Người dân đã hài lòng với nông thôn mới? - Bài 2: Bài toán sinh kế và đời sống

LÊ QUÂN 02/02/2021 08:49

Tốc độ đô thị hóa nông thôn ngày càng nhanh, đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết để bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) thực sự bền vững, toàn diện. Và câu chuyện sinh kế, đời sống trở thành bài toán khi điều kiện sản xuất khó khăn hơn và môi trường sống của người dân chịu nhiều tác động.

Người dân Hội An bị giảm thu nhập trong năm 2020, dẫn đến tiêu chí thu nhập bình quân/năm không đạt. Ảnh: L.Q
Người dân Hội An bị giảm thu nhập trong năm 2020, dẫn đến tiêu chí thu nhập bình quân/năm không đạt. Ảnh: L.Q

Sản xuất nông nghiệp bấp bênh

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Quảng Nam cho rằng, dưới tác động đô thị hóa, vùng nông thôn đang thu hẹp dần. “Thêm một thực trạng nữa ở nhiều địa phương là nông dân không còn muốn sản xuất nông nghiệp” – ông Ngô Tấn nói.

Thực tế, nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng đất nông nghiệp hoang hóa ở nhiều địa phương; nông dân bỏ ruộng đồng, đặc biệt với các xã đang phát triển công nghiệp ngày càng mạnh mẽ. Như tại huyện Thăng Bình, ở các xã vùng đông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Theo nhận định của địa phương này, với tình hình như hiện nay thì thời gian tới tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ tiếp tục xảy ra với quy mô lớn hơn.

Hiện nay tại nhiều địa phương, số lao động nông nghiệp rất ít. Nhiều lao động đi làm công nhân khiến nhiều gia đình chỉ còn vài 3 nhân khẩu ở quê, nhu cầu về lương thực thấp. Cùng với việc đô thị hóa khiến sở hữu đất nông nghiệp giảm, lại phân bố nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến nhiều hộ không còn mặn mà với canh tác nông nghiệp.

Theo ông Ngô Tấn, cần tháo những quy định chưa phù hợp về đất đai và thực hiện việc tích tụ ruộng đất trong thời gian tới mới mong giải quyết được câu chuyện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hiện nay tại các vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Duy (người dân xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) cho rằng, kế hoạch là Tam Kỳ chỉ có 4 xã tập trung sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hiện địa phương chưa có mô hình nông nghiệp thay đổi cơ bản đời sống nông dân.

“Sản xuất theo chuỗi hiện vẫn chưa rõ ràng, sản phẩm hàng hóa của nông dân Tam Kỳ còn quá yếu so với các địa phương khác. Chúng tôi nghĩ trong quá trình xây dựng NTM, chính quyền cần đồng hành với nông dân để thay đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân” - ông Duy nói.

Hiện có một số địa phương đã tạo đột phá bằng cách linh hoạt chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển cũng như đã có sự quan tâm về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất liên kết, theo chuỗi giá trị. Trong đó, huyện Duy Xuyên được lựa chọn để triển khai thí điểm thực hiện các giải pháp, định hướng xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020. Hiện địa phương này đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại một số xã.

Nhìn nhận lại HTX

Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của Quảng Nam, những năm qua kinh tế nông thôn của tỉnh có bước phát triển khá, trong đó có sự đóng góp của kinh tế tập thể. Quảng Nam hiện có 335 HTX, trong đó có 71 HTX phi nông nghiệp.

Ông Lê Muộn – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để hoàn thành xây dựng NTM, mỗi xã phải có ít nhất một HTX hoặc tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả, số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn.

Ngoài ra, theo quy định, một HTX hiệu quả phải thực hiện được các dịch vụ cơ bản như thủy lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản; hoạt động ổn định, làm ăn có hiệu quả trong 3 năm liên tiếp; đồng thời phải thực hiện được chế độ kế toán thống kê, báo cáo tài chính… Trong khi đó, nếu so với thực tế tại Quảng Nam, ngay cả khi thực hiện Chương trình OCOP, vẫn hơn một nửa số chủ thể tham gia OCOP vẫn ở mô hình kinh tế hộ gia đình hoặc THT.

Để thỏa mãn các yêu cầu trên, ngay cả các địa phương đã hoàn thành tiêu chí này cũng vẫn còn “gượng ép”. Bởi đa số các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay có THT hoặc HTX nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, lợi nhuận ít, hiệu quả hoạt động không cao. Nhiều thành viên sau khi tham gia chưa thật sự thiết tha với mô hình này.

Ngay cả 4 xã đạt chuẩn NTM của TP.Hội An, chỉ có 2 HTX hoạt động hiệu quả là HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) và HTX Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) có xu thế phát triển đảm bảo đúng với tiêu chí quy định. Còn tại xã Cẩm Hà và xã Cẩm Kim chưa có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 nên chưa đạt tiêu chí 13 theo quy định hiện hành. Để hoàn thành tiêu chí này, xã Cẩm Hà dự kiến thành lập một HTX phi nông nghiệp, tuy nhiên người dân lại không đồng ý tham gia.

Ở nhóm các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, tại TP.Hội An, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai nên thu nhập bình quân của người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, thu nhập của người dân ở một số khu dân cư thuộc xã Cẩm Hà và Cẩm Thanh bị giảm sút nhiều so với năm 2019.

Ông Nguyễn Đình Em - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Kim cho rằng, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh trong chương trình NTM tại Hội An đều gần như làm rất tốt.

“Tuy nhiên, do điều kiện của năm 2020, thu nhập từ du lịch của người dân bị giảm sút đáng kể, người dân quay trở lại với hoạt động nông nghiệp và sản xuất nhiều hơn, dù đảm bảo về đời sống nhưng thu nhập lại giảm sâu. Do vậy, đề nghị cần khảo sát, đánh giá lại mức thu nhập bình quân của người dân trong năm 2020 đạt mức tối thiểu 41 triệu đồng/người/năm liệu có phù hợp?” – ông Nguyễn Đình Em nói.

---------------

Bài cuối: Giải quyết những vấn đề cấp thiết

LÊ QUÂN