Dấu ấn làng Đồng Tràm
(Xuân Tân Sửu) - Đã gọi thành tên quen thuộc là Đồng Tràm (xã Hương An, huyện Quế Sơn), từ lâu, nhưng cũng có người gọi là Đồng Làm, nơi người ta chuyên tâm làm lúa và khoai. Lúa dưới đồng đất cát pha và khoai trên nổng cát.
Đồng Tràm là một trong những làng đầu tiên trong cuộc mở đất về phương Nam mấy trăm năm trước. Nằm bên tả ngạn sông Ly Ly, phía còn lại kéo dài, qua một con khe nhỏ là tiếp nối với nhiều cồn cát khác thuộc Bình Giang, Bình Dương, ra đến tận biển. Nơi đây ngày trước chắc chắn là biển rồi. Cát bồi mãi về phía trong kiểu “thương hải biến vi tang điền” mà nên làng nên xóm. Bởi, chỉ lui vào phía nam vài trăm mét sẽ gặp bàu Sằm Đáng (còn gọi là bàu Hương/ Xuân Yên), bên dưới còn dấu tích bao nhiêu củi mục, của một cánh rừng ven biển bị chôn vùi trong lòng đất từ hàng nghìn năm trước. Củi mục nhiều đến độ đã hóa thành than, một thứ than bùn hiếm hoi của vùng đất ven biển, nhiều đến độ có lúc đã cung ứng cho một nhà máy chế biến than từ mỏ than bùn này.
Những đám ruộng nho nhỏ nằm gọn giữa một bên là sông bên kia là cồn cát. Nước nhỉ từ đồi cát rỉ rả chảy ra quanh năm. Nước không thiếu nhưng lúa không tốt do đất quá cằn cỗi nên lúa thu hoạch được không nhiều, đất đai lại ít bởi vậy dân Đồng Tràm phần lớn nghèo. Một con đường nhỏ chạy từ quốc lộ 1 xuống, qua làng Hương Yên là đến. Những tên xóm mộc mạc: xóm Dài, xóm Giữa, xóm Cây Thị, xóm Dốc Gọn… Ven hương lộ, hai bên trồng tre, cũng chỉ leo pheo trên nền cát bỏng. Tre trồng dọc theo bờ sông có nhỉnh hơn nhưng không lớn bao nhiêu so với các làng xóm trù phú khác nằm bên kia sông Ly Ly.
Hồi trước, nằm phía đông của làng là một cồn cát lớn, gọi là Rừng nhãn. Nhãn dại, kiểu nhãn rừng mọc lúp xúp rải rác khắp nơi. Thứ cây có quả dại, không ăn được nhưng cũng làm nên chút màu xanh cho vùng cát trắng nắng cháy này. Cả khu rừng dành làm nghĩa địa cho dân nhiều làng trong xã. Theo “Ô Châu cận lục”, năm Tân Dậu (1561) thời Mạc Phúc Nguyên (tức thời Lê Anh Tông), vùng này đã xuất hiện tên hai xã: Mông Lãnh và Trà Đình. Làng Đồng Tràm ắt hẳn thuộc xã Trà Đình.
Nơi đây có mộ của ngài Phạm Nhữ Dực, thuộc dòng dõi danh tướng Phạm Ngũ Lão, người đầu tiên gắn bó với vùng đất Thăng Hoa. Đây là dấu ấn đặc biệt của làng Đồng Tràm trong lịch sử phát triển của Quảng Nam qua mấy trăm năm. Phạm Nhữ Dực nhiều lần được vua cử cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Đó là vào năm 1368, Phạm Nhữ Dực kéo quân đến lộ Thăng Hoa thì bị Chế Bồng Nga đánh úp, phải kéo quân về. Năm 1380 đánh thắng quân Chiêm ở sông Ngư Giang. Đó là các năm 1382 và 1391, chặn đánh các cánh quân Chiêm ở Thanh Hóa và Trà Bàn.
Sau khi chiếm được đất Chiêm Động và Cổ Lũy, nhà Hồ cử Phạm Nhữ Dực làm Chánh Đô án vũ sứ châu Thăng Hoa, lo việc di dân người Việt và vỗ an người Chiêm để khai khẩn vùng đất mới. Năm Kỷ Sửu (1409), ông qua đời và được an táng tại Đồng Tràm. Cháu nội của Phạm Nhữ Dực là Phạm Nhữ Dự cũng được nhà vua cử quản lãnh phủ Thăng Hoa. Ông mất năm 1434 và được an táng tại xứ Sa Lăng hồi ấy thuộc làng Đồng Tràm, tổng An Thạch, phủ Thăng Hoa (nay thuộc xã Hương An, huyện Quế Sơn).
Cùng với “thượng tướng bình Chiêm” Phạm Nhữ Tăng, giành được nhiều công trạng trong việc mở cõi, sau khi mất ông được dời về an táng tại làng Hương Quế gần đó và trở thành một trong ba tiền hiền của làng. Ông cũng là người chiêu mộ dân khai phá phủ Thăng Hoa, lập xã Hương Ly và bắt đầu khai địa tịch cho Ngũ Hương gồm Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên và Hương Lư. Đồng Tràm là làng cũ thuộc đất Hương Yên.
Đồng Tràm còn được biết đến với cây sợp ở vườn Đình và cây thị cổ thụ ở giữa xóm, nơi từng tồn tại đồn Cây thị của lính chính quyền Sài Gòn trong suốt thời kỳ chiến tranh. Thời hợp tác hóa, vườn Đình bị xóa tên để cải tạo thành đồng ruộng, cây sợp cũng biến mất, chỉ còn một cụm đất nhỏ um tùm cây dại. Chỉ còn cây thị già vẫn quanh năm xanh mát. Có nhiều câu chuyện bí ẩn xung quanh cây thị, trong đó kỳ lạ nhất là trải qua bao nhiêu bom đạn tơi bời nó cứ vẫn tồn tại, hiên ngang cùng với thời gian, như một chứng tích lừng lẫy của một vùng đất. Có lẽ, cùng với mộ ngài Phạm Nhữ Dực, cây thị già sẽ mãi tồn tại với thời gian. Để lưu dấu một vùng đất đặc biệt, Đồng Tràm, của công cuộc mở mang đất về phương Nam của cha ông thời trước.
Chỉ thấy mênh mông cồn cát, rất ít ruộng đồng, không có cây tràm nào, vẫn cứ gọi là Đồng Tràm, từ xưa xửa xừa xưa.