Không để "khủng hoảng" an ninh nước sạch

TRẦN HỮU 10/01/2021 06:02

Tài nguyên nước đang bị khai thác tùy tiện, cộng với cơ chế đầu tư, quản lý, vận hành chưa hợp lý đã trở thành thách thức, đe dọa an ninh nguồn nước sạch. Nhận diện được thực trạng đó, Quảng Nam đã định hướng quy hoạch cấp nước sạch tập trung đến năm 2030 và cụ thể hóa bằng các cơ chế chính sách ưu đãi, xã hội hóa đầu tư mạng lưới cấp nước từ đô thị đến nông thôn, từ miền núi xuống đồng bằng.

Dự án nhà máy nước Phú Ninh là một trong ít dự án do tư nhân đầu tư, quản lý vận hành. Ảnh: H.P
Dự án nhà máy nước Phú Ninh là một trong ít dự án do tư nhân đầu tư, quản lý vận hành. Ảnh: H.P

DÈ DẶT MỞ RỘNG KHÔNG GIAN

Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nhưng người dân bất khả kháng phải sử dụng, trong khi các doanh nghiệp thì lại “rụt rè” đầu tư mạng lưới cấp nước tập trung ở khu vực thưa dân cư.

Vùng lõm… nước sạch

Hơn 10 năm nay, người dân sống dọc vùng ven sông Trường Giang qua địa bàn các xã Tam Hòa, Tam Xuân 2, Tam Hải (Núi Thành) phổ biến dùng nước sinh hoạt hàng ngày từ giếng đào, giếng khoan. Để hạn chế tình trạng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, bà con xây bể lọc. Nhiều hộ lấy nước từ giếng khoan để tắm, giặt quần áo; còn nước để ăn uống phải mua nước bình, hay khai thác vận chuyển về từ nơi khác.

Hộ ông Nguyễn Văn Sơn (thôn An Khuôn, xã Tam Xuân 2) nói: “Từ xưa đến nay, hầu như cả làng sử dụng nước nhiễm phèn để tắm rửa, giặt giũ. Trước đây, đường ống công trình nước sạch của tổ chức Đông Tây hội ngộ dẫn đến tận nhà dân, nhưng do nhu cầu sử dụng quá lớn, công suất thiết kế nhà máy nhỏ, nước chảy về lại nhỏ giọt nên bà con ngán ngẩm không sử dụng nữa. Nước uống thì phải ra khu vực gần chợ Bà Bầu mua về”.

Cử tri tại các thôn An Khuôn, Bà Bầu, Vĩnh An, Thạch Kiều của xã Tam Xuân 2 nhiều lần bức xúc về ô nhiễm nguồn nước ngầm, kiến nghị Nhà nước đầu tư mới, hoặc nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch. Tương tự, nhiều thôn của xã Tam Hòa cũng cùng chung “số phận” dùng nước nhiễm bẩn.

Theo UBND xã Tam Hòa, trước đây tổ chức Đông Tây hội ngộ hỗ trợ hạng mục cấp nước sinh hoạt tập trung và giao cho HTX nông nghiệp Tam Hòa  quản lý. Tuy vậy, việc ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng khiến nguồn nước nhiễm mặn gây phèn ngày càng nghiêm trọng.

Tại huyện Núi Thành (trừ khu vực thị trấn Núi Thành) hầu hết địa bàn đều sử dụng nguồn cấp nước sạch từ các bể chứa nước do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ trước đây. Các công trình này có công suất thiết kế nhỏ, đã xuống cấp, không đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Kết quả quan trắc của Sở TN&MT cho thấy, nhiều năm qua một số khu vực ven biển không đảm bảo chất lượng nguồn nước dưới đất, nhưng người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng giếng khoan do nơi đây chưa đầu tư mạng lưới nước sạch tập trung.

Các hộ ông Đoàn Thông, Nguyễn Bá Lời, bà Trần Thị Ngãn ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) nhiều năm dùng nước giếng có nhiều chỉ số hóa học bị ô nhiễm. Đáng lưu ý, giếng nhà ông Nguyễn Bá Lời, theo kết quả quan trắc, hàm lượng amoni, kim loại Mn, vi sinh trong nước đều vượt giới hạn cho phép vào các thời điểm quan trắc. Theo nhận định của cơ quan quan trắc, có thể do nguồn nước ngầm được lấy gần các công trình vệ sinh, gần vùng nuôi trồng thủy sản.

