Không có gì trôi mất

QUẾ HÀ 17/01/2021 06:54

Sau gần 40 năm dốc hết tâm lực, trí lực để viết…, dù chọn thể loại nào đi chăng nữa, viết về vùng đất, về một con người nào đó, theo nhà văn Hồ Duy Lệ “Viết là để tưởng nhớ và biết ơn!”

Nhà văn Hồ Duy Lệ, nguyên là sinh viên Luật khoa Đại học Huế (1963 - 1965), cơ sở cách mạng của Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, từng bị bỏ tù ở các trại giam Huế, Đà Nẵng..., từng bị Nguyễn Chánh Thi - Thiếu tướng Tư lệnh Vùng I chiến thuật, trực tiếp tra khảo đến gãy cả baton. Bởi vậy, với tư cách người trong cuộc, những tác phẩm của anh được miêu tả như một bức tranh chân thực và đầy chi tiết sống động về cuộc chiến tranh. 

Nhà văn Hồ Duy Lệ kể chuyện về nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Ảnh: Q.H
Nhà văn Hồ Duy Lệ kể chuyện về nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Ảnh: Q.H

Những gương mặt Nhân dân

Hồ Duy Lệ từng nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc và kiêu hãnh được đứng vào hàng ngũ những con người kiên cường dám vùng lên đòi quyền được sống, quyền được làm người. Từ trong trái tim mình, tôi đã chấp nhận tham gia vào cuộc chiến đấu này rồi, bắt đầu cái đêm tháng 8.1965…”. Đến tháng 7.1968, anh là phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà, lúc đó “Phóng viên làm việc như một cán bộ Tuyên huấn”, đi đâu mà giới thiệu phóng viên thì mọi người đều rất trân quý. Anh tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, chứng kiến đồng đội hy sinh, trong đó có rất nhiều phóng viên, văn nghệ sĩ. Để rồi sau ngày giải phóng, anh đã dồn nhiều tâm huyết để đi tìm và đưa đồng đội về nơi yên nghỉ.

Dù là bút ký, ký sự, hồi ký, ký sử… anh đều dùng vốn sống ấy, dòng nhiệt huyết ấy, để ghi chép lịch sử về vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Những tác phẩm của anh là mỗi câu chuyện, mỗi kỳ lịch sử của dân tộc, của đất nước, mỗi nhân vật có tên và không tên, nhưng có giá trị lớn trong việc làm rõ, bổ sung những sự kiện lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, phát huy giá trị yêu nước của thế hệ trẻ.  

Dấu ấn trong hành trình văn chương của anh có thể kể đến “Cát xanh” (1994), “Trong lớp bụi thời gian” (2000), “Những người sót lại” (2002), “Chuyện kể ngày nào”, “Hoa xương rồng trên cát” (2004), “Mạ tôi” (2006), Mười Chấp và một thời” (2008), “Lửa Núi Thành” (2011), “Không gì trôi đi mất” (2012), “Dặm trường gian truân” (2015), “Đường về Đà Nẵng” (2018), “Trụ lại” (2019) và “Nơi có cát bay, sóng vỗ” (2020). Trong mười ba tập sách, là ngàn hàng câu chuyện, những mốc son lịch sử, những con người thầm lặng, vô danh như chị tiểu thương, anh sinh viên yêu nước, cậu bé liên lạc... Những anh hùng  như Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng, Mười Chấp, Hà Kỳ Ngộ, Cao Sơn Pháo (Bùi Tùng), Tư Thuận (Trương Chí Cương), Mười Khôi (Phạm Khôi), tướng Nguyễn Chánh, Lê Công Cơ, Phan Chánh Dinh, Vĩnh Kha, Năm Dừa, Ngô Tấn Kháng... Những con người chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng nhưng là anh hùng trong lòng dân như Lê Độ, Hồ Trượng…

“Những gương mặt Nhân dân”, anh đặc biệt chú ý, xuất hiện đi cùng những hoạt động của phong trào cách mạng. Với chủ trương của Đảng lúc bấy giờ là bám vào Nhân dân để hoạt động, để đấu tranh, anh cho rằng, chỉ có một Nhân dân tốt đến mức tuyệt vời, yêu nước bẩm sinh, giản dị như thở khí trời, thì mới vượt qua nổi. Như những đội quân tóc dài, “chỉ biết tiến, không biết lùi”, những người buôn bán “đi chợ, không bán, không mua”, mà đi đấu tranh với địch, những người dân trụ bám “một tấc không đi, một ly không rời”, và những người dân bình thường khác cùng chung sức đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ và chư hầu. Những thân phận người sống sót sau chiến tranh, với bao nỗi hàm oan như Cao Sơn Pháo, Ngô Tấn Kháng, Nguyễn Kim Khánh, nguyên Bí thư Thị ủy Hội An… để lại người đọc bao day dứt.

