Trái đất quay nhanh hơn, các nhà khoa học muốn rút ngắn 1 phút xuống còn 59 giây
(QNO) - Một số nhà khoa học tin rằng thêm hoặc bớt “giây nhuận” là cách tốt nhất để điều chỉnh thời gian trên trái đất.
Trái đất đã hoàn thành vòng quay của mình trong chưa đến 24 giờ trong năm 2020, và dự kiến sẽ còn nhanh hơn trong năm 2021. Theo Time and Date, ngày 19.7 là ngày ngắn nhất ghi nhận trong năm 2020, khi trái đất hoàn thành xong một vòng nhanh hơn 1,4602 mili giây so với thông thường.
Trái đất được tác động bởi các lực giao nhau từ rất nhiều thứ, từ mặt trăng đến mặt trời và các yếu tố như hình dạng của chính Trái đất đến cách thủy triều di chuyển. Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến các sông băng tan chảy, khối lượng nước được phân bố lại góp phần khiến trái đất dịch chuyển và quay nhanh hơn.
Vì vậy các nhà khoa học đề xuất nên xem xét việc rút ngắn cách tính phút xuống chỉ còn 59 giây, ít nhất bớt một "giây nhuận âm" sẽ giúp thế giới vận hành phù hợp hơn với vòng quay thực của trái đất.
Một giây đối với thực tế cuộc sống có thể không tạo ra quá nhiều sự khác biệt nhưng trong khoa học, con số này thật sự quan trọng. Theo New York Post, một giây được thêm vào hệ thống máy chủ vào năm 2012 đã gây ra sự cố trên một số trang web bao gồm Reddit, Yelp và LinkedIn, đồng thời làm gián đoạn những người sử dụng hệ điều hành Linux và phần mềm sử dụng Javascript.
Hầu hết các ngôn ngữ lập trình đều có cách tính giờ dựa trên đồng hồ vật lý bên trong chính máy tính. Khi đồng hồ của máy tính nhanh hoặc chậm hơn thời gian thực, dữ liệu đang di chuyển qua CPU với tốc độ hàng triệu hoặc hàng tỷ byte mỗi giây sẽ tạo ra xung đột.
Câu hỏi về giây nhuận vẫn đang gây tranh cãi, bởi vì một số nhà khoa học tin rằng chỉ cần điều chỉnh sự khác biệt micro giây thay vì cả một giây. Để đưa ra tiêu chuẩn một cách khoa học, hội đồng các nhà khoa học sẽ tổ chức hội nghị vào năm 2023 để thống nhất cách tính.