Di sản ẩm thực đường phố của Singapore

NAM VIỆT 17/01/2021 06:42

Văn hóa ẩm thực đường phố (Hawker) là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Singapore, cũng là nét văn hóa độc đáo mà hầu hết khách du lịch đến đảo quốc này muốn khám phá.

Một trung tâm ẩm thực đường phố ở Singapore.Ảnh: Alamy
Một trung tâm ẩm thực đường phố ở Singapore.Ảnh: Alamy

Người dân Singapore càng tự hào hơn khi văn hóa ẩm thực đường phố (hay còn gọi văn hóa ẩm thực bình dân, văn hóa hàng rong) chính thức được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12.2020. Không gian hay trung tâm ẩm thực đường phố tại Singapore được ví như “phòng ăn cộng đồng”. Bởi đây không chỉ là nơi mọi tầng lớp xã hội, lứa tuổi, bạn bè, người thân, gia đình tụ tập để thưởng thức các món ngon rẻ mà cũng là cơ hội trò chuyện, giao lưu và gắn kết tình yêu chung của họ đối với ẩm thực, thúc đẩy gắn kết xã hội.

Qua thời gian sự kết hợp độc đáo giữa ẩm thực, không gian và cộng đồng này đã phát triển thành một mô hình thu nhỏ của xã hội đa văn hóa của Singapore, với các quầy bán thức ăn đa dạng và phong phú của người Hoa, Mã Lai, Ấn Độ. Nói cách khác, nhiều món ăn đường phố này có nguồn gốc từ văn hóa ẩm thực của các nhóm người nhập cư khác nhau đến Singapore, theo nhiều thế hệ, chúng phát triển để trở thành những món đặc sản của địa phương và tạo thành một phần quan trọng trong di sản ẩm thực của Singapore.

Nguồn gốc văn hóa ẩm thực đường phố ở Singapore có thể bắt nguồn từ giữa những năm 1800, khi những người bán hàng rong ruổi trên các con phố bán đồ ăn, kiếm kế sinh nhai. Đó là một nghề phổ biến của nhiều người nhập cư vì nó không đòi hỏi phải bỏ nhiều vốn và chỉ cần kỹ năng tối thiểu. Từ năm 1968 đến năm 1986, Chính phủ Singapore cấp phép và tái định cư các hàng rong thành các chợ và trung tâm bán hàng rong với điều kiện vệ sinh và tiện nghi phù hợp, từ đó nhiều món ăn được phát triển. Kế thừa tiền bối, những người trẻ nối tiếp văn hóa ẩm thực đường phố Singapore, phát triển đa dạng món ăn với cách chế biến hay trang trí hấp dẫn và bắt mắt hơn để đáp ứng nhu cầu ẩm thực. Song, hương vị và hồn cốt của những món ăn truyền thống luôn được chắt chiu, gìn giữ.

Ngày nay, có hơn 100 trung tâm ẩm thực trên đảo quốc của khoảng 5,5 triệu dân này. Những món ăn đường phố không thể bỏ qua đối với cả người dân địa phương và du khách phải kể đến mì thịt bằm với sốt sambal (một loại tương ớt hoặc bột nhão của Indonesia), cua sốt ớt, cơm dừa, cơm gà Hải Nam, mì laksa, mì xào hải sản hokkien, bánh kaya nướng. Văn hóa ẩm thực đường phố Singapore được gìn giữ bởi sự ủng hộ và chung tay của các cá nhân, đặc biệt là những người bán hàng ăn, của các tổ chức và chính phủ. Bà Kok, một chủ hàng ẩm thực ở Singapore nói: “Chúng tôi tự hào và trân trọng văn hóa ẩm thực đường phố độc đáo của đất nước xinh đẹp này. Những người như chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ và lưu lại giá trị văn hóa và di sản cho thế hệ mai sau cũng như quảng bá văn hóa Singapore với bạn bè quốc tế”.

Bên cạnh việc liên tục quảng bá văn hóa ẩm thực đường phố thông qua các sự kiện toàn quốc và quốc tế như Lễ hội ẩm thực Singapore, nhiều dự án, chương trình nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đặc sắc văn hóa này được giới thiệu tại các trường học, thành lập các lớp đào tạo văn hóa, di sản ẩm thực cho thanh niên. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore vừa phát động kế hoạch kế thừa ẩm thực đường phố, nơi những người bán hàng kỳ cựu chia sẻ và truyền đạt kỹ năng, công thức nấu ăn và kiến thức kinh doanh...

NAM VIỆT