Sài Gòn đẹp lắm...

PHẠM PHÚ PHONG 13/02/2021 06:17

(Xuân Tân Sửu) - Những âm vực thênh thang, rộn ràng và tươi trẻ trong điệu Chachacha của Y Vân trong nhạc phẩm Sài Gòn đẹp lắm như đánh thức cả mùa xuân về. Ngay từ những năm đầu thế kỷ trước, Sài Gòn đã có sức quyến rũ người từ mọi miền đất nước, trong đó có cả những người con xứ Quảng.

Hình bóng quê nhà luôn đậm đặc trong sáng tác của văn nghệ sĩ gốc Quảng ở Sài Gòn.(ảnh minh họa). ảnh: HỮU KHIÊM
Hình bóng quê nhà luôn đậm đặc trong sáng tác của văn nghệ sĩ gốc Quảng ở Sài Gòn.(ảnh minh họa). Ảnh: HỮU KHIÊM

Văn nhân xứ Quảng thuộc nhiều thế hệ đến cắm cây bút thâm canh trên cánh đồng văn chương, nhưng không bao giờ quên nỗi nhớ cố hương. Trong đó có những tác giả thời danh đã đi xa như Bùi Thế Mỹ, Bút Trà, Bùi Giáng, nhạc sĩ, nhà văn Vũ Đức Sao Biển, hoặc các tác giả đang sống và viết hiện nay, xếp theo các loại thể chủ yếu, như lý luận phê bình có các cây bút gạo cội Nguyễn Văn Hạnh, Mai Quốc Liên, Vu Gia, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Bùi Thanh Truyền, Đào Ngọc Chương...; văn xuôi có Vũ Hạnh, Kim Hải, Thùy An, Nguyễn Nhật Ánh, Trương Anh Quốc, Phan An... Đông đảo hơn là đội ngũ những người làm thơ như Tường Linh, Bích Bửu, Ý Nhi, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Tam Phù Sa, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Lương Hiệu, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Bùi Nguyễn Trường Kiên... Nhiều người trong số họ, từng giữ các trọng trách trong đời sống văn nghệ của đất nước: Vũ Hạnh hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, chủ trương tờ Tin văn, tờ báo xuất bản công khai của Đặc khu ủy Sài Gòn, sau này từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Nguyễn Văn Hạnh từng là Phó trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương vào thời điểm “nóng” bắt đầu công cuộc đổi mới; Mai Quốc Liên cũng từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và nay là Giám đốc Trung tâm Quốc học Hội Nhà văn Việt Nam; Phạm Sỹ Sáu là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh khóa VII (2015-2020)...

Quan trọng hơn, là những mùa bội thu trên cánh đồng chữ nghĩa. Mỗi người đều là tác giả của hàng chục, cho đến hàng trăm đầu sách. Ngay cả những người mới bắt đầu cầm bút vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, cũng đã có một gia sản đáng nể phục: Lê Minh Quốc từng cầm súng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, ngoài công việc của một nhà báo, là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ, rồi Thư ký tòa soạn báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, còn là tác giả của gần 50 đầu sách, gồm cả thơ, văn xuôi và các thể loại khác; Nguyễn Nhật Ánh từng là thanh niên xung phong tái thiết đất nước sau chiến tranh, ngoài công việc của một nhà báo, như phụ trách nhiều chuyên mục của các tờ Sài Gòn giải phóng, Thanh niên, còn là tác giả của gần 200 đầu sách gồm nhiều thể loại như thơ, truyện, truyện ngắn, truyện dài, tư vấn tình yêu và bình luận thể thao, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng - một kỷ lục không thua kém gì so với Lê Văn Trương hoặc Nguyễn Hiến Lê trước đây...

“Văn chương, là cái đẹp”, là con người, là cuộc đời. Văn chương là của chung mọi người, không phân biệt biên cương ranh giới. Nhưng văn chương còn có nết đất. Chính “đất sinh ra người tài giỏi”. Cũng chính cái đất “chưa mưa đà thấm” và cái chất tinh túy của thứ men rượu “chưa nhấm đà say” ấy, mà người Quảng Nam đi đâu cũng mang theo hơi ấm quê nhà. Thế giới nghệ thuật thơ của Bùi Giáng không tách rời hình tượng không gian “cố quận”; còn Tường Linh luôn Nhớ hai miền Huế - Quảng, được coi là “con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng” (Huỳnh Như Phương); hoặc đối với nhà thơ đã chọn cho mình bút danh là “đêm mưa thương nhớ quê nhà” (Tần Hoài Dạ Vũ) thì suốt cả một đời thao thức với Quê thiêng, Quê chung, Giấc mộng quê nhà, Mây trắng quê nhà: “Ta đi biệt dấu quê nhà/ Thấy trăng ngồi dưới gốc đa đợi người (...) Bóng trăng chìm bóng đò đời/ Quê nhà xa mãi chuông hồi tịch nhiên (Đêm, nhớ tiếng chuông chùa làng)... Trong hàng trăm đầu sách của hai “trung niên” văn thi sĩ trên kia, cũng có những cuốn sách viết dành riêng cho cỏ hoa, sương khói và cốt tính quê nhà: Nguyễn Nhật Ánh với hai tập tạp văn Người Quảng đi ăn mỳ Quảng (2005), Sương khói quê nhà (2012); Lê Minh Quốc với tập thơ Tên em, Đà Nẵng (1999) và hai tập biên khảo Hỏi đáp non nước xứ Quảng (2002), Người Quảng Nam (2007)...

Nhưng điều cần phải minh định là không phải họ viết về cái gì, mà là họ viết như thế nào, diễn ngôn bằng tâm cảm và ngôn từ ra sao để tiếp cận được tâm hồn mọi người thuộc nhiều thế hệ. Dù họ viết về quê xưa cố quận, hay viết về nơi đâu, miền đất nào, hay viết về chính mảnh đất Sài Gòn tươi đẹp, đều bằng cái nhìn/ tâm thức của con người hành động - con người xứ Quảng: đó là sự đậm đặc vỉa tầng văn hóa nhân văn của vùng đất “phên dậu” trên con đường tổ tiên mở cõi về phương Nam, nồng nàn nhiệt thành say ngấm ngùn ngụt cháy của một thứ men rượu có ý nghĩa tinh thần được gọi là “hồng đào” và khát vọng đổi mới với trách nhiệm và lý tưởng công dân đối với đất nước. Truyện ngắn của Vũ Hạnh, Trương Anh Quốc, thơ của Ý Nhi, Nguyễn Đông Nhật, Phạm Sỹ Sáu, Phùng Hiệu, thơ và “tổng tập” văn học dân gian xứ Quảng của Tần Hoài Dạ Vũ, hoặc các công trình biên khảo về Tự lực văn đoàn của Vu Gia, các công trình nghiên cứu lý luận phê bình như những mũi đột phá vào thời kỳ đổi mới của Nguyễn Văn Hạnh,... đều là những tác phẩm như thế, cần được ghi nhận và khẳng định.

Với những người mang cốt tính luôn nhạy bén với cái mới, cái đẹp, lại luôn mang hồn quê xứ say nồng như văn nhân xứ Quảng, ước mong và kỳ vọng sẽ có được những tín hiệu mới rộn ràng nhân dịp xuân sang. Có thể có được chăng, hành động nảy sinh trong ý nghĩ, bởi khi tôi viết đến đây, những vòm cong âm thanh cao vút của Y Vân như nhảy múa sâu thẳm trong tâm tưởng xưa cũ, bỗng hiện ra thành âm thanh, thành dáng điệu đẹp đến mê hồn: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi...”

PHẠM PHÚ PHONG