hiệu cũ bằng gỗ in hai chữ vàng Trùng Dương này mới mở ra, dậy lên ký ức về một thời vàng son của các hiệu sách phố Hội, của cái thú mà nhà văn Nguyên Ngọc từng nhắc: “một lớp tinh hoa cấp cao…, một lõi vàng ròng của đời sống tinh thần và văn hóa chung”: đọc sách.
“Vang bóng một thời”
Trùng Dương từng là một trong số hơn chục nhà sách đầy tao nhã trong bán kính một cây số vuông hàng hàng lớp lớp cửa tiệm bán buôn của phố Hội xưa. Anh Trương Bách Tường kể theo bước chân chúng tôi đi qua phố vắng mùa dịch: Nhất Tiếu, Trùng Dương, Rạng Đông, Phi Anh, Thống Nhất, Châu Trí, Bình Minh… Xưa những tín đồ Kim Dung hay Cổ Long… thường xuyên ghé tiệm sách Đức An đường Cường Để, đón từng tập mới của các truyện kiếm hiệp feuilleton (in báo dài kỳ) được in thành sách.
Hiệu sách Trùng Dương từng là điểm đến của rất nhiều người yêu sách, với một kho sách, tạp chí, báo. Chủ hiệu sách bao giờ cũng có những bạn đọc thiết thân, chưa đến ngày phát hành sách đã đến dặn đặt. Mua sách là một nhu cầu thường thức như ăn, ngủ, như ly cà phê thơm mỗi sáng của khá đông tầng lớp dân phố Hội. Một số đọc để biết chuyện đây đó. Một số khác kỳ công hơn, sưu tập sách, chọn lọc những đầu sách để giữ lại cho tủ sách gia đình. Rất nhiều gia đình trong phố cổ chơi sách, trong đó có những tủ sách cực kỳ giá trị.
“Tôi, và nhiều người thời tôi đã từng chen chân đến nhà sách để đặt mua sách trước cả kỳ phát hành một tháng, hai tháng, hoặc đều đặn ghé lấy những tạp chí, những tuần san, nguyệt san nổi tiếng thời đó. Tác động xã hội của văn hóa đọc sách thời đó rất lớn. Trước khi ra sách, nhà xuất bản đã dành hẳn một thời gian để tạo hiệu ứng, kích thích sự chờ đợi, để quyển sách ra đời được trân trọng đón nhận. Người đọc sách không ít, sách bán chạy, và kéo theo đó là thói quen sưu tập sách” - anh Tường nhớ lại.
Sau năm 1975, bộn bề cái khổ, nhưng không vì thế mà thiếu sách. Tivi, ra-đi-ô luôn có thời lượng nhất định giới thiệu những quyển sách mới phát hành. Xuất hiện các nhà sách mới hơn như Tuổi Trẻ, Nhân Dân. Thậm chí, có những quán cà phê như Lạc Viên trở thành “cà-phê-sách” trước cả khi phong trào này xuất hiện ở các thành phố lớn. Cả ngàn đầu sách đông tây kim cổ được để đó, cho bất kỳ ai muốn đọc, muốn tiếp cận, và muốn tranh luận về sách. Bản thân chủ tiệm sách cũng là người sở hữu đầy đủ và nhanh nhất về các loại sách mới.
“Quý tộc văn hóa”
“Sách, là một trời thương nhớ của một thời phố Hội xưa cũ. Những bảng hiệu sách sót lại sau xô dạt và biến thiên của thời cuộc. Cũ, lặng lẽ, khuất sau những tấm bảng mới sáng màu hơn, hoặc là mất dấu. Nhưng chúng vẫn tồn tại trong trí nhớ của những người hoài cổ. Giờ thì chẳng còn tiệm sách nào trong số những cái tên trên còn “sống” với đầy đủ chức năng của một nhà sách nữa. Hình như, Hội An chỉ còn một nhà sách Phương Nam, mà cũng đã lắng đi rất nhiều so với thời hưng thịnh” - họa sĩ Trương Bách Tường ngậm ngùi.
“Một thành phố chỉ có thể thật sự là “thành phố văn hóa”, như Hội An, khi nó có, từng có, và biết giữ một lớp tinh hoa cấp cao, lớp “quý tộc văn hóa như thế, có thể nhỏ thôi, có thể nghèo, nhưng là quý tộc, sang trọng, như là cái lõi vàng ròng của đời sống tinh thần và văn hóa chung” - nhà văn Nguyên Ngọc đã từng viết như thế, về Hội An, về những người mê sách.
