“Còn hẹn lòng son da bọc ngựa”
Cái duyên hội ngộ trong phong trào Duy tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà tù Côn Đảo đã làm cầu nối kết chặt tình đồng bào, tình đồng chí của các chí sĩ Quảng Nam với những chí sĩ khác trong cả nước. Dương Bá Trạc càng gắn với Quảng Nam hơn khi hợp đủ cả 3 cái duyên này.
Vị cử nhân không làm quan nhưng cả đời lo việc nước
Dương Bá Trạc (1884 - 1944), xuất thân trong một gia đình thi lễ, ông nội Dương Duy Thanh từng là một trong “quốc sĩ tứ kiệt”, thân sinh Dương Trọng Phổ “là người sớm rõ cái trào lưu mới”, hai người em là Dương Quảng Hàm - tác giả Việt Nam văn học sử yếu và Dương Tụ Quán - chủ nhiệm Văn học tạp chí, Đông Tây báo…
Đậu cử nhân năm Canh Tý (1900) khi “Mười bảy tuổi đậu liền hương cống”. Tuy đỗ đạt, có “Cái cần câu quý hiển sẵn trong tay”, nhưng ông không chịu xuất chính làm quan.
Ông là một chí sĩ yêu nước, là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực cho Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm cổ động chủ trương duy tân tự cường, vận động học sinh tham gia con đường cứu nước. Ông cùng các đồng chí kêu gọi lòng yêu nước của các sĩ phu toàn quốc giúp vào việc quyên góp cho phong trào vận động cho một số thanh niên xuất dương.
Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, ông chủ trương “quyết kế cầm khí giới lập một căn cứ ở rừng núi để hiệu triệu quốc dân, khuếch trương thế lực mà duy trì cuộc vận động ở hải ngoại, rồi mình có cơ hội sẽ khởi sự cách mệnh”.
Chính phủ Pháp từ lâu đã để tai mắt và nhân việc có một người cháu gọi bằng cậu tố cáo ông nên đã bắt giữ ông rồi nhiều lần xét xử. Ông bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo, nhốt ở ngục B và gặp nhiều bạn như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… Sau 20 tháng (1908 – 1910), ông được đưa về an trí ở Long Xuyên. Tại đây, ông làm nghề dạy học và bốc thuốc để sinh nhai, vẫn tìm cách hoạt động và kết nối với các chí sĩ ở Nam kỳ lục tỉnh.
Đến năm 1917, sau khi bị trục xuất về Bắc, ông tham gia viết báo cho Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Đuốc tuệ, bởi cho rằng “có thể dùng báo chí để khai thông dân trí, có điều kiện làm cho đất nước trở nên phú cường…”. Ông làm chủ bút tờ Văn học tạp chí (1932 – 1935), Đông Tây báo (1935 – 1936).
Dương Bá Trạc và Trần Trọng Kim bị Nhật “bắt cóc” đưa sang Singapore vào năm 1943. Năm 1944, ông bị bệnh mất, được hỏa táng trong nghi lễ trọng thể, hộp tro được đưa về nước. Ngày 17.3.1945, trong lễ truy điệu cho các liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc tại Nhà hát lớn Hà Nội, Dương Bá Trạc được liệt vào lớp Nho lâm cùng với hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Người đồng hành, đồng hướng với chí sĩ Quảng Nam
Theo Dương Tụ Quán, năm 1904, nhân Phan Châu Trinh ra Bắc để cổ động phong trào Duy tân, Dương Bá Trạc được Phan Châu Trinh rủ đi thăm Đề Thám để thấy rõ con người đã có chí lớn dám đọ sức với thực dân Pháp. Năm 1906, Phan Châu Trinh ở Nhật về nước, lại cùng Dương Bá Trạc đi nhiều nơi ở miền Bắc để diễn thuyết về duy tân tự cường. Xong rồi lại đi các tỉnh Trung kỳ để tiếp tục làm việc ấy.
