Thiết thực hỗ trợ người nghèo

LÊ NHƯ THỦY 12/01/2021 03:45

“Hỗ trợ nuôi bò giống sinh sản” là một trong những mô hình giảm nghèo vừa tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, vừa khẳng định vai trò của Mặt trận, các tổ chúc thành viên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca tặng bò cho hộ nghèo tại Đại Lộc. Ảnh: V.ANH
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca tặng bò cho hộ nghèo tại Đại Lộc. Ảnh: V.ANH

Sâu sát cơ sở

Để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2017, Mặt trận tỉnh chọn xã Đại Tân (Đại Lộc) triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ nuôi bò giống sinh sản” đến 30 hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng.

Sau 3 năm triển khai  thực hiện (2017 - 2020), 30 con bò giống phát triển tốt, đẻ được 26 con bê con và 4 con bò mẹ đang mang thai. Nhiều hộ đã bán bê con để có nguồn vốn nuôi thêm gia cầm, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình. Đến cuối năm 2020, trong tổng số 22 hộ nghèo nhận bò giống, đã có 17 hộ thoát nghèo.

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ, những ngày đầu khởi thảo dự án, Mặt trận tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với huyện Đại Lộc, xã Đại Tân tổ chức đối thoại với người dân ở các thôn đặc biệt khó khăn như Nam Phước, An Chánh, Xuân Tây và Phú Phong. Qua đó phổ biến mục đích của dự án nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp khó khăn phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Các hộ dân thụ hưởng dự án phải tự nguyện viết đơn cam kết thoát nghèo và hoàn trả một phần chi phí khi kết thúc dự án để tiếp tục nhân rộng mô hình giảm nghèo đến các hộ khác trên địa bàn xã...

Trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của người dân tại các buổi đối thoại, Mặt trận tỉnh đã lựa chọn và xây dựng phương án triển khai theo hình thức trao quyền chủ động cho hộ dân, người dân được tiếp cận, lựa chọn bò giống. Ban chỉ đạo dự án xã Đại Tân thành lập đoàn thẩm định, nghiệm thu trước khi ký kết hợp đồng, sau đó mới giao bò. Chủ trì tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò giống sinh sản cho đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn tận tình cách chăm sóc bò giống... Dịp này, Mặt trận tỉnh cũng kết hợp trao đổi, chia sẻ với người dân về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh và quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân khi tự nguyện viết đơn cam kết thoát nghèo...

Hiệu quả thiết thực

Mô hình “hỗ trợ chăn nuôi bò giống sinh sản” đã thật sự đem lại hiệu quả về kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về mục tiêu giảm nghèo. Trước khi tham gia mô hình, hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, chưa có việc làm trong thời gian nhàn rỗi, chưa có kỹ thuật chăn nuôi, chưa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Sau khi tham gia mô hình, các hộ đã có việc làm ổn định, chủ động tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để nuôi bò, thu nhập của hộ gia đình tham gia mô hình giảm nghèo tăng 20 - 25%/năm. Mô hình giảm nghèo này đã phát huy được vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam trong việc chung tay giảm nghèo.

Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo, 100% hộ gia đình tham gia dự án hoàn trả đầy đủ kinh phí đã cam kết khi nhận bò giống và mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn xã để nhiều hộ được tiếp cận nguồn vốn. Hiệu quả của mô hình và mong muốn của người dân đã được hưởng lợi cho thấy chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ cần phải được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế, vận hành chính sách theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực, hướng dẫn. Bản thân người nghèo phải chủ động vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Hy vọng rằng từ kết quả thực hiện mô hình giảm nghèo ở xã Đại Tân, chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh cần phải tăng cường bố trí mức vốn phù hợp, đủ lớn để triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hoặc nhân rộng các mô hình có khả năng giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu đất sản xuất để giảm nghèo bền vững” - ông Lê Thái Bình bày tỏ.

LÊ NHƯ THỦY