Giữ trâu xuyên Việt
(Xuân Tân Sửu) - Ngày nay, trên đồng ruộng con trâu đã dần bị thay thế bởi máy móc, những đứa trẻ chăn trâu và lệ cúng mục đồng không còn nhiều như xưa nữa, nhưng tôi vẫn tin như cụ Phan Khôi từng nói: “Con trâu chết vẫn còn để lại cái sừng!?”. Suốt nhiều năm trong quá khứ, con trâu đã góp phần giải quyết bài toán sức kéo và chủ động lương thực cho Quảng Nam.
1. “Huê hà huê hưởng/Cà cưỡng bay cao
Chóc mào bay thấp/Chim bay về ấp
Đỏ mỏ về trời
Huê… huê…
Nghe tiếng tao mời/Về ăn thịt chuột
Mâm trên thì luộc/Mâm dưới thì đầu
Mời chú mời lâu/Chăn trâu nuốt hết”…
(Đồng dao cúng mục đồng)
Hồi nhỏ ở quê, tuy ở nông thôn nhưng nhà tôi nghèo không có trâu. Nhờ đi chơi với lũ bạn sau những buổi đến trường, nên tôi cũng biết cưỡi trâu, biết những lễ tục cúng mục đồng hằng năm và thuộc vài bài đồng dao như trên. Theo chúng bạn chăn trâu lúc ấy là một cái thú ngoài sách vở. Nào hay, có một lúc trong đời gần hai chục năm sau, tôi lại có chuyến trải nghiệm giữ trâu… xuyên Việt!
Đầu năm 1976, sau những ngày tham gia công tác ở Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên - Học sinh Quảng Đà, tôi được nhận về công tác ở Công ty Vật tư nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhờ đã học đại học ở Sài Gòn, biết soạn thảo văn bản và các hợp đồng kinh tế, tôi được bố trí làm việc ở phòng kế hoạch công ty. Công việc thường là đến các ban nông nghiệp ở các quận huyện trong tỉnh hoặc ra các nông trường, hợp tác xã ở miền Bắc để hợp đồng mua các loại giống lúa, giống bắp về cung cấp cho các địa phương của tỉnh…
Đến khi tỉnh giao nhiệm vụ ra miền Bắc hợp đồng mua trâu về “tăng cường sức kéo” cho các xã vùng mới giải phóng, tôi được cử đi theo làm trợ lý cho các vị lãnh đạo vừa tập kết quay về và từng công tác trong ngành nông nghiệp ở phía bắc vĩ tuyến 17. Chưa đầy một tuần sau, các hợp đồng đã được ký kết, gần 5.000 con trâu được bán cho Quảng Nam - Đà Nẵng từ các trạm chăn nuôi quốc doanh ở Cầu Cấm (Nghệ An) và Hà Trung (Thanh Hóa). Tôi được giao nhiệm vụ lên lịch tiếp nhận, ký hợp đồng thuê ô tô tải của “Công đoàn Ô tô hàng hóa Đà Nẵng và giao dịch điều xe theo lịch”. Khi xe đi chở trâu, mà các bác tài lúc đó cứ nói vui là “xe chở sinh viên” về địa phương, thì có bộ phận nghiệp vụ áp tải và lập biên bản giao nhận.
Công việc đang suôn sẻ, sau đợt nhận hàng ở Cầu Cấm, tôi được trưởng phòng cử đi Hà Trung, dưới chân dãy cánh cung Tam Điệp nổi tiếng. Vì lượng giao nhận đợt này nhiều, kéo dài nhiều tuần nên ngoài anh em đi áp tải, tôi phải ra đó để điều phối và có thể ở lại lâu hơn.
2. Trạm trâu cấp 1 Hà Trung (trực thuộc Trung ương) ở bên phải nông trường Đồng Giao địa đầu tỉnh Ninh Bình, mà ngày nay người ta gọi là “thủ phủ” của quả dứa (thơm, khóm) phía Bắc, giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. “Chưa đi chưa biết Đồng Giao/Má hồng ở lại xanh xao mang về”. Người tôi gặp đầu tiên và đọc cho tôi mấy câu hát dân gian này là nữ bác sĩ thú y T.H. người Hà Nội, để mô tả sự khắc nghiệt ở đây. Tôi theo cô ấy leo lên mấy ngọn đồi bát úp dưới chân dãy Tam Điệp để cắt những cây mua về sắc thuốc trị bệnh tiêu chảy cho trâu. Hồi đó, trạm chỉ là những dãy nhà tre nứa lợp tranh, vách thưng những tấm liếp đan bằng thân nứa, các công nhân phải dùng giấy báo dán trên vách để che gió, trên mái lợp giấy dầu tráng hắc ín che mưa nắng. Chỉ có khách đến liên hệ công tác và lãnh đạo trạm mới ở trong những gian nhà gạch cấp 4. Tất cả ở giữa một vùng đồi núi hoang vu sát đường sắt và quốc lộ 1.
