Phấp phỏng du lịch cuối năm
Tết Nguyên đán được xem là cơ hội vàng để phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát một lần nữa đe dọa “đóng băng” hoạt động du lịch Quảng Nam, khiến doanh nghiệp và địa phương phấp phỏng âu lo.
Khách hủy tour
Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An (Hội An Travel) lo lắng khi số khách hủy tour du lịch Hội An ngày càng tăng kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, nhất là khách từ 2 đầu đất nước là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
“Tuy khách khu vực miền Trung chưa thông báo gì nhưng điều đó không có nghĩa đảm bảo chắc chắn tour sẽ được thực hiện suông sẻ. Bây giờ doanh nghiệp chỉ còn cách cầu mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế thôi” - ông Tuấn nói.
Bên cạnh khách đoàn hủy tour, nhiều nhóm khách lẻ đi tự do đăng ký mua phòng cũng trong trạng thái nghe ngóng tình hình. Theo ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng), dù đến nay chưa có khách nào thông báo hủy phòng nhưng khó thể chắc chắn điều gì.
“Phần lớn khách đăng ký mua phòng của công ty thuộc khu vực miền Trung không ảnh hưởng dịch nhưng cũng phấp phỏng lắm, vì họ có thể hủy phòng bất cứ lúc nào nếu dịch bệnh xảy ra” - ông Lộc cho biết.
Dịp Tết Nguyên đán này, Công ty Việt Đà bán được khoảng 50 phòng khách sạn cùng một số tour ngắn ngày tham quan Quảng Nam nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận thông tin xấu từ khách hàng.
Hội An những ngày này bắt đầu vắng vẻ khách, nhất là các điểm du lịch và khu vui chơi giải trí. Thậm chí, tại Công viên Ấn tượng Hội An, dịp cuối tuần vừa qua chưa đến 30 khách mua vé xem sô diễn “Ký ức Hội An”.
“Chúng tôi đang phân vân không biết nên đóng cửa hay tiếp tục mở cửa vì ngoài chuyện ít khách, một số nhân viên, diễn viên phải về quê ngoài Bắc đón tết, nếu vào bị cách ly thì cũng không có người làm” - đại diện Công viên Ấn tượng Hội An chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, dịch bệnh xuất hiện cận tết khi nhu cầu tham quan du lịch gia tăng càng khiến khả năng phục hồi của ngành du lịch và doanh nghiệp khó hơn. Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho rằng, qua gần một năm đầy biến cố do dịch bệnh, thiên tai gây ra, đa số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đình đốn, nên tết chính là cơ hội để doanh nghiệp vớt vát gượng dậy nhưng đợt bùng phát lần này như cú nốc ao khiến doanh nghiệp càng lún sâu hơn vào khó khăn.
Chạm đáy
Khảo sát sơ bộ một số doanh nghiệp du lịch lớn tại Hội An, phần lớn cho biết thua lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Rất nhiều người phải chạy vạy vay mượn hoặc cầm cố, bán đổ tài sản.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty EMIC Hội An, chỉ riêng doanh thu nhà hàng Full Moon của đơn vị đã mất khoảng 60 tỷ đồng do không hoạt động. “Với tình trạng này chúng tôi phải chuyến hướng kinh doanh thôi” - ông Thanh thú nhận. Tương tự, hệ thống khách sạn Làng lụa hay Le Pavillon doanh thu cũng sụt giảm trên 100 tỷ đồng do dịch bệnh, bão lũ gây ra.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel cảnh báo, nếu dịch bệnh không được kiểm soát đẩy lùi, nguy cơ Việt Nam sẽ không còn ngành du lịch do sức chịu đựng đã đến giới hạn.
Theo ông Kỳ, thông thường dịp cuối năm là thời điểm doanh nghiệp chạy các chương trình quảng cáo, nhưng năm nay nhìn chung rất im ắng. Nguyên nhân do doanh nghiệp đã quá yếu, không đủ sức, kể cả hết nguồn lực hoặc đổi nghề, rời khỏi thị trường. Thực tế, sau các lần dịch bùng phát trước đó, gần như mọi doanh nghiệp du lịch đã cạn kiệt nguồn lực, doanh nghiệp nào còn trụ được đều cố gượng để bung ra trong dịp tết nhưng sự trở lại của Covid-19 đã đảo lộn tất cả.
“Tôi không biết liệu có còn ngành du lịch nữa không nếu đợt bùng phát này diễn biến phức tạp. Những người như chúng tôi có thể là những doanh nghiệp cuối cùng trong nghề. Giờ đơn vị du lịch còn hoạt động đếm trên đầu ngón tay. Hơn khi nào hết, lúc này ngành du lịch thực sự cần sự quan tâm của Chính phủ” - ông Kỳ đề xuất.
Đến thời điểm hiện tại dù Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng một số sản phẩm du lịch hoặc hoạt động văn hóa mừng xuân, đón tết tại Hội An đã phải tạm dừng để phòng ngừa dịch. Một tương lai u ám cho ngành du lịch địa phương đang hiện hữu hơn bao giờ hết, chí ít từ nay đến qua tết cổ truyền.