Cộng đồng xây mộ vô danh

T.ĐAN - H.CHÂU 29/01/2021 09:23

Ba năm qua, người dân thôn An Thiện (xã Tam An, huyện Phú Ninh) cùng góp công, góp của, tiến hành tu sửa, xây mới hàng nghìn phần mộ vô danh tại các nghĩa trang trong thôn.

Những ngôi mộ vô danh được người dân Tam An góp công, góp của xây mới. Ảnh: HẢI CHÂU
Những ngôi mộ vô danh được người dân Tam An góp công, góp của xây mới. Ảnh: HẢI CHÂU

Ý định xây mới những ngôi mộ vô danh được thôn An Thiện họp bàn lấy ý kiến trong nhân dân từ nhiều năm trước, ngay từ đầu đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Sau khi chính thức phát động từ giữa năm 2018, nhân dân đã chung tay đóng góp công sức, tiền của, kêu gọi, vận động bà con xa quê cùng tham gia.

Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn An Thiện cho biết: “Nhờ sự đồng lòng của người dân, việc xây mới các ngôi mộ được triển khai thuận lợi, nhanh chóng. Tất cả những mộ phần vô chủ, từ lâu không còn được con cháu thăm nom, hương khói đều đã được xây mới. Đây là việc làm thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của dân tộc Việt Nam”.

Chỉ trong vòng 3 năm, thôn An Thiện đã có hơn 3.300 ngôi mộ vô danh được xây mới, tổng kinh phí thực hiện hơn 200 triệu đồng, với gần 1.400 ngày công lao động từ nhân dân. Người dân ở đây tâm niệm, những ngôi mộ vô danh là nơi yên nghỉ của thế hệ đi trước, cũng chính là tổ tiên của các dòng họ từng mở đất lập làng.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, vì nhiều lý do mà những phần mộ này bị thất lạc, hoặc con cháu đi làm ăn xa không có điều kiện chăm lo, hương khói, lâu dần bị bỏ hoang. Chính vì vậy, cộng đồng địa phương nhận thức được trách nhiệm phải chăm lo, tu sửa đàng hoàng những phần mộ vô chủ, đó cũng chính là việc làm mang đạo lý hướng về nguồn cội, tiên tổ của mỗi người, mỗi dòng họ.

Ông Trần Cảnh (người dân thôn An Thiện) cho rằng, việc tu sửa, xây mới những phần mộ không còn người thân chăm lo là việc làm tử tế, nghĩa tình của người còn sống đối với người đã khuất, và cũng là việc làm thiết thực nhằm giáo dục thế hệ con cháu nhận thức được trách nhiệm của bản thân mỗi người với cộng đồng, với ông bà tổ tiên.

Tết nguyên đán Tân Sửu cận kề. Hằng năm cứ đến ngày 24 tháng Chạp, dân làng lại tổ chức lễ cúng chạp mã vắng chủ để tưởng nhớ, hướng về những người quá cố nay chỉ còn vô danh, khói hương phảng phất trên những ngôi mộ mới tạo nên không khí ấm cúng nơi nghĩa trang những ngày cuối năm…

T.ĐAN - H.CHÂU