Người được ông nhắc đến, là công tử Châu Tường Anh, người của “lớp quý tộc chập chờn giữa hai thời đại, nho nhã phương Đông, nhưng đọc rành Tây và thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây, một lớp quý tộc nghèo mà sang”. Ông kể, về nghi lễ thiêng liêng khi Châu công tử “cầm con dao ngà rất chậm, rất nhẹ như sợ làm đau giấy để rọc từng trang sách”, để “một chút bụi giấy vàng mong manh bay lên và rơi xuống lấm tấm li ti trên mặt bàn”, “mỗi con chữ đều long lanh, và vang lên một cách khác…, trở nên quý tộc hơn, sang trọng hơn, và bỗng như trở nên bí mật hơn”. Hội An đã từng như thế, đã từng vàng son, với sách.
Nỗ lực hồi sinh văn hóa đọc
Ngang qua phố cổ, chuyện sách lai rai theo bước chân và những bảng hiệu cũ càng vẫn treo cùng thời gian trên những nhà sách xưa, dường như để tưởng vọng về một thời vang bóng. Hình như, đi cùng sự vắng thiếu và mất công năng của những nơi sách từng ngự trị, là sự lơ đãng lẫn gấp gáp của thời hiện đại, của xu hướng tiêu dùng “mì ăn liền” và thói quen sử dụng mạng, khi người ta có thể đọc sách ở bất kỳ đâu, tìm sách ở bất cứ lúc nào, chỉ cần công nghệ. Nhưng cũng hình như vì có nhiều chọn lựa hơn cho giải trí và tri thức, người ta quên dần sự hiện hữu của sách, mất cảm giác cảo thơm lần giở, phôi phai mùi mực in thơm phức lẫn cái khấp khởi đợi chờ, ngóng ngày cầm sách trên tay.
Những năm gần đây, “Không gian đọc Hội An” như một điểm sáng thắp lại phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt trẻ em. Nhưng chỉ mình không gian đọc, thì quá vắng và thiếu. Sức lan tỏa vì thế cũng chỉ giới hạn trong chừng mực, dù có sự nỗ lực rất lớn của một số cá nhân, một số gia đình yêu sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc cho lớp trẻ.
“Người đọc sách không ít, sách vẫn bán chạy, nhưng tạo ra hiệu ứng như ngày xưa thì không còn nữa, ít nhất là thú sưu tập sách. Người ta cũng chẳng đọc sách để tranh luận, để ngồi cãi nhau tưởng chừng sắp... đánh lộn vì sách. Chuyện trà dư tửu hậu, nát bấy cãi nhau về một cuốn sách, dù có thể cuối cùng vẫn… không ra chuyện, mới kích thích được thói quen đọc sách. Xu hướng xã hội đã đi quá xa, kéo lại là khó, rất khó. Nhưng không thể vì khó mà không làm, càng phi lý hơn khi chưa làm mà… kêu khó” - họa sĩ Trương Bách Tường trăn trở.
Hội An nay vẫn có những người mê sách, nhiều tủ sách gia đình với nhiều sách quý. Họ âm thầm “góp nhặt cát đá” để xây nên thư viện cá nhân. Bạn tôi, Nguyễn Hoài Quảng là một tay chơi sách như vậy. Quảng từ thời sinh viên đã dành những đồng học bổng ít ỏi để mua sách, chủ yếu là sách cũ bày bán rất nhiều ven đường, ven sông Hương hay chợ Đông Ba. Thư viện cá nhân ngàn quyển của Quảng, cùng tủ sách nức tiếng của thi sĩ Phùng Tấn Đông, hay tủ sách của họa sĩ Trương Bách Tường vốn thừa kế từ nhà sách Phi Anh xưa... từng đưa những sách quý trưng bày tại “Không gian đọc Hội An”, góp phần kích thích văn hóa đọc ở người trẻ phố Hoài…
Lần bước qua những cửa tiệm từng là nhà sách xưa, cảm giác như nhặt được cuốn sách cũ trong đống giấy lộn ở hàng phế liệu, tưởng thương thân phận hẩm hiu của những dòng đề tặng luyến thương, của tình tri âm gửi trao vào sách, của cảo thơm từng lần giở trước đèn…