Tại xã Đại Minh (Đại Lộc), vào mùa khô hạn hàng năm, có hơn 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt dai dẳng. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay. Tréo ngoe ở chỗ, một công trình nước sạch đầu tư xây dựng năm 2003 ở sát trụ sở UBND xã này hiện vẫn bỏ hoang, không đưa vào vận hành, sử dụng do nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Sở Xây dựng cho rằng, vùng lõm nước sạch nằm chủ yếu ở khu vực miền núi, nông thôn - nơi theo thống kê giai đoạn 2016 – 2020 có 150 công trình nước sạch tập trung được đầu tư, nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp, cộng với 71 công trình đã đầu tư nhưng bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Do nguồn nước bị nhiễm phèn người dân ở thôn An Khuôn, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) nhiều năm nay phải mua nước bình về dùng sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: H.P
Do nguồn nước bị nhiễm phèn người dân ở thôn An Khuôn, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) nhiều năm nay phải mua nước bình về dùng sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: H.P

Dè dặt đấu nối nước sạch

Đâu chỉ khu vực miền núi, nông thôn thiếu dự án nước sạch tập trung mà một số vùng đô thị cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người dân ở thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh) hiện chưa mặn mà đấu nối nước sạch từ nhà máy sản xuất tập trung. Nhà máy nước Phú Thịnh có công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, lấy nước thô từ kênh chính Phú Ninh. Tuy nhiên, thời điểm này nhà máy chỉ sản xuất chưa được nửa công suất so với thiết kế.

Theo thống kê, chỉ có hơn 20% số hộ dân thị trấn Phú Thịnh ký kết hợp đồng dùng nước sạch lâu dài với nhà máy. Còn nhà máy nước Nam Phước (Duy Xuyên) đã được đầu tư, nâng cấp, chủ yếu lấy nước thô từ sông Thu Bồn. Nhưng theo thống kê của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam (chủ đầu tư nhà máy nước Nam Phước), tỷ lệ người dân nội thị Nam Phước dùng nước máy chỉ đạt 33%.

Sở Xây dựng cho biết, tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch còn thấp do người dân còn thói quen khai thác sử dụng nước từ các hệ thống giếng khoan, giếng đào, nước suối. Tỷ lệ dân số nông thôn của tỉnh sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia chỉ chiếm 45%.

Ông Nguyễn Phú – Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, hầu hết dự án đầu tư nước sạch tập trung thời gian qua theo Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh ngày 11.12.2015 về cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016 – 2020 đều thuộc phạm vi vùng đô thị. Trong khi chủ trương chung của Chính phủ và Quảng Nam là kêu gọi đầu tư để phát triển cấp nước ra khu vực nông thôn để nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

Giải thích về việc các địa phương miền núi “khủng hoảng thiếu” công trình nước sạch, ông Phú cho rằng, do chi phí đầu tư ở vùng cao lớn, số lượng đấu nối sử dụng nước thấp, dẫn đến giá thành sản xuất nước sạch cao (hơn 10.000 đồng/m3). “Việc phê duyệt giá nước quá cao khiến  người dân không có khả năng chi trả. Doanh nghiệp thấy kinh doanh không hiệu quả nên không đầu tư” - ông Phú nói.

CẦN ĐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC ĐẦU TƯ

Các cơ chế, chính sách của tỉnh thời gian qua hướng đến xây dựng môi trường đầu tư nước sạch tập trung lành mạnh, nhằm tránh độc quyền kinh doanh nguồn nước.

Thiếu đồng đều

Quy hoạch mạng lưới cấp nước tập trung hình thành theo liên kết vùng. Đó là khu vực Duy Xuyên – Điện Bàn – Hội An, với sự vận hành của 5 nhà máy nước (Trảng Nhật, Hội An, Duy Xuyên, Vĩnh Điện cơ sở 1 và Vĩnh Điện cơ sở 2, KCN Điện Nam – Điện Ngọc). Khu vực Tam Kỳ - Núi Thành quy hoạch 3 nhà máy nước với công suất 135.000m3/ngày đêm (Tam Hiệp, Chu Lai (Núi Thành) và Tam Kỳ).

Các huyện còn lại mỗi địa phương quy hoạch 1 nhà máy cấp nước. Hiện nay, khu vực trung tâm 10 huyện (Đại Lộc, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Nam Trà My và Tiên Phước) đều đã xây dựng nhà máy nước theo quy hoạch được duyệt. Trong khi đó, trung tâm huyện Đông Giang, Bắc Trà My, Nông Sơn lại chưa có công trình cấp nước sạch tập trung do đang sử dụng từ các hệ thống của các tổ chức tài trợ với công nghệ xử lý lạc hậu.

Quảng Nam hiện có 4 doanh nghiệp tư nhân là chủ sở hữu quản lý, vận hành hệ thống cấp nước đô thị, gồm Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam; Công ty CP BOO Phú Ninh chủ đầu tư nhà máy nước Phú Ninh; Công ty CP Giải pháp công nghệ tái tạo ở KCN Tam Thăng; Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc.

