Phế thải của nấm rơm “bí đầu ra”
Xã Bình Trị (Thăng Bình) có hơn 200 hộ dân ăn nên làm ra từ công việc làm nấm rơm, nhưng phế thải từ nấm rơm đang “bí đầu ra”, gây mất mỹ quang môi trường.
Mỗi tháng 2 đợt, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (tổ 17, thôn Châu Lâm, Bình Trị) tiêu thụ hơn 1 tấn rơm để làm nấm bán ra thị trường. Sau khi thu hoạch nấm, phế phẩm từ rơm được bà Hoa vứt sang mảnh đất trống bên cạnh nhà mình.
“Lâu nay phế thải từ nấm rơm được gia đình bỏ qua khu đất trống. Hộ nào trong xóm có nhu cầu bón cho cây trồng thì đến lấy. Tuy vậy, rất ít hộ có nhu cầu bởi phế thải từ nấm rơm phân hủy rất lâu” - bà Hoa cho hay.
Tại xã Bình Trị, hiện có nhiều hộ dân xả phế thải từ nấm rơm ra môi trường. Những hộ sản xuất nấm quy mô lớn, hầu hết phế thải được vứt ra hai bên đường, bờ ruộng, thậm chí đổ xuống kênh mương. Phế thải chất đống lâu ngày, phân hủy chậm gây rỉ nước, bốc mùi hôi thối, nước rỉ ra từ các đống phế thải theo nguồn nước ra ruộng, kênh mương làm ô nhiễm nguồn nước. Khu vui chơi thể thao ở tổ 14 (thôn Việt Sơn, Bình Trị) đã được quy hoạch, nhưng do lượng thế thải từ nấm ra môi trường quá lớn nên buộc lòng chính quyền địa phương phải cho các hộ dân tập kết tại đây.
Ông Nguyễn Văn Chín (cán bộ địa chính - môi trường xã Bình Trị) cho biết, qua khảo sát, toàn xã Bình Trị có hơn 200 hộ trồng nấm rơm. Địa phương đã yêu cầu các hộ cam kết không vứt phế thải làm nấm ra môi trường. Tuy vậy, việc này rất khó bởi lượng phế thải phát sinh rất lớn, người dân khó xử lý tại chỗ.
Theo ông Lê Viết Mãnh - Chủ tịch UBND xã Bình Trị, bình quân mỗi tháng, toàn xã Bình Trị có hơn 100 tấn phế thải từ nấm rơm. Địa phương dự tính hợp đồng với công ty môi trường để thu gom, xử lý, song do lượng phế thải phát sinh lớn nên địa phương lẫn hộ dân đều không có khả năng chi trả.
“Địa phương đã khảo sát, thăm dò một số công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh để tận dụng nguồn phế thải của nấm rơm, tuy nhiên nguồn kinh phí là quá lớn. Chúng tôi đã đề xuất và xin nguồn kinh phí từ Đề án phát triển kinh tế vùng tây của huyện để lồng ghép triển khai thời gian đến. Địa phương mong muốn huyện Thăng Bình sớm bố trí kinh phí để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nấm rơm” - Ông Mãnh nói.