Sau đó, Dương Bá Trạc đã theo Phan Châu Trinh vào Quảng Nam để khảo sát tình hình phong trào Duy tân đang diễn ra sôi nổi tại Tam Kỳ, Tiên Phước. Người ta kể rằng, vị cử nhân trẻ tuổi Bắc Hà này tỏ ra xông xáo, băng đường núi để về tận làng Phú Lâm, quê hương của ông Lê Cơ để tận mắt trông thấy cung cách sinh hoạt của các trường “dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây”, để tham quan nông dân các làng chung nhau mở vườn trồng quế, lập cuộc buôn, dựng lò rèn, lập cục bảo hiểm vườn quế. Chương Thâu đã chép như vậy trong bài viết Dương Bá Trạc (1884 - 1944) một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục, một nhà hoạt động văn hóa tích cực, đồng thời nhận xét: “Dương Bá Trạc đã “mục sở thị” những sự thực của phong trào Duy tân tại Quảng Nam và hẳn ông cũng chịu ảnh hưởng của nó, để ngay sau đó thể hiện trong việc làm của mình trong suốt thời gian tham gia hoạt động Đông Kinh Nghĩa Thục”.
Dương Bá Trạc từng phổ biến rộng rãi các bài thơ ca yêu nước như Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh trong trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Cảm khái “bát ngát hào hùng” với Quảng Nam
Khi ở tù Côn Đảo, Dương Bá Trạc nghe tin người vợ của Tiểu La Nguyễn Thành (bạn đồng tù) qua đời ở quê nhà Quảng Nam, đã làm câu đối viếng: “Thác biệt sống lìa, mối hận mười năm Nam Mỹ khách/ Thù chồng nợ nước, nghìn năm chín suối Nữ Vương quân” (Thi tù tùng thoại). Vũ Ngọc Khánh cho rằng tấm lòng ưu ái của Dương Bá Trạc thật là mênh mông. Nghĩ đến Nguyễn Thành mà nhớ đến Garibaldi, nhà yêu nước người Ý cũng phải lưu lạc nơi đất khách quê người (giống Tiểu La). Và dù bà vợ Tiểu La, không phải một nữ anh hùng, nhưng chí anh hùng trong con người của bà vẫn phát huy ảnh hưởng của Bà Trưng, Bà Triệu. Với câu đối này, Vũ Ngọc Khánh nhận xét “sao lại có thể tự suy nghĩ bát ngát hào hùng như vậy”.
Khi Phan Châu Trinh mất, Dương Bá Trạc đã làm 3 câu đối viếng. Một câu trên danh nghĩa của ông viếng bạn; một câu nghĩ hộ cho một nghị viên; một câu nghĩ hộ cho học trò. 3 câu của 3 chủ thể, nhưng nội dung vẫn đồng nhất như cuộc đời nhất quán cách mạng của Phan Châu Trinh, cũng là tình bạn thủy chung giữa ông với cụ Phan. Câu đối của ông: “Trải bao năm bôn tẩu hô hào, nào đầu thư, nào diễn thuyết, nào bảo ban dân dại, nào công kích quan tham, vì nước vì nòi, gan sắt dễ đâu vùi chín suối/ Nhớ những lúc truy tùy khuya sớm, khi ngoài Bắc, khi trong Nam, khi tống biệt Hà Kiều, khi đàm tâm hoang đảo, càng thương càng tiếc, người vàng xin quyết chuộc trăm thân”.
Đặc biệt, lúc viếng thăm miếu thờ Phan Châu Trinh, Dương Bá Trạc đã cảm khái mấy vần thơ: “Lo nước lo nòi việc chưa xuôi/ Luống ôm tâm huyết xuống tuyền đài/ Những mong kế chí còn nhiều kẻ/ Miếu mạo tôn sùng có ngõ ai/ Lăng xây, miếu dựng để ngàn thu/ Sĩ kính, dân tôn một tử tù/ Tài đức xưa nay đời vẫn trọng/ Bổ ý hơn gấp mấy vương hầu”.
Đến lượt mình khi mất, “Dương quân thiếu niên” Bá Trạc đã được Huỳnh Thúc Kháng làm câu đối viếng: “Cùng đày ven Côn Đảo, án nặng, ta lại chậm ngày về, giờ qua đường hiểm trăm chiều, còn hẹn lòng son da bọc ngựa/ Nhớ khóc bạn Hải Côn, câu thơ người trở nên lời sấm, lìa hẳn nước nhà ba xứ, khỏi vùi xương trắng đất vong nô”.