Nắm giữ điều hành và khai thác các nhà máy nước tập trung lớn nhất tỉnh hiện nay là Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam. Doanh nghiệp này đang quản lý 9 hệ thống cấp nước trên địa bàn Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh, Nam Phước, Thạnh Mỹ, Khâm Đức, Hà Lam và 2 hệ thống cấp nước đang đầu tư phục vụ Đô thị Điện Nam – Điện Ngọc và Tam Hiệp.

Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam - ông  Ngô Đức Trung đề xuất cho phép công ty được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư theo Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh với 2 dự án nhà máy nước Tam Hiệp và Điện Nam - Điện Ngọc. Mặt khác, chủ đầu tư này còn kiến nghị tỉnh giao quyền quản lý vận hành và tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy nước Ái Nghĩa (Đại Lộc).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá, mặc dù UBND tỉnh ban hành nhiều dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, nhưng dự án đăng ký thực hiện còn khá ít. Các dự án được hưởng lợi theo cơ chế của Nghị quyết số 180 HĐND tỉnh chủ yếu do Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam làm chủ đầu tư. Trong khi chủ trương chung của Chính phủ và Quảng Nam là kêu gọi đầu tư để phát triển cấp nước ra khu vực nông thôn và miền núi.

Khó khăn xử lý nước ô nhiễm

Giai đoạn 2016 – 2020, nhiều dự án được hưởng lợi các ưu đãi về chính sách đất đai, các loại thuế khi triển khai Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh. Đơn cử các dự án tuyến ống cấp nước đấu nối khu tái định cư Duy Hải (Duy Xuyên); dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch thị trấn Núi Thành và các xã Tam Anh Bắc, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 (Núi Thành); nâng cấp, mở rộng nhà máy nước Hà Lam; mở rộng mạng lưới cấp nước sạch ở xã Duy Phước và thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên); dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại xã Điện Minh và Điện Hòa (Điện Bàn); công trình phường Điện Ngọc và Điện Dương (Điện Bàn); mở rộng đường ống cấp nước thị trấn Hà Lam và các xã Bình Quý, Bình Phục (Thăng Bình).

Ngoài ra, Công ty CP Cấp nước Quảng Nam đang thực hiện các thủ tục đầu tư một số dự án theo danh mục đã được tỉnh phê duyệt như xây dựng trạm xử lý bổ sung cho thị trấn Thạnh Mỹ; hạng mục cấp nước sạch cho các thôn Bích Nam và Bích Ngô (xã Tam Xuân 2).

Đã xuất hiện sự lúng túng trong xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc bị cạn kiệt vào mùa khô hạn. Ô nhiễm nguồn nước do xả thải thiếu hoặc không kiểm soát diễn ra ở tất cả lưu vực sông, gây ra tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Các đợt nắng nóng cục bộ xảy ra vừa qua, khiến nguồn nước bị cạn kiệt, hậu quả là các nhà máy nước Thăng Bình, Duy Xuyên bị động tìm nguồn thay thế.

Thực tế mùa khô năm 2019 và 2020, nguồn nước sông Vĩnh Điện, sông Thu Bồn bị nhiễm mặn hoặc ô nhiễm ở một số chỉ số hóa học nên các nhà máy nước Vĩnh Điện, Hội An gặp lúng túng trong khâu xử lý nguồn nước đầu vào. Thêm vào đó, tình trạng thất thoát nước trong quá trình vận hành nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Các nhà máy nước ở Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước, Điện Bàn đầu tư từ hàng chục năm trước nhưng chậm nâng cấp, thay thế đường ống đã xuống cấp.

Lòng sông Thu Bồn bị ô nhiễm do tình trạng khai thác cát sỏi, đe dọa an ninh nguồn nước. Ảnh: H.P
Lòng sông Thu Bồn bị ô nhiễm do tình trạng khai thác cát sỏi, đe dọa an ninh nguồn nước. Ảnh: H.P

ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ HỖ TRỢ

Đề án khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước nước sạch tập trung giai đoạn 2021 – 2025 sắp trình HĐND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp các địa phương giải quyết được những bức xúc an ninh nguồn nước cả trước mắt lẫn lâu dài.  