Xe tải “ba lua” theo cách gọi ở miền Nam ra, mỗi xe chỉ vừa chở được 10 con trâu đứng sát vào nhau theo chiều ngang thùng xe. Dân ngoài Bắc lần đầu nhìn thấy loại xe “ba lua” này đã trầm trồ: “Ôi trông nó giống như một toa tàu!”. Người ta phải đắp một ụ đất để lùa trâu đi lên thùng xe cho thuận lợi. Trước khi đưa trâu lên xe, đêm trước, bác sĩ thú y phải cho uống thuốc chiết xuất từ cây mua để ngừa tả lỵ. Dọc đường về lái xe phải dừng lại mấy điểm có nước bên đường và múc nước lên cho trâu uống. Xe chạy xuyên đêm, khoảng một ngày đêm và nửa buổi hôm sau thì đến Quảng Nam.
Giao nhận “hàng” xong ở Hà Trung, cuối tuần tôi phải làm sổ sách đối chiếu với kế toán trạm. Nghỉ được hai ngày, tôi và một anh bạn trẻ nhảy tàu chợ từ ga Đồng Giao đi Hà Nội cho biết, đến hai giờ khuya thì tàu tới ga Hàng Cỏ. Chiều Chủ nhật lại quay về để kịp ngày làm việc đầu tuần với những bữa cơm tem phiếu nộp cho nhà ăn nhưng độn sắn và canh rau “toàn quốc” hoặc vài món tươi mang theo từ Đà Nẵng.
Lần ấy từ Hà Nội về, tôi mua vài hộp sữa để tặng cho con gái nhỏ của bác sĩ T.H, gọi là quà cám ơn cô đã bày vẽ cho tôi biết nhiều kiến thức về kỹ thuật giữ trâu. Sau này chúng tôi thư từ cho nhau nhiều năm cho đến khi cô biết chắc người chồng cũ đã chết ở chiến trường, đi lấy chồng khác và chuyển vào sống ở Sài Gòn.
3. Bây giờ mới là chuyện tôi thật sự giữ trâu!
Những chuyến xe cuối cùng của đợt giao nhận trâu ở Đồng Giao rồi cũng đến. Tôi hoàn tất việc đối chiếu chứng từ, ký biên bản và quyết định đi về với tư cách áp tải một xe “10 sinh viên” như mọi người cùng một anh bạn áp tải xe khác. Vào đến thị trấn Cày, huyện lỵ Thạch Hà vào nửa đêm, chiếc xe tải của người bạn bị gãy lắp cầu sau, chỉ kịp tấp vào lề. Xe tôi dừng lại. Các lái xe trao đổi nhanh để biết rõ tình trạng hư hỏng. Anh phụ lái của xe ấy được cử nhảy qua xe tôi để về Đà Nẵng mua phụ tùng và đưa thợ ra thay. Tôi quyết định xuống xe ở lại cùng đàn trâu cho anh bạn trẻ về trước.
Đêm đó, theo lời khuyên của mấy người dân xung quanh, chúng tôi thả đàn trâu xuống một bãi dương liễu bên đường, đi xin nước và rơm cho chúng ăn uống. Kiểm tra dây mũi và cột một con vào một gốc dương liễu vì sợ chúng chạy đi. Nửa đêm hôm đó, trong lúc chúng tôi ngủ vùi trong thùng xe thì một nửa đàn trâu bứt hết dây rồi kéo đi đâu không rõ. Tôi và anh lái xe thức dậy, không thấy đủ đàn trâu, nhìn nhau rơm rớm nước mắt. Chuyến này nếu không bị nhốt tù thì cũng đền tiền “sặc máu”. Nhưng lão nông Thạch Hà nghe chuyện chỉ cười: “Các bác lo gì. Trâu đàn mà. Tạnh mưa chúng sẽ tìm về thôi!”. Quả vậy, khoảng 7 giờ sáng hôm ấy, năm “chàng sinh viên” của tôi lừng lững kéo về nhập đàn. Tôi mừng như được của, lại đi mua dây thừng và chiếc nón lá buộc chúng vào lại mấy gốc dương liễu.
Lúc đó, chỗ huyện lỵ Thạch Hà hoang vắng lắm, chỉ có một tiệm may, một quán hớt tóc bên cạnh một “cửa hàng quốc doanh” bán xô đựng nước, ít bánh kẹo, mấy cặp săm lốp xe đạp và gần đó là “cửa hàng thực phẩm” chuyên bán nước mắm và cá khô. Tất cả ẩn hiện trong những bờ tre xanh êm ả. Cách đó không xa, về phía thị xã Hà Tĩnh là cây cầu Thạch Thượng. Anh thợ hớt tóc tên Long kể rằng phi công Phạm Phú Quốc của không quân Việt Nam Cộng hòa bị bắn rơi ở đó, sau khi ném bom vào một kho lương thực phía bờ biển…
Hai ngày sau, anh phụ xe và người thợ máy từ Đà Nẵng mới ra tới. Tôi ở lại thị trấn Cày đúng 3 ngày với đàn trâu 10 con còn nguyên vẹn. Trên đường chở đàn trâu về Quảng Nam, trong lúc tôi thì miên man nghĩ đến những hộ nông dân mới ra khỏi cuộc chiến tranh dai dẳng, với học “con trâu là đầu cơ nghiệp” như ông cha mình từng nói. Còn anh lái xe của tôi lại nói một câu vui: “Rứa là anh em mình đã đi giữ trâu… xuyên Việt rồi đó hử? Mấy ai bằng?”.