Học để giúp đời

NGỌC KẾT 14/02/2021 06:32

(Xuân Tân Sửu) - Ngay từ thời khai khẩn, hình thành làng xã, nhất là khi dinh Quảng Nam ra đời, năm 1602 - đời chúa Nguyễn Hoàng (1524 - 1613), việc học hành, tuyển dụng hiền tài đã được chú trọng nơi vùng đất mới Quảng Nam. 

Có thể nói, dù đi sau so với vùng đất học đã định danh trước đó như Nghệ An nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sự học ở Quảng Nam đã đuổi kịp. Điều này được minh chứng rõ nét khi từ năm 1632 - 1740 Quảng Nam có nhiều nhân tài kiệt hiệt như Phạm Hữu Kính, Lê Cảnh, Trần Phước Thành, Trần Văn Hòa, Nguyễn Quang Lộc, Phan Phước Ân..., đủ để học giả Lê Quý Đôn khen ngợi “văn mạch ở đất này dằng dặc không dứt, thật là đáng khen”.

Suốt thời kỳ nhà Nguyễn từ năm Gia Long thứ 6 (1807) đến Khải Định thứ 4 (1919), theo thống kê của sách khảo cứu về khoa bảng như Quốc triều đăng khoa lục, Quốc triều hương khoa lục..., triều đình đã mở 48 khoa thi Hương và 39 khoa thi Hội. Trong đó, sĩ tử Quảng Nam có 254 người đỗ cử nhân - trong số này có 6 thủ khoa - ở 42 kỳ thi Hương và 15 người đỗ tiến sĩ cùng 24 người đỗ phó bảng ở 22 kỳ thi Hội…

Vì sao con người ở những vùng đất như Quảng Nam lại chuộng sự học? Nhiều học giả, nhà nghiên cứu cho rằng, ngày xưa, các bậc sĩ tử chỉ có duy nhất con đường học, đi thi, ra làm quan để trước hết thoát được cảnh khó khăn, nghèo khổ. Nghĩa là học để vươn lên thay đổi cảnh sống. Có thể ban đầu là như thế, nhưng sau này sự học đó còn đưa đến việc người ta trọng chữ, trọng tri thức và trên hết là trọng nhân cách của người có chữ. Vì thế, dù có nghèo khó hay thế nào đi nữa cũng phải kiếm cho được dăm ba chữ “lận lưng”. Đồng thời với việc học chữ là học làm người thông qua những tấm gương đi trước. Đây chính là nét khác biệt trong sự học của người Quảng Nam.

Kế sách trăm năm không có chi bằng việc trồng người. Đây là đúc kết mang tính khoa học và thể hiện được tầm nhìn xa của các bậc tiền bối trên mảnh đất Quảng Nam từ thuở mở đất. Và việc trồng người ở xứ Quảng còn mang dấu ấn đặc biệt của sự thực học - thực hành. Chuyện này đã được các chí sĩ Duy tân thực hiện triệt để. Chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của các nhà lãnh đạo Duy tân mà tiêu biểu là cụ Phan Châu Trinh cách đây hàng thế kỷ có thể xem như một chiến lược giáo dục canh tân cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao các cụ lại đề ra chủ trương này? Có lẽ các cụ sớm nhận ra rằng: Việt Nam lúc bấy giờ thua Pháp, bị Pháp đô hộ chính là thua về trình độ văn minh. Vì thế các cụ nhấn mạnh việc khai mở dân trí, nâng cao trình độ văn hóa cho mọi người. Nhưng cũng cần thấy rằng, việc khai mở ấy gắn liền với phương châm thực học - thực hành. Đây là điểm mới so với sự học trước đó. Vào thời điểm ấy, các bậc chí sĩ xứ Quảng đã bắt đầu quan tâm đến cách học: Học để làm, để đóng góp cho xã hội, cho đất nước chứ không phải học để có học vị, danh vị... Bởi, nếu cứ học để ứng thí, học vì danh lợi cá nhân thì nói như nhà văn Nguyên Ngọc trong một lần trò chuyện về sự học ở xứ Quảng: “Cái học ấy phỏng không ích lợi gì”.

NGỌC KẾT