Thương thuyền, cảng thị vàng son một thuở
(Xuân Tân Sửu) - Từ những dấu chân đầu tiên của thế hệ tiền nhân đặt nền móng cho danh xưng Quảng Nam, khát vọng quảng giao thập phương đã sớm hun đúc. Mở rộng kết nối, hấp thụ tinh hoa nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của quê xứ là bài học vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự dù thời gian đã trôi đi nhiều thế kỷ.
Hội An, đặt trong bối cảnh từ cuối thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18 mang dáng dấp của một trung tâm mậu dịch hàng đầu khu vực. Trong “Hải ngoại ký sự” của Thiền sư Thích Đại Sán đã miêu tả Hội An những năm cuối thế kỷ 17: “Hội An là một mã đầu (bến tàu) lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước… Thuốc Bắc hay các món hàng khác tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây”. Nhiều thứ kinh đô Thuận Hóa không có, nhưng Hội An lại có để đáp ứng giao dịch, đủ thấy tầm vóc của cảng thị này.
Tư liệu lịch sử cho biết, năm 1637, người Hà Lan xin thiết lập thương điếm tại Hội An và cơ sở này tồn tại hơn 120 năm. Thương điếm thời điểm đó chỉ được đặt ở một vài đô thị phát triển như Kẻ Chợ (tức Thăng Long), Phố Hiến ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong nên không quá nếu ví von phụ trách những thương điếm này như các tham tán, tùy viên thương mại và tài chính trong cơ quan ngoại giao ngày nay. Thêm nữa, các thuyền buôn Hà Lan đã mất tới chừng 30 năm lân la giao dịch, thăm dò tiềm năng giao thương trước khi đưa ra quyết định lập thương điếm ở vùng đất trù phú này.
Với sự phát triển thịnh vượng của Hội An thời điểm đó cùng với việc kích hoạt hệ thống hải thương châu Á, Cù Lao Chàm cũng khởi động chu kỳ hưng thịnh sau thời gian dài bị trầm lắng do biến động lịch sử. Lúc đó, với các thương thuyền ngoại quốc, nước ngọt quan trọng không kém gì các loại nhiên liệu thời nay. Cù Lao Chàm trở thành trạm dừng chân để sửa chữa nhỏ, tiếp nước ngọt, thực phẩm thiết yếu khả dĩ nhất lúc di chuyển qua vùng Biển Đông để hạn chế việc phải cập vào các thương cảng lớn khi không cần thiết bởi các khu vực này thường chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền sở tại. Ở một mức độ nào đó, hình ảnh trên khiến ta có thể liên tưởng tới đảo quốc Singapore ngày nay, một trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu khu vực vốn đi lên dựa vào vị thế đắc địa trên tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của PGS-TS Hoàng Anh Tuấn – Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), khoảng nửa cuối thế kỷ 16, nhiều thương nhân người Hoa rất muốn kết nối với phía Nhật Bản để giao dịch tơ lụa. Nhưng do chính sách cấm giao thương trực tiếp giữa hai nước nên họ đã tìm đến một “thương cảng trung gian” là Hội An, và vùng biển Cù Lao Chàm đã thêm phần tấp nập bởi là bình phong án ngữ của cảng thị này.
Theo tư liệu trong tập sách “Lịch sử Đà Nẵng 1306 – 1975” của nhà nghiên cứu Võ Văn Dật, khoảng giữa thế kỷ 18, Đặc phái viên Dumont của Toàn quyền Ấn Độ (phần thuộc Pháp) lúc đó đã từng đề xuất mở thương điếm tại Cù Lao Chàm với hy vọng biến khu vực này trở thành trung tâm thương mại quốc tế quan trọng ở Đàng Trong, nhưng sau đó vì nhiều lý do đã không thành hiện thực. Ngày nay Cù Lao Chàm trở thành một đảo gần bờ, nhưng vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng về mọi mặt đối với đô thị cổ Hội An cũng như khu vực. Với hàng trăm nghìn hiện vật khảo cổ từng được phát hiện tại vùng biển Cù Lao Chàm, có thể thấy hệ sinh thái khu vực này đang chứa dụng một “kho báu” di sản văn hóa dưới nước và văn hóa hàng hải với nhiều giá trị tiềm ẩn.
Giáo sĩ Christoporo Borri – người có nhiều năm lăn lộn với xứ Đàng Trong nói chung và Hội An nói riêng thời kỳ đó mô tả: “Người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong 4 tháng… Do chợ này, quốc vương thu được một số tiền thuế lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích”. Có thể thấy, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu luôn đem lại lợi ích dù là ở không gian nào, thời đại nào và nó còn có sức lan tỏa vùng, thúc đẩy thương mại khu vực khác phát triển.
Ở mức độ sơ khai, dù nhận rõ nhiều lợi ích khi giao thiệp với thương thuyền quốc tế nhưng chính quyền địa phương thời điểm đó vẫn cẩn trọng khi kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất/nhập hàng hóa, thậm chí cấm khi chưa có sự chấp thuận của quan lại địa phương. Với tương quan kết nối, khu vực cảng Đà Nẵng thời điểm đó như một “trạm chờ” của các thuyền buôn quốc tế để làm thủ tục “nhập cảnh” trước khi xuôi dòng Cổ Cò vào phố Hội giao dịch.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi chép: “Những người buôn bán ở nước khác mà bị sóng gió trôi dạt đến hải phận nước ta… Nếu muốn vào hải phận nước ta để mua bán thì quan Cai bạ cùng quân lính thuộc quyền các Tàu ty phải đến nơi khám nghiệm hàng của họ còn nhiều ít thế nào rồi chuyển trình lên cấp trên. Nếu thuyền họ còn nhiều hàng hóa thì được miễn thuế một phần ba… Nếu không còn hàng hóa thì được miễn các thứ thuế… Nếu họ muốn chở hàng hóa của các khách buôn, họ phải làm đơn trình nói rõ… Để định lệ đánh thuế, rồi mới cho chở mướn”.
Cũng vì Hội An xuất hiện hoạt động ngoại thương nhộn nhịp như vậy mà các chúa Nguyễn đã cho đặt Ty Tàu vụ - một cơ quan chuyên trách về ngoại thương để tiện bề kiểm soát. Sự năng động trong việc sử dụng nhân sự ở Ty Tàu vụ ở chỗ sẵn sàng sử dụng nhân sự nước ngoài có năng lực ở cả cấp điều hành lẫn thừa hành để rà soát hàng hóa, quản lý, ấn định giá cả và trợ giúp phiên dịch. Dù còn ở mức sơ khai, nhưng chính quyền chúa Nguyễn cũng có sự khéo léo khi phân bổ khoảng 40% số thuế thu được lại cho Ty Tàu vụ để tiếp tục điều hành, thúc đẩy phát triển hoạt động ngoại thương. Nếu áp vào bối cảnh hiện tại, thì có thể hiểu rằng ở thời điểm đó dinh Quảng Nam đã phần nào điều tiết ngân sách về chính quyền trung ương. Điều mà từ năm 2017 đến nay, Quảng Nam đã làm được cũng chính từ việc không ngừng hội nhập, thúc đẩy liên kết vùng và linh hoạt khai phóng dư địa phát triển ở tất cả lĩnh vực.