Thu nộp ngân sách 25 nghìn tỷ đồng từ chống gian lận thương mại

Q.VIỆT 08/01/2021 06:04

Hôm qua 7.1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm (thuộc Chính phủ, gọi tắt là Ban chỉ đạo 138) và Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389). Ở đầu cầu Quảng Nam có các thành viên Ban chỉ đạo 389 và Ban chỉ đạo 138 của tỉnh tham dự. 

Theo báo cáo, trong năm 2020, tội phạm về trật tự xã hội trên phạm vi cả nước giảm 6,8%. Nhiều loại tội phạm như trộm cắp tài sản giảm 9,86%, cướp tài sản giảm 9,99%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt 83,5%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%. Lực lượng chức năng cả nước đã triệt phá 1.860 băng, nhóm tội phạm các loại. Đặc biệt, đã thực hiện tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, đầu tư công, đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn được nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 185 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 25 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 15% so với năm 2019). Qua đó, khởi tố 2.543 vụ án, liên quan hơn 3.500 đối tượng. Đặc biệt, trong năm 2020, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, của BCĐ 138 và BCĐ 389 một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong hành động, còn thiếu kiểm tra, đôn đốc. Tình hình tội phạm trong năm 2020 được kiềm chế nhưng tính chất, mức độ vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, tội phạm có tổ chức, băng nhóm liên quan đến “bảo kê”, “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật vẫn diễn ra. Do đó, cả nước nói chung, các địa phương nói riêng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để đấu tranh, chấn chỉnh.

Q.VIỆT