Hiến kế phát triển đất nước, không có vùng cấm trong xử lý kỷ luật Đảng
(QNO) - Chiều 27.1, trong phiên thảo luận Đại hội XIII của Đảng, đại diện các cơ quan Đảng, bộ ngành Trung ương tiếp tục trình bày ý kiến bằng tham luận. Dưới đây là một số ý kiến Báo Quảng Nam lược ghi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực: “Không có vùng cấm, ngoại lệ trong xử lý kỷ luật Đảng”
Phát biểu tham luận, ông Mai Trực - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương thông tin, nhiệm kỳ vừa qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15.000 tổ chức đảng và hơn 47.000 đảng viên (trong đó hơn 23.000 là cấp ủy viên các cấp), giám sát hơn 183.000 tổ chức đảng và hơn 528.000 đảng viên (trong đó hơn 154.000 là cấp ủy viên các cấp). Tập trung nhiều vào những điểm “nóng”, lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực của đảng viên có chức quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách và trong công tác cán bộ…; trách nhiệm nêu gương; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng; bảo vệ môi trường, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công...
Trong đó có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm (quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm), có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu... Tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, UBKT Trung ương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra ở những nơi, lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như: cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước…
Qua kiểm tra, đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng. UBKT các cấp cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số kết luận của UBKT Trung ương đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật (như các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ, vụ AVG, vụ BIDV...).
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của các địa phương, đơn vị; góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; ngăn ngừa các nguy cơ của Đảng cầm quyền, đóng góp tích cực vào việc kiểm soát quyền lực. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Tuy nhiên, UBKT Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp”
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật là: chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.
Điểm sáng thứ hai là cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn. Quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền để bảo đảm sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu gây ra. Đồng thời tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành.
Trong 5 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 9 nghị quyết, kết luận, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp; Quốc hội đã ban hành 6 luật, Chính phủ ban hành 50 nghị định trực tiếp về nông nghiệp, nông thôn, đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng trong tổ chức thực hiện. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp góp phần trực tiếp tăng sản lượng và chất lượng nông sản. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho rằng, thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản được mở rộng, phát triển nâng cấp các chuỗi giá trị trong nước và chế biến, xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra (và cao hơn nhiều so với mức đạt 30,45 tỷ USD của năm 2015), đưa Việt Nam vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn “thay da đổi thịt” hằng ngày, phát triển văn minh và hiện đại hơn. Giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã huy động hơn 3 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%... Hết năm 2020 có 62% số xã, 173/664 (26%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 12/63 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn.
Giai đoạn 5 năm tới, Bộ NNN&PTNT nhất trí cao với dự thảo các văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính là tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát.
Ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 48 - 50 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 80%; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, tăng cường chất lượng rừng.
Trong 8 giải pháp, nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ưu tiên đến giải pháp thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư.
Dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế. Ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: “Đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 5 năm qua, ngành đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn; Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.
Nhận thức về học nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ; vị thế, vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao. Kết quả giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn báo cáo mới nhất của UNDP (16.12.2020), Việt Nam được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia; chỉ số vốn nhân lực (HCI) chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28. Riêng 2 năm 2019 - 2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần 10 năm trước đây. Đến nay, hơn 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 12,7 lần so với năm 1995.
Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện.
Đã thu hẹp khoảng cách giới. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Vai trò, địa vị của phụ nữ được củng cố và nâng cao cả trong gia đình và ngoài xã hội. Tỷ lệ nữ là lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như tỷ lệ nữ là lãnh đạo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tăng. Khoảng 48% lực lượng lao động là nữ, phụ nữ chiếm 50% đối tượng thụ hưởng chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết thêm, khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 5.1.2021) về kết quả 5 năm 2016 - 2020, cho thấy niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc. Thách thức lớn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực và thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bẫy thu nhập trung bình, xu hướng già hóa dân số nhanh và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
“Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng hệ thống các chính sách xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và các chuẩn mực quốc tế bảo đảm ứng phó với các thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.