Phân vùng hỗ trợ

Theo đề án khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung cho giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh (dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra vào ngày 13.1.2021) phân ra 4 vùng hỗ trợ doanh nghiệp nếu có dự án đầu tư. Vùng 1 gồm các xã thuộc Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn, Hội An và khu vực thị trấn, trung tâm các huyện còn lại. Vùng 2 gồm khu vực nông thôn các huyện đồng bằng. Vùng 3 là khu vực nông thôn các khu vực còn lại, trừ các khu vực thuộc vùng 2 và vùng 4. Vùng 4 là khu vực nông thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển (trừ các vùng bãi ngang ven biển khu vực Điện Bàn – Hội An) và các xã biên giới, hải đảo.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề xuất mức hỗ trợ theo từng vùng, đảm bảo phù hợp với các vùng theo Quyết định số 131 ngày 2.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ và các mức hỗ trợ phù hợp với Nghị định số 57 ngày 17.4.2018 của Chính phủ. Theo Nghị định số 57 của Chính phủ, dự án đầu tư mới nước sạch cho vùng nông thôn sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/m3/ngày đêm; dự án nâng cấp, cải tạo nhà máy nước tập trung được hỗ trợ 2 triệu đồng/m3/ngày đêm; hỗ trợ tối đa 50% chi phí đường ống chính dẫn đến các khu vực dân cư từ 10 hộ trở lên.

Ngân sách hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương cũng khác nhau. Với các địa phương tự cân đối ngân sách thì tỉnh hỗ trợ 10%, cấp huyện 90%. Những nơi không tự cân đối ngân sách thì tỉnh hỗ trợ 50%; huyện 50%. Khu vực miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 90%. Nhà đầu tư thực hiện dự án nước sạch tập trung sẽ được miễn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đương nhiên quỹ đất để xây dựng công trình cấp nước sạch phải nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy hoạch cấp nước được duyệt. Ngoài ra, đề án còn ưu đãi về các loại thuế, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ giá nước sinh hoạt.  Trên cơ sở giá nước sạch đề xuất của nhà đầu tư (tính đúng, tính đủ), nếu lớn hơn giá nước sạch do UBND tỉnh ban hành thì nhà nước xem xét hỗ trợ một phần giá nước chênh lệch.  

Chuyển tiếp đầu tư dự án

Cần 1.074 tỷ đồng đầu tư nước sạch

Theo đề án khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Nam cần nguồn vốn 1.074 tỷ đồng. Trong đó, vốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 766 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 173 tỷ đồng và vốn ngân sách các địa phương hỗ trợ 135 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với đô thị loại IV trở lên đạt 95%; các đô thị loại V đạt 70%; trên 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trong các đợt giám sát về tình hình sử dụng nước sạch ở miền núi, HĐND tỉnh đánh giá, các dự án cấp nước tập trung ở khu vực này hoạt động không bền vững; chính quyền địa phương chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng, bảo vệ, duy tu sửa chữa, nâng cấp công trình; tỷ lệ thất thoát nước cao. Đối với công trình không phát huy hiệu quả, ngoài các nguyên nhân trên còn do thiết kế xây dựng hệ thống bể chứa nước ở vị trí không đủ nước để xử lý.

Thống kê của Sở Xây dựng, giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh xây dựng 545 công trình nước sạch tập trung. (trong đó, có 464 công trình cấp nước sạch tự chảy; 75 công trình cấp nước bơm động lực 1 cấp và 6 công trình cấp nước bơm động lực 2 cấp).

Trong số này có 150 công trình hiệu quả sử dụng thấp và 72 công trình không hoạt động. Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho biết, hầu hết huyện miền núi đều mong muốn Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các bể chứa nước sạch, hệ thống đường ống dẫn nước; cùng với đó là cơ chế quản lý sau đầu tư, bàn giao công trình kể cả cung cấp bản thiết kế, hướng dẫn sử dụng dự án về cho cán bộ địa phương.

Theo Sở KH&ĐT, đến nay có 7 dự án nước sạch được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, 12 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và rất nhiều dự án đăng ký thực hiện theo cơ chế hỗ trợ Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh. Vì vậy, sở đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp danh mục các dự án đã đăng ký đầu tư theo Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh do UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1830, ngày 24.5.2017, Quyết định số 1209 ngày 23.4.2019 và Quyết định số 500 ngày 27.2.2020 chuyển sang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Góp ý cho đề án khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2021 – 2025, Sở KH&ĐT cho rằng, nội dung đề án cần xây dựng nguyên tắc hỗ trợ phần ngân sách nhà nước, trong đó nêu rõ thời gian, điều kiện nhà đầu tư được nhận hỗ trợ.

UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính lập danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, quan điểm của tỉnh khi xây dựng đề án là đa dạng hóa hình thức đầu tư nước sạch, với mục đích cuối cùng là có đơn giá hợp lý, đảm bảo an ninh nguồn nước theo hướng lâu dài. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Đình Toàn lưu ý, với các công trình cung ứng nước sạch quy mô lớn, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống bảo vệ công trình an toàn, ngăn ngừa việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.

TRẦN HỮU