Khởi nghiệp thời Covid

QUỐC HƯNG 08/02/2021 06:02

(Xuân Tân Sửu) - Trong khi tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19, nhiều nơi trên thế giới dần thiết lập trạng thái bình thường mới. Không ít khởi nghiệp (startup) công nghệ bật dậy để góp phần thay đổi cuộc sống đó.

Dịch vụ y tế từ xa, một trong những xu thế thịnh hành trong cuộc sống bình thường mới. Ảnh: ttp.com
Dịch vụ y tế từ xa, một trong những xu thế thịnh hành trong cuộc sống bình thường mới. Ảnh: ttp.com

Nhiều ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế từ xa trở nên phổ biến và được xem là một giải pháp sáng tạo góp phần định hình lại hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là khi đối phó với khủng hoảng. Bằng việc kết nối video, cuộc gọi, trò chuyện… giúp bác sĩ và bệnh nhân tương tác trực tuyến, không cần gặp trực tiếp tại phòng khám, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh rủi ro cho các bên liên quan mà vẫn có thể nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe.

Với số người truy cập liên tục tăng, Amwell, MDlive, Doctor on Demand, LiveHealth Online... bỏ túi hàng triệu USD năm 2020 và y tế từ xa vẫn được xem là xu hướng thịnh hành. CEO và nhà sáng lập Jaren Siew của Doctor Raksa - ứng dụng kết nối bệnh nhân với bác sĩ và các nhà thuốc ở Thái Lan cho biết, Doctor Raksa đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 300% trong quý 3.2020. Vốn đầu tư tiếp tục đổ vào cho các ứng dụng y tế từ xa.

Như khởi nghiệp Doctor on Demand có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) được rót 75 triệu USD đầu tư khi số lượng người dùng mới vào hệ thống tăng chóng mặt, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Giám đốc điều hành Doctor On Demand, Hill Ferguson lên kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn. Quy mô thị trường y tế từ xa dự kiến đạt khoảng 180 - 200 tỷ USD năm 2026 so với con số 34,3 tỷ USD của năm 2018.

Các khởi nghiệp công nghệ giáo dục ngày càng có thêm nhiều “đất sống”, dự kiến giá trị thị trường này đạt đến 325 tỷ USD vào năm 2025. Chỉ riêng khởi nghiệp lĩnh vực này tại Ấn Độ nhận được 2,2 tỷ USD đầu tư cho năm ngoái so với hơn 550 triệu USD của một năm trước đó. Hàng trăm công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục đóng góp hơn 100 tỷ USD, tạo nên cuộc cách mạng giáo dục tại Ấn Độ với dân số hơn 1,3 tỷ người.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao, đóng cửa hay chật vật phục hồi do khủng hoảng dịch bệnh, công ty khởi nghiệp Byju’s của cựu giáo viên toán Byju Raveendran (40 tuổi) ở Ấn Độ vừa trở thành “siêu kỳ lân” (định giá từ 10 tỷ USD). Byju’s cung cấp các chương trình học trực tuyến cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12, chương trình ôn thi vào các trường kỹ thuật, y tế đến luyện thi công chức. Doanh thu tài khóa 2020 của công ty tăng hơn 370 triệu USD so với con số 207 triệu USD của năm trước đó.

Khủng hoảng y tế toàn cầu tác động đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng sự xuất hiện trong thời gian kỷ lục của các loại vắc xin phòng ngừa Covid-19 mang lại hy vọng và niềm tin cho thế giới khống chế thành công đại dịch. Nhưng, thách thức vẫn còn phía trước. Nhiều nhà khởi nghiệp nhanh chóng tận dụng xu hướng ứng phó, không lùi bước trước cuộc khủng hoảng để trở thành “những người chiến thắng”, lan tỏa cảm hứng cho nhiều khởi nghiệp khác.

Có thể nói, chỉ sau một đêm các nước thực hiện giãn cách, Zoom trở thành một ứng dụng hội họp trực tuyến, kể cả dành cho các đám cưới, lớp học trực tuyến... như quen thuộc và phổ biến với nhiều người. Dù vẫn phải đối mặt với sức nóng về tính bảo mật của nền tảng, doanh thu của Zoom chỉ từ tháng 5 đến tháng 7.2020 bùng nổ 355% lên 663,5 triệu USD, trong khi lợi nhuận ròng gần 186 triệu USD. Đến Amazon công bố lợi nhuận hàng quý lớn nhất từ trước đến nay khi lượt người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến tăng không ngừng, giúp người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jeff Bezos nhanh chóng sở hữu 200 tỷ USD...

QUỐC HƯNG