Hội nghị WEF 2021: Xây dựng niềm tin, phát triển bền vững
(QNO) - Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bắt đầu hôm nay (25.1), song được diễn ra trực tuyến thay vì tập trung như thường lệ tại khu trượt tuyết Davos của Thụy Sĩ do đại dịch Covid-19.
Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 50 thành lập, Hội nghị WEF hay Diễn đàn kinh tế Davos được tổ chức online và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu diễn ra online từ ngày 25 - 29.1 và giai đoạn 2 dự kiến sẽ diễn ra trực tiếp (mặt đối mặt) tại Singapore vào cuối tháng 5 tới.
Hội nghị WEF lần thứ 51 (WEF-51) năm 2021 diễn ra trong bối cảnh thế giới chật vật đối phó với đại dịch Covid-19 đến nay khiến gần 100 triệu người mắc với hơn 2 triệu trường hợp tử vong.
Đại dịch khiến hàng triệu sinh kế bị cắt đứt và gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu. Do đó, WEF-51 có chủ đề: “Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin” với sự tham gia trực tuyến của hơn 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự được kỳ vọng sẽ thảo luận các vấn đề giúp thúc đẩy hồi phục xanh, bền vững sau đại dịch Covid-19. Như tờ DW của Đức viết, Davos 2021 hướng tới mục tiêu hàn hắn vết thương dại dịch, gắn kết vì sự phát triển bền vững.
Ngay trước thềm hội nghị, Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF - Klaus Schwab phát biểu: “Bước đầu tiên chúng ta phải thực hiện là khôi phục lòng tin. Nhưng để khôi phục lòng tin, trước tiên chúng ta phải củng cố hợp tác đa phương. Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả mọi người đều đang đóng góp vào việc định hình một tương lai tích cực hơn: chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và cả thế hệ trẻ...”. Bởi vậy, WEF-51 cũng sẽ kết nối ảo tới 400 thành phố trên khắp thế giới để cập nhật từ một thế hệ trẻ hơn.
Trước thách thức và khó khăn của toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch, diễn đàn năm nay tập trung đến các vấn đề tiêm phòng Covid-19; tạo việc làm, hồi phục kinh tế linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn; ứng dụng công nghệ số, tạo ra xã hội công bằng hơn; đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế; biến đổi khí hậu. Đồng thời WEF mô tả hội nghị lần này như một “cuộc điều chỉnh vĩ đại” nhằm đại tu nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.
WEF cũng vừa công bố những rủi ro toàn cầu năm 2021, bao gồm dịch bệnh truyền nhiễm, thất nghiệp, thời tiết cực đoan, an ninh mạng và bất bình đẳng kỹ thuật số. Đây sẽ là những yếu tố mà các chính phủ cần tính đến trong hoạch định chính sách thời hậu dịch bệnh.
Một ngày trước hội nghị đã diễn ra lễ trao giải thưởng Crystal (trực tuyến) để vinh danh các nghệ sĩ có đóng góp tiêu biểu nhằm cải thiện hiện trạng của thế giới. Năm nay, kiến trúc sư người Anh gốc Phi David Adjaye và nghệ sĩ nhiếp ảnh Brazil Sebastiao Salgado là những người được vinh danh.