Xét chọn danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu lần thứ V: Cú hích phát triển doanh nghiệp
“Sự kiện” xét tặng danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu Quảng Nam 2 năm/lần sẽ ghi nhận những gương mặt nỗ lực vượt khó, đóng góp nhiều cho tăng trưởng Quảng Nam trong vòng 2 năm qua. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng xét chọn danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu lần thứ V, cho hay đây là cuộc sàng lọc trao danh hiệu cho những ai xứng đáng.
Ngày 30.6.2020, UBND tỉnh đã ra quyết định 1740/QĐ-UBND ban hành quy chế xét tặng doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu Quảng Nam, thay cho quyết định 2470/QĐ-UBND ngày 11.8.2014. Lẽ ra, đã long trọng tôn vinh vào Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2020), nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên buộc phải dời lại đến đầu năm 2021.
Những tiêu chí “cứng”
* PV:Ai sẽ được chọn xét trao danh hiệu này, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Tất cả doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật HTX Việt Nam, có tư cách pháp nhân, có tổ chức công đoàn, sản xuất, kinh doanh, kê khai nộp thuế tại Quảng Nam từ 3 năm trở lên. Những doanh nghiệp này thực hiện đúng pháp luật đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, thuế, tài chính, hải quan, an ninh trật tự, môi trường, bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… Sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, bền vững, có tốc độ tăng trưởng hàng năm. Hoàn thành 100% nghĩa vụ thuế. Không bị cưỡng chế nợ thuế. Tạo việc làm ổn định, thu nhập bình quân tăng cho người lao động (trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động). Có thương hiệu sản phẩm hoặc công trình, sản phẩm được công nhận chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam. Có chiến lược đầu tư phát triển, trung, dài hạn. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, bảo vệ môi trường sinh thái. Không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công, ngừng việc tập thể, mất an ninh trật tự, cháy nổ, tai nạn lao động gây chết người. Tổ chức Đảng (nếu có) được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, công đoàn được xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu nguồn vốn doanh nghiệp điều hành, quản lý doanh nghiệp tại Quảng Nam liên tục từ 3 năm trở lên đều được xét chọn danh hiệu doanh nhân tiêu biểu, theo các chuẩn: chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Phẩm chất đạo đức tốt. Có tinh thần đoàn kết, uy tín. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và xã hội. Nếu đảng viên phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
* PV:Tiêu chí, cách thức xét chọn lần này có khác gì so với những quy định cũ?
Ông Hồ Quang Bửu: Tiêu chí xét tặng danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu từ trung ương đến tỉnh không khác gì. Sẽ dựa trên các trụ cột chính là thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, lao động, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Không phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp. Không hạn chế số lượng, đối tượng giới thiệu tham dự. Xét tặng theo tỷ lệ 50% doanh nghiệp lớn, 50% doanh nghiệp nhỏ. Xét chọn từ cao đến thấp cho đủ số lượng, tiêu chí lựa chọn của Hội đồng xét tặng. Không nhất thiết phải đủ số lượng nếu tiêu chí, tiêu chuẩn không đúng quy chế. Dân chủ, chính xác, công khai, công bằng và đảm bảo tính tiêu biểu trên cơ sở tự nguyện của doanh nhân, doanh nghiệp hoặc phát hiện, giới thiệu của cơ quan, đơn vị, địa phương. Ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân đã được tặng thưởng các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng từ cấp tỉnh trở lên, các doanh nhân có đề tài nghiên cứu hoặc ứng dụng tiến bộ khoa học đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp hoặc cho xã hội.
Thay vì doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phải gửi hồ sơ để được xét tặng thì lần này, các cơ quan, đơn vị, địa phương (Cục Thuế, BHXH, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã và UBND các huyện, thị xã, thành phố) gửi danh sách giới thiệu, đề cử trước ngày 15.8 của năm tổ chức tôn vinh. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) sẽ tổng hợp, thẩm định (sau khi có ý kiến thống nhất của các sở, ban, ngành liên quan), tham mưu hội đồng họp xét, bỏ phiếu thống nhất kết quả và gửi thư mời của hội đồng đến doanh nghiệp, doanh nhân được xét tặng tham gia lễ trao tặng.
