IMF: Kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ tươi sáng hơn
(QNO) - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa có báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2021 đưa ra hôm qua (26.1), IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên mức 5,5% trong năm nay và sẽ là 4,2% vào năm 2022 sau khi suy giảm 3,5% vào năm 2020 do đại dịch Covid-19.
Theo IMF, kết quả trên là nhờ vào việc các quốc gia tăng cường tiêm chủng vắc xin cũng như thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19 hiệu quả hơn của các nước, khôi phục hoạt động kinh tế trong khi các nền kinh tế lớn đang đưa ra nhiều gói kích thích phục hồi.
Tuy nhiên, IMF thừa nhận kinh tế toàn cầu năm nay cũng có thể bị đe dọa bởi Covid-19 và chưa thể hồi phục so với trước khi bùng phát đại dịch.
Trong đó, thương mại toàn cầu sẽ tăng lên 8% vào năm 2021 và sẽ giảm xuống mức 6% vào năm 2022 trong khi thương mại dịch vụ sẽ phục hồi chậm hơn do nhu cầu du lịch chưa thể hồi phục do lo ngại về dịch bệnh. Do đó, các nền kinh tế dựa vào du lịch còn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn chung, hoạt động toàn cầu cũng dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp hơn mức trước khi bùng phát Covid-19, đặc biệt là mức độ phục hồi diễn ra không giống nhau giữa các quốc gia, khu vực mà tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đại dịch, việc phân phối vắc xin Covid-19, sự gián đoạn hoạt động trong nước, tình hình lây nhiễm corona và hiệu quả của chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế thiệt hại dai dẳng do đại dịch gây ra.
Theo nhà kinh tế hàng đầu của IMF, đại dịch Covid-19 dự kiến khiến GDP toàn cầu giai đoạn 2020-2025 thiệt hại khoảng 22.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của IMF cũng ước tính rằng 90 triệu người có khả năng rơi xuống dưới ngưỡng nghèo cùng cực trong giai đoạn 2020–2025 do đại dịch, chủ yếu là những người người dễ bị tổn thương.
Trước đó vào ngày 25.1, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 225 triệu người bị mất công việc chính thức trong năm 2020. Tờ Washington Post (Mỹ) nhận định, hệ lụy này nghiêm trọng gấp 4 lần so với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Để đối phó với những thách thức đang diễn ra, IMF cho rằng các chính sách hỗ trợ hiệu quả cần đảm bảo cho đến khi quá trình phục hồi được diễn ra một cách chắc chắn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi giảm phụ thuộc vào các-bon, hợp tác đa phương mạnh mẽ để kiểm soát đại dịch trên toàn cầu, thực hiện tái cơ cấu nợ hay giãn nợ cho các nước nghèo mà nhóm các nền kinh tế lớn G-20 đã thông qua vào cuối năm ngoái…
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ kinh phí cho liên minh vắc xin (COVAX) để tăng tốc khả năng tiếp cận vắc xin cho tất cả các quốc gia, cũng như tạo điều kiện tiếp cận phương pháp điều trị dịch bệnh với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người.