Phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề tham nhũng vặt

NGUYÊN ĐOAN 13/01/2021 09:36

(QNO) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra.

Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng cán bộ ngành thanh tra tỉnh dự hội nghị. Ảnh: N.Đ
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng cán bộ ngành thanh tra tỉnh dự hội nghị. Ảnh: N.Đ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, toàn hệ thống thanh tra đã có nhiều thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể, có những kết luận thiết thực, đóng góp cho việc lập lại kỷ cương, phép nước; đặc biệt là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng (PCTN), tạo được niềm tin cho nhân dân.

Theo Thủ tướng, trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã rất quan tâm xây dựng thể chế pháp luật để trình Chính phủ, hoặc để Chính phủ trình Quốc hội ban hành, tạo hệ thống văn bản pháp lý quan trọng để tiến hành công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tinh thần trách nhiệm, sự tích cực triển khai giải quyết những vấn đề nổi cộm xã hội, nhất là công tác PCTN vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có những kết quả quan trọng, làm cơ sở cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo xử lý theo đúng quy định pháp luật; góp phần quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng và phát hiện, xử lý tham nhũng. Số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng 83,4%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng 5,7 lần, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục tăng 56,9% số vụ việc và 92,1% số đối tượng so với cùng kỳ.

Thủ tướng khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh PCTN…

Ngành thanh tra cũng đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Theo đó, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với trước; số lượt công dân khiếu nại, tố cáo giảm 10,4%, khiếu nại đông người giảm 18%; số đơn giảm 11,6%; số vụ khiếu nại, tố cáo giảm 11,8%.

Về mặt hạn chế, Thủ tướng cho rằng, một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Nhiều cuộc triển khai chậm so với kế hoạch. Công tác quản lý nhà nước đối với đoàn thanh tra, hoạt động thanh tra còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc đôn đốc xử lý sau thanh tra các bộ, ngành, địa phương còn thấp. Một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tình hình khiếu nại phức tạp.

Theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Do đó, phải có những cách làm, phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề tham nhũng vặt. Chúng ta đã ngăn chặn được một bước, nhưng phải tiếp tục chú trọng vào một số khâu, một số việc; đặc biệt, cán bộ thanh tra phải làm gương hơn về tính kỷ cương, kỷ luật công vụ…

Về nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn ngành thanh tra tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ. Trong đó, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra sát đúng, phục vụ thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; trong đó có việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021 - 2025).

Thủ tướng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền, các bộ cần quan tâm hơn nữa đến tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thanh tra, chứ không phó mặt, phải lắng nghe định kỳ để giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Năm 2020, toàn ngành triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830ha đất (đã thu hồi 9.388 tỷ đồng, 118ha đất).

Xuất toán, loại khỏi quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và 485 cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 7.164 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực.

NGUYÊN ĐOAN