Người dân đã hài lòng với nông thôn mới? - Bài cuối: Giải quyết những vấn đề cấp thiết

LÊ QUÂN 03/02/2021 06:52

Giải quyết các vấn đề cấp thiết từ môi trường sống đến môi trường văn hóa, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn… là những mục tiêu quan trọng mà chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn tới tiếp tục đặt ra.

Xây dựng nông thôn mới bảo đảm giữ bản sắc của địa phương. Ảnh: L.Q
Xây dựng nông thôn mới bảo đảm giữ bản sắc của địa phương. Ảnh: L.Q

Xây dựng nếp sống văn hóa

Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cho rằng, đối với việc xây dựng NTM, sau khi hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, cần xem xét đến tiêu chí văn hóa ở mỗi địa phương.

“Lăng tẩm đền đài miếu mạo… có chỉ tiêu bảo tồn nhưng chưa làm rõ ở các địa phương. Rồi hiệu quả sử dụng, hoạt động nhà văn hóa như thế nào, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa cha ông tại các nơi này đang ra sao. Hay câu chuyện của những lễ hội, liệu đã được bảo tồn ở mức ổn định nhất chưa?” - ông Nguyễn Hoàng Bích đặt vấn đề.

Cuối năm 2010, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư số 12 quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của trung tâm VH-TT cấp xã. Các xã đạt chuẩn NTM buộc phải xây dựng trung tâm VH-TT hoặc cải thiện cơ sở có sẵn đáp ứng theo quy định, gồm có hội trường đa năng và cụm các công trình thể dục thể thao.

Và, để chạy theo các tiêu chí của xã NTM, một số thiết chế VH-TT được xây dựng với quy mô lớn nhưng không tính toán đến nội dung hoạt động; trong khi đó, thói quen sinh hoạt VH-TT của người dân nông thôn vẫn chưa được tạo thành nếp.

Dẫn ra nhiều ví dụ về mức độ lãng phí của những trung tâm VH-TT xã phường - một trong những thiết chế văn hóa cần phải có nếu muốn đạt chuẩn NTM, ông Nguyễn Hoàng Bích cho rằng, điều khó nhất đối với các địa phương không phải là cơ sở mà ở nhân lực. Con người tổ chức hoạt động là ai, kinh phí hoạt động như thế nào vẫn luôn là những vấn đề trăn trở của mỗi xã phường. Dù các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng bài bản nhưng chủ yếu để hội họp; chưa tạo được phong trào sâu rộng, thường xuyên.

Theo Sở VH-TT&DL, kinh phí cho hoạt động văn hóa không được phân bổ đúng định mức quy định, việc bố trí cán bộ, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm và tổ chức các nội dung về học tập cộng đồng còn nhiều vướng mắc…

Chương trình OCOP với các sản phẩm thế mạnh sẽ là giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP với các sản phẩm thế mạnh sẽ là giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM chỉ có hai tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm hết tiêu chí còn lại. Bởi xét đến cùng, các tiêu chí xây dựng NTM muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Nhiều câu lạc bộ như dân ca, bài chòi, thể dục dưỡng sinh... và các mô hình tiêu biểu trong hoạt động văn hóa như không rải vàng mã khi đưa tang, mỗi gia đình một cuốn sách… được hình thành, đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 166/200 xã đạt tiêu chí văn hóa, chiếm 83%. Tuy nhiên, chất lượng các danh hiệu văn hóa còn thấp. Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hình thành văn hóa ứng xử trong cộng đồng chưa rõ nét cũng như xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa phát triển chưa đồng đều, tính bền vững chưa cao...

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam cần xây dựng bộ tiêu chí thôn NTM và khu dân cư NTM kiểu mẫu cho phù hợp với từng vùng, bao gồm đồng bằng, miền núi, trung du để tổ chức thực hiện theo chiều sâu. Trong đó cần nghiên cứu tiêu chí NTM theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt.

Với vùng đồng bằng, tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất thật sự phù hợp, phát huy cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng các khu sản xuất nông, lâm, ngư tập trung; đẩy mạnh công tác tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa vào trong nông nghiệp, các xã có điều kiện thì khuyến khích xây dựng xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.

Riêng các xã ven biển cần có kế hoạch sắp xếp dân cư gắn với các dự án lớn vùng Đông; các xã trung du, miền núi cần tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế rừng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các xã miền núi cao, xã biên giới cần tập trung sắp xếp dân cư gắn với xây dựng NTM một cách bền vững. 

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của nhiều địa phương sau đạt chuẩn NTM còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều xã ở các khu vực khó khăn đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn, tuy nhiên chất lượng đạt chuẩn chỉ ở mức “chạm ngưỡng” và dễ rớt chuẩn khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều vùng NTM phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu.

Theo ông Lê Muộn - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, có vẻ như chính quyền đang làm giúp nhân dân nhiều quá. Các vấn đề người dân chưa hài lòng như rác thải, ô nhiễm môi trường vì chăn nuôi thì lâu dài tỉnh và huyện cùng khắc phục. Khi thực thi Luật Chăn nuôi sẽ xử lý phần nào vấn đề ô nhiễm do chăn nuôi nhỏ lẻ gây ra. UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để hạn chế cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đây cũng là nguyên nhân nếu dịch bệnh thì sẽ bùng phát rất dễ dàng.

Xác định chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP sẽ phải là một hướng đi trong tương lai nếu muốn sản xuất và liên kết theo chuỗi có hiệu quả cũng như nâng cao thu nhập của người dân, trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương phát triển đa dạng loại hình kinh tế nông thôn, nhất là tiểu thủ công nghiệp, thương mại, đô thị, dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX ở nông thôn. Trong đó chú ý phát triển các HTX có điều kiện và năng lực tham gia liên kết chuỗi, HTX gắn liền với chế biến tạo các sản phẩm OCOP để gia tăng giá trị.

“Phải củng cố lại phương thức sản xuất nông nghiệp, phát huy hơn nữa các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó lấy doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân, ưu tiên thúc đẩy chế biến sâu, cơ sở bảo quản, kết nối với chuỗi cung ứng, hình thành nhóm sản phẩm chủ lực theo 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và đặc thù theo vùng, miền cũng như đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP để tiếp cận nhanh với thị trường” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

LÊ QUÂN