Góp phần định danh thương hiệu
* PV: Theo ông, họ nhận được gì ngoài một lời khen tặng?
Ông Hồ Quang Bửu: Họ sẽ được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, được chọn tham gia đăng ký xét chọn danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Sẽ được ưu tiên trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. Định kỳ 2 năm/lần trao tặng danh hiệu cho những doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo được nhiều việc làm cho cộng đồng, làm giàu cho xã hội là sự kiện có ý nghĩa, động viên tinh thần và biểu dương những đóng góp của họ cho sự phát triển Quảng Nam. Những người được chọn khách quan công bằng và xứng đáng có đủ “tâm - tài - trí - dũng”.
Nếu chấm một cách công minh, chính trực thì sản phẩm của họ sẽ được người tiêu dùng lựa chọn, công nhận hơn, như là một sự định danh cho thương hiệu và tố chất của một doanh nhân. Sự vinh danh ấy như một “giấy thông hành” để người tiêu dùng nhìn nhận hơn nữa về sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp, doanh nhân. Đó là cái mà doanh nghiệp, doanh nhân thu lại không chỉ đo đếm bằng tiền. Qua việc biểu dương, động viên này, cũng để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân khác hoàn thiện chiến lược phát triển và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân nhiều hơn.
* PV: Có phải vì xét chọn đại trà, không hạn chế số lượng, không tinh tuyển, nên đã từng xảy ra chuyện doanh nghiệp, doanh nhân không mặn mà với giải thưởng này?
Ông Hồ Quang Bửu: Có thể sẽ có ít doanh nghiệp đủ năng lực nội sinh, đủ khả năng đương đầu với khó khăn trên thương trường hay hội nhập quốc tế, để tiến dần đến con đường định danh cho thương hiệu sản phẩm Quảng Nam, những cái tên trên bảng vàng chỉ là những doanh nghiệp, doanh nhân bình thường. Tuy nhiên, phải công bằng nhìn nhận rằng trong bối cảnh đa số doanh nghiệp, doanh nhân luôn phải toan tính trước bài toán thị phần, doanh thu hay lợi nhuận, không ít doanh nghiệp, doanh nhân dùng dằng, phân vân giữa việc mở rộng hay cắt giảm đầu tư tạm “án binh bất động” để chờ qua cơn bĩ cực hoặc doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang thật sự đứng giữa lằn ranh “cái chết” và “sự sống” (dù đã được Chính phủ, chính quyền và các cơ quan quản lý địa phương luôn hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn); việc tìm biện pháp để tồn tại đã khó, nói gì đến kỳ vọng về một mức tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường. Không phải tất cả doanh nghiệp đều thành công. Không ít doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí còn bị phạt thì những doanh nghiệp tăng trưởng kinh doanh, đóng góp nhiều cho ngân sách, giải quyết lao động, bảo vệ môi trường, cũng cần được vinh danh. Tất cả họ đều xứng đáng để được tuyên dương. Có thể đó là những ngọn lửa được nhóm lên, trở thành lời hiệu triệu cộng đồng nỗ lực sản xuất, kinh doanh để góp thêm nguồn lực vào “kho ngân sách” vốn đã hạn hẹp của địa phương.
* PV: Gần 9.000 doanh nghiệp có mặt tại Quảng Nam, nhưng đến 96% vừa và nhỏ, khó có thể tạo nên những thương hiệu mạnh, doanh nhân tầm cỡ, chính quyền sẽ làm gì để giúp họ có cơ hội thăng tiến?
Ông Hồ Quang Bửu: UBND tỉnh cam kết cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, đồng hành với doanh nghiệp hơn theo quy trình “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, gia tăng đầu tư hạ tầng thiết yếu, đào tạo cung ứng lao động, xúc tiến đầu tư… giúp doanh nghiệp tìm đầu ra, thị trường cho sản phẩm. Không chỉ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của doanh nghiệp, doanh nhân, chính quyền cũng mong doanh nghiệp, doanh nhân có chiến lược phát triển, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến đời sống, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động để doanh nghiệp phát triển bền vững.