"Con dấu" đầu tiên của Quảng Nam

LÊ THÍ 13/02/2021 06:15

(Xuân Tân Sửu) - Ngày nay, một văn bản có đầy đủ pháp lý phải có chữ ký và con dấu của người có thẩm quyền. Cách đây 550 năm, các văn bản pháp định của vùng đất từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông đều được “ấn chỉ” bằng một chiếc ấn đặc biệt, được xem là “con dấu” đầu tiên của Quảng Nam.

Quảng Nam Đẳng Xứ - Tán Trị Thừa Tuyên - Sứ Ty Chi Ấn.
Quảng Nam Đẳng Xứ - Tán Trị Thừa Tuyên - Sứ Ty Chi Ấn.

Chiếc ấn 550 năm

Danh xưng Quảng Nam ra đời đầu tiên vào năm 1471 với ý nghĩa “phương Nam rộng lớn” hoặc “mở rộng về phương Nam”. Sách cũ viết: “Hồng Đức năm thứ hai (1471) tháng 6, ngày 10 vua Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm lại đặt làm đạo thừa tuyên Quảng Nam, cộng trong nước làm 13 đạo thừa tuyên. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đấy. Đạo thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang; phủ Tư Nghĩa có 3 huyện là Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân có 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn” (Phan Khoang, Lịch sử Xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, 1967, trang 112, 113). Đó là toàn bộ thông tin buổi đầu về danh xưng Quảng Nam đã được tác giả lấy lại từ Sử ký Toàn thư, ngoài ra không thấy văn bản gốc là những chiếu, chỉ, sắc phong có liên quan của triều đình nhà Lê.

Rất may gần đây người ta đã tìm thấy một “chứng cứ” vô cùng thuyết phục cho những dòng sử liệu vừa nêu trên. Đó là việc tìm ra chiếc ấn (con dấu) của thời “khai sinh ra Quảng Nam” do Ty Thượng Bảo đúc vào năm Hồng Đức thứ 2 (1471). Chiếc ấn được đúc bằng đồng có hình vuông mỗi cạnh dài chừng 10cm, cán cao chừng 15cm. Trên ấn có 3 dòng chữ còn đọc được, hai dòng bên phải ghi: “Quảng Nam Đẳng Xứ - Tán Trị Thừa Tuyên - Sứ Ty Chi Ấn” (tán trị: cùng cai trị/ đẳng xứ: các xứ/thừa tuyên: chỉ thừa tuyên Quảng Nam/Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn: Ấn của Quảng Nam đẳng xứ tán trị thừa tuyên). Dòng 2 bên phải ghi: “Thượng Bảo ty tạo” (do Ty Thượng Bảo chế tạo). Dòng 3 bên trái: “Hồng Đức nhị niên nguyệt nhật” (được làm vào ngày... tháng... năm Hồng Đức thứ hai).

Chiếc ấn được tìm thấy ở thành Châu Sa - một ngôi thành cổ của người Chăm nay thuộc xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi vào năm 1988 và hiện được trưng bày tại gian nhà Lê của Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh. Vào năm 2011, bảo tàng đã đề nghị công nhận chiếc ấn là Bảo vật quốc gia (nhưng chưa được chấp thuận). Đây được xem là “con dấu” đầu tiên, thể hiện uy quyền của chính quyền Đại Việt trên vùng đất từ Hải Vân cho đến đèo Cù Mông.

Người giữ “con dấu” 

Địa giới, bộ máy tổ chức của vùng Quảng Nam buổi khai sinh tương đối rõ ràng. Chứng cứ về pháp lý cho vùng đất này cũng tương đối đầy đủ thông qua chiếc ấn quan trọng. Tuy nhiên có hai điều mà các nhà nghiên cứu sử ngày nay còn đang băn khoăn là người giữ chiếc ấn là ai và lỵ sở của thừa tuyên Quảng Nam lúc ấy đặt ở đâu.

Lâu nay nhiều người vẫn đinh ninh lỵ sở của thừa tuyên Quảng Nam đặt tại thành Đồ Bàn. Điều này xem ra rất hợp lý vì đây là kinh đô cũ của người Chiêm. Nhưng việc tìm thấy chiếc ấn tại thành Châu Sa (nằm phía bắc của TP.Quảng Ngãi ngày nay) làm một số người đặt lại vấn đề. Tuy nhiên đến nay, mọi kết luận chỉ là giả định.

Về người giữ ấn, sách Đại Việt sử ký cho rằng Nguyễn Đức Trung (1404 - 1477) là Đô ty đầu tiên của Quảng Nam, giữ “con dấu” từ tháng 6.1471 cho đến cuối năm 1472. Ai thay thế ông để “giữ ấn” thì không thấy tài liệu nào đề cập. Nguyễn Q.Thắng cũng cho rằng Nguyễn Đức Trung là Đô ty đầu tiên của thừa tuyên Quảng Nam và sau này ông trở thành tiền hiền của làng Ngọc Thọ (Tam Kỳ). Một vị trấn thủ “lẫy lừng” như Nguyễn Đức Trung lẽ nào chỉ là tiền hiền của một ngôi làng nhỏ(?).

Gia phả tộc Phạm ở làng Đồng Tràm (xã Hương An, Quế Sơn) và làng Hương Quế (xã Quế Phú, Quế Sơn) lại cho rằng Phạm Nhữ Tăng (1421 - 1477), một vị tướng trong đoàn quân Nam chinh của Lê Thánh Tông, sau này là đồng tiền hiền của làng Hương Quế, mới chính là vị Đô ty đầu tiên của thừa tuyên Quảng Nam. Tác giả Lâm Hoài Nam trích lại gia phả của tộc Phạm trong quyển “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt Nam” (di cảo) như sau: “Thừa phụng chỉ, Ngài (Phạm Nhữ Tăng - NV) được lưu trấn dựng nền hành chánh ở vùng đất từ Hải Vân trở vào”.

Gần đây tác giả Thạch Phương cũng dựa vào tài liệu này mà cho rằng Phạm Nhữ Tăng là Đô ty đầu tiên của Quảng Nam. Các tác giả của sách Quế Sơn Đất & Người (NXB Hội Nhà văn, năm 2015) cho rằng từ tháng 6.1471 đến cuối năm 1472 Nguyễn Đức Trung làm Đô ty. Khi Nguyễn Đức  Trung về Thanh Hóa, Phạm Nhữ Tăng lên thay cho đến khi qua đời vào ngày 21.2.1477. Sau thời điểm này không có tài liệu nào cho biết ai là người giữ “chiếc ấn” đặc biệt này.

LÊ THÍ