Tết, trên mâm cúng của người Cơ Tu

ĐĂNG NGUYÊN 12/02/2021 21:11

(QNO) - Bày biện trên mâm cúng ngày tết của đồng bào Cơ Tu, ngoài gà trống (hoặc đầu heo), cùng rượu và nắm gạo, còn có một số món ăn truyền thống mang phong vị đặc trưng của đồng bào miền núi, dâng lên thần linh.

Các già làng Cơ Tu thực hiện nghi thức cúng thần linh trong hội làng mừng năm mới. Ảnh: Đ.N
Các già làng Cơ Tu thực hiện nghi thức cúng thần linh trong hội làng mừng năm mới. Ảnh: Đ.N

Ngày tết, tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang thường có những cách bày biện lễ vật trên mâm cúng sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống.

Ông Alăng Đàn, ở thôn Bh'lô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) cho hay, ngoài cúng tất niên để tiễn đưa năm cũ, đồng bào Cơ Tu còn tổ chức cúng giao thừa và đầu năm mới. Phong tục này được duy trì suốt hàng chục năm nay, kể từ khi người Cơ Tu bắt đầu ăn Tết Nguyên đán, trở thành nét đẹp văn hóa trong lễ nghi cúng bái của đồng bào địa phương.

Để cúng, người Cơ Tu dùng chiếc za'nơơr để nhúng vào rượu hoặc máu tươi của con vật hiến tế. Ảnh: Đ.N
Ngoài cúng tất niên để tiễn đưa năm cũ, đồng bào Cơ Tu còn tổ chức cúng giao thừa và đầu năm mới. Ảnh: Đ.N

Trước đây, người Cơ Tu thường tổ chức lễ cúng năm mới vào sáng mùng Một tết theo từng hộ gia đình, trước khi diễn ra chương trình "tất niên chung" của làng. Nhưng vài năm trở lại đây, lễ cúng được tổ chức ngay sau thời khắc giao thừa, với quy mô nhỏ gọn nhằm tiết kiệm kinh phí, cũng như cắt giảm một số lễ nghi không cần thiết.

Dù vậy, trong lễ cúng ngày tết hay bất kỳ dịp nào đó của người Cơ Tu, trên mâm cúng, bao giờ cũng có ít nhất một con gà trống. Trên đầu gà thường được cắm một cây tre vót hình bông lúa, người Cơ Tu gọi là za'nơơr. "Những chiếc za'nơơr này làm cầu nối đến thần linh, mời thần về dự, chứng giám tấm lòng thành của con dân" - ông Đàn nói.

Cận cảnh lễ vật được bày biện trên mâm cúng tết của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Đ.N
Người Cơ Tu thường cắm trên đầu gà thanh tre vót hình bông lúa - za'nơơr làm cầu nối đến thần linh. Ảnh: Đ.N

Trước khi diễn ra lễ cúng, chủ hộ thường chuẩn bị sẵn những chiếc za'nơơr theo dạng rời dùng làm vật chấm vào chén rượu và máu tươi của con vật hiến tế để cúng. Bài cúng đảm bảo theo trình tự từ trong ra ngoài, tức là cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới tới cô bác, thổ thần...

Kết thúc bài cúng, người Cơ Tu dùng za'nơơr ném lên bàn thờ hoặc chùm za'nơơr cỡ lớn được bài trí ở không gian chính giữa khu vực cúng, hàm ý xin sự đồng ý từ thần linh. "Khi nào za'nơơr được ném trúng vị trí tượng trưng nơi thần linh trú ngụ, lễ cúng mới hoàn thành, mọi điều cầu mong đã được thần linh chấp thuận. Nghi thức dâng rượu tạ ơn được thực hiện ngay sau đó" - ông Đàn cho biết thêm. 

Chủ nhà thực hiện nghi thức dùng za'nơơr để “thăm dò” ý kiến của thần linh và cầu mong năm mới bình an trong lễ cúng ngày tết. Ảnh: Đ.N
Chủ nhà thực hiện nghi thức dùng za'nơơr để “thăm dò” ý kiến của thần linh và cầu mong năm mới bình an trong lễ cúng ngày tết. Ảnh: Đ.N

Khi mọi việc hoàn tất, các thành viên tham gia cúng và con cháu trong gia đình cùng nhau "hưởng lộc". Con gà và các món ăn truyền thống trên mâm cúng lần lượt được đưa xuống để chia phần, mừng tết bình an.

ĐĂNG NGUYÊN