Vinh dự của một người Quảng theo chân Bác

Lê Năng Đông 28/01/2021 11:43

Sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, ngày 28.1.1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Có một người Quảng vinh dự được theo chân Bác về nước và trực tiếp được phục vụ Người trong thời gian Bác ở Cao Bằng. Đó là đồng chí Cao Hồng Lãnh (Phan Thêm).

Vinh dự được Bác Hồ đặt tên

Đồng chí Cao Hồng Lãnh tên thật là Phan Hải Thâm, thường gọi là Phan Thêm, sinh năm 1906, tại Minh An, TP.Hội An, nơi từ rất sớm đã tiếp nhận, hưởng ứng các phong trào yêu nước, nơi giao lưu của các nền văn hóa. Vì vậy, chàng thanh niên Phan Thêm đã có điều kiện tiếp cận với sách báo, tư tưởng tiến bộ.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28.1.1941.
Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28.1.1941.
 Mùa hè năm 1925, Phan Thêm từ Trường Dòng ở Huế về quê vận động và tập hợp thanh niên, học sinh, tiểu tư sản, trí thức cùng đọc và lưu truyền nhiều loại sách báo, các học thuyết, trào lưu tiến bộ; tham gia các phong trào đòi trả tự do cho Nhà yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức Lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh.

Giữa năm 1927, Phan Thêm ra Quảng Trị và được kết nạp vào tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Trị. Tháng 10.1997, về lại Hội An, đồng chí thành lập Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, thành lập đội bóng đá và gánh hát lấy tên Ô-rô, thu hút nhiều học sinh, thanh niên, công nhân và người lao động. Hoạt động của hội là điều kiện tiền đề hết sức thuận lợi cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ngày 28.3.1930.

Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, Phan Thêm vào làm công nhân tại nhà máy đèn Hội An để tiếp tục tuyên truyền đường lối cách mạng, tập hợp và tổ chức lực lượng. Nhưng không lâu sau, đầu năm 1929, theo quyết định của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Trung kỳ, Phan Thêm cùng với Đỗ Quỳ được cử vào Sài Gòn rồi bí mật sang Hương Cảng, sau đó tham dự lớp chính trị do Tổng bộ Hội tổ chức tại Quảng Châu - Trung Quốc. Sau khóa học, Phan Thêm về nước tổ chức rải truyền đơn tuyên bố giải tán Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An để thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập (28.3.1930), mọi hoạt động của Tỉnh ủy luôn bị bọn mật thám dò la, theo dõi. Đến cuối năm 1930 thì Tỉnh ủy bị lộ, phong trào bị đánh phá, khủng bố nặng nề. Trước tình hình đó, đồng chí Phan Thêm bí mật tập hợp xây dựng cơ sở và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức đảng nhưng không thành công.

Đến tháng 11.1934, Phan Thêm vào Sài Gòn, từ đó đi Hương Cảng, Nam Kinh. Sau khi bắt liên lạc được với tổ chức, đồng chí được kết nạp Đảng tại Nam Kinh; sau đó xin tổ chức đến Quảng Châu để tìm cách bắt liên lạc về cho các đồng chí của mình còn bám ở Hội An. Tại đây Phan Thêm được giao nhiệm vụ tiếp nhận các đồng chí từ Nam Kinh đến, trong khu du kích của Trung Quốc ra, từ Bắc Hải đến để giúp Trung ương Đảng mở lớp chính trị, đồng thời tổ chức vận động bà con Việt kiều ở Quảng Châu ủng hộ phong trào dân chủ trong nước đang phát triển.

Năm 1939, đồng chí được điều về Côn Minh và tại đây được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc bấy giờ có tên là Vương) và được Người đặt bí danh hoạt động cách mạng là Cao Hồng Lãnh. Tham gia tổ công tác ở Chi bộ Đảng tại Côn Minh, trực tiếp quản lý cơ quan bí mật của Đảng, tổ chức in báo, đưa đón cán bộ cách mạng từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam sang Trung Quốc, Phan Thêm được coi là người quản lý, chăm lo “cơm áo, gạo tiền” cho Bác Hồ trong những ngày Người sống ở Côn Minh; đồng thời trở thành đầu mối liên lạc giữa Bác với các đồng chí lãnh đạo Đảng ở trong nước.

Về tên gọi Cao Hồng Lãnh, trong hồi ký của mình, đồng chí Phan Thêm chia sẻ, Bác Hồ và các đồng chí thấy ông là người cao ráo, lại có ý chí phấn đấu nên đặt cho họ Cao, còn lấy tên Hồng Lĩnh là bởi nó gần với nghĩa khí núi Hồng Lĩnh và cũng để đối với tên Hải Thâm của ông trước đó. Sau này, anh em Nam Bộ chuyển tên Lĩnh thành Lãnh cho dễ gọi. Từ đó, tên Cao Hồng Lãnh được sử dụng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Thêm.

Trọng trách chuẩn bị đưa Bác Hồ về nước

Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6.1940) theo Người nhận định là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. "Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Lúc này, đồng chí Cao Hồng Lãnh được giao nhiệm vụ cùng đoàn công tác chuẩn bị tốt nhất điều kiện tổ chức đưa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cao Hồng Lãnh (giữa) tại chiến khu Việt Bắc năm 1949. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cao Hồng Lãnh (giữa) tại chiến khu Việt Bắc năm 1949. Ảnh tư liệu
Ngày 28.1.1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Như vậy, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở đã về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động tại vùng Cao - Bắc - Lạng, đồng chí Cao Hồng Lãnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ chức đảng, Mặt trận Việt Minh, các hội cứu quốc, phong trào học văn hóa... Đồng chí được cử làm thành viên đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng tham dự Đại hội Quốc dân tại Tân Trào để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cũng trong thời gian này, Cao Hồng Lãnh được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dạy viết báo và làm việc tại Báo Việt Nam độc lập - tờ báo do Người sáng lập, là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh, số ra đầu tiên ngày 1.8.1941.

Cách mạng Tháng Tám - 1945 bùng nổ, Cao Hồng Lãnh được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử làm thành viên đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Trưởng đoàn vào Nam Bộ. Tại hội nghị Xứ ủy, đồng chí Cao Hồng Lãnh được cử làm Ủy viên Ban kháng chiến Nam Bộ, được giao nhiệm vụ tổ chức đón các đồng chí tù chính trị từ Côn Đảo về, thống nhất các nhóm cộng sản Hoa kiều và thành lập “Hội Việt - Hoa hữu hảo” miền Tây Nam Bộ.

Trong những năm đầu “Nam Bộ kháng chiến”, Cao Hồng Lãnh đã có những đóng góp to lớn giúp đẩy mạnh phát triển công tác Mặt trận Việt Minh, công tác chính trị trong quân đội và công tác tiếp viện cho các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá...

Từ năm 1951, đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban cán sự Trung ương Đảng ở hải ngoại, Bí thư Chi bộ Đảng Biện sự xứ Quảng Châu. Từ năm 1959, đồng chí được Trung ương điều động về nước công tác tại Bộ Ngoại giao, làm Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, phụ trách Ban cán sự Đảng ngoài nước cho đến năm 1977.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Cao Hồng Lãnh được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc...

Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ trở về nước là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Vinh dự và tự hào trong suốt 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng bộ, quân và dân Xứ Quảng luôn nguyện đi theo con đường mà Người đã chọn.

Lê Năng Đông