Thông điệp “không được quên”

Trong hồi ký văn học “Không có gì trôi đi mất” không chỉ phản ánh, tái hiện khá sinh động hình ảnh phong trào tranh đấu công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Trung tại Đà Nẵng từ 1954 - 1975, mà còn có cả những diễn biến bao gồm thành quả và không ít hệ lụy của con người cùng sự việc đến tận hôm nay. Còn ở “Dặm trường gian truân” (giải nhất Hội Nhà văn Việt Nam - 2015), Hồ Duy Lệ chỉ cốt sao ghi lại cho hết, cho chi tiết, đừng quên ai, đừng quên sự việc nào để lưu dấu một chặng đường lịch sử gian truân, đẫm máu và nước mắt. Bởi nhiều người còn bàng quan, đứng ngoài cuộc, nhưng lương tâm chúng ta không yên, nếu chúng ta quên cái “dặm trường gian truân” đầy máu, nước mắt, đầy hy sinh vì quê hương thân yêu…

Trong bút ký “Đường về Đà Nẵng” (giải ba Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần 3), những sự kiện diễn ra với những tháng ngày dầu sôi lửa bỏng, hiện rõ lên mồn một từng ngã tư, từng con hẻm... Đó là thời điểm những năm 1963 - 1964, với các cuộc đấu tranh “9 ngày làm chủ”; năm 1966, với “76 ngày làm chủ”; năm 1968, với chiến dịch “Tổng công kích, tổng nổi dậy”. Những năm 1970, với các cuộc xuống đường chống trò hề độc diễn, chống Thiệu - Kỳ - Có... Người đọc hình dung được một giai đoạn lịch sử bi tráng ở Quảng Nam -  Quảng Đà - một vùng đất ác liệt, được mệnh danh là “Nhất Củ Chi, nhì Quảng Đà”. Ở tác phẩm “Trụ lại”, được trao giải đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam, đề cập những dấu mốc không quên của phong trào cách mạng vũ trang ở Quảng Nam - Đà Nẵng, từ phong trào kháng chiến chống Pháp, cho đến kháng chiến chống Mỹ. Từ những tổ chức Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, buổi đầu sơ khai, những năm 1927, đến việc hình thành những chi bộ Đảng đầu tiên thời kháng Pháp, giai đoạn trước và sau khi có Hiệp định Giơnevơ (1954) - chia Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, với nỗi đau ứa máu, nỗi nhớ khôn cùng… Cho đến những cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang, Tổng công kích, Tổng tiến công nổi dậy long trời... thời kỳ chống Mỹ. Các câu chuyện được kể theo trình tự thời gian có tính biên niên, bám chặt thực tế cuộc sống và chiến đấu qua từng chặng đường, từng giai đoạn, với những bước ngoặt trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, một thời.

Còn ở tập ký sự văn học “Mười Chấp và một thời”, được trao giải A Giải thưởng VHNT Đất Quảng, lần thứ I, Hội đồng Giám khảo có nhiều lời khen ngợi: “Bằng lối viết chặt chẽ mà sinh động, với một tình yêu sâu sắc và lòng kính trọng đối với nhân vật của mình, công phu sưu tầm tài liệu, không tầm thường hóa cũng không cường điệu, giữ được độ kìm chế, sự chừng mực khá chắc tay, có thể nói Hồ Duy Lệ đã thành công trong việc dựng nên chân dung một người anh hùng độc đáo và cắt nghĩa một cách khá thuyết phục hiện tượng có ý nghĩa điển hình của con người Quảng Nam trong chiến tranh”.

Thôi thúc từ trái tim

Một trang sử kỳ lạ! Người ngã xuống không gọi là chết mà gọi là hy sinh. Người sống, thật xứng danh anh hùng! Chính vì lẽ đó, trong quyển sách nhỏ này, tôi dành nhiều trang nhắc đến tên những người ở lại, biết rằng, không tài nào nhắc hết tên mọi người, những chiến công thầm lặng, những hy sinh mất mát không lấy gì cân đo, không tài nào bù đắp. Tựu trung là, viết là để tưởng nhớ và biết ơn!

(Trích “Nơi có cát bay và sóng vỗ”) 

Nhà văn Hồ Duy Lệ có một lợi thế là người trong cuộc. Bút ký, hồi ký, ký sự văn học, hay ký sử, anh đều thành công. Có người gọi anh là nhà văn của các loại ký. Cái tài tình của tác giả thu thập, sắp xếp tư liệu luôn được kiểm chứng, hợp lý, xâu chuỗi, liên kế; những câu chuyện, lời kể chân thực, nhưng cũng đầy cảm xúc, cùng chi tiết phong phú về năm tháng hào hùng và đầy nghiệt ngã của cuộc chiến. Tất cả vốn sống ấy và những trang văn đã thể hiện, cho thấy dòng nhiệt huyết của một nhà văn trưởng thành từ nghề báo.

Văn viết về lịch sử, không một chút phô trương, khô khan mà giúp mỗi người đọc tìm lại giá trị truyền thống, vì thế có sức sống lâu bền, neo giữ trong lòng người đọc những tình cảm trân trọng. Lịch sử sẽ có giá trị hơn khi nó được phản ánh một cách đầy đủ và chân thực, nhưng lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn, lôi cuốn nếu như nó được ghi chép bằng những câu chuyện một cách sinh động, mang lại những rung cảm cho người đọc. Mỗi tác phẩm của anh, là những dư vị khác nhau, ngồn ngộn cảm xúc, nồng ấm tin yêu, để lại biết bao niềm vui, nỗi nhớ và cả những day dứt.  Và, điều còn lại là nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, “Người ta sẽ ứng xử ra sao với sự thật ấy, trên hành trang bước đến tương lai? “Viết để hậu thế có một cách hành xử phù hợp, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử”.

QUẾ HÀ