Dự án thủy điện Sông Tranh 4: Đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

TRẦN HỮU 06/01/2021 06:36

Dự án thủy điện Sông Tranh 4 tại huyện Hiệp Đức và Tiên Phước sau gần 10 năm khởi công đã tích nước hồ chứa, hoàn thành công trình. Tuy nhiên, hàng trăm héc ta diện tích rừng sản xuất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng cần phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Thi công hạng mục công trình thủy điện. Ảnh: HÀ ĐÔ
Thi công hạng mục công trình thủy điện. Ảnh: HÀ ĐÔ

Đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng

Năm 2010, dự án thủy điện Sông Tranh 4 được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2056; trước đó dự án này được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Chủ đầu tư của nhà máy này là Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4. Theo giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, riêng giai đoạn từ năm 2017 - 2018 thi công phần ngăn sông, năm 2020 tích nước hồ chứa và phát điện nhà máy, hoàn thành công trình đưa vào hoạt động.

Theo UBND tỉnh, hiện nay dự án thủy điện đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến quy định đầu tư, pháp luật đất đai, lâm nghiệp. Tổng diện tích theo trích đo địa chính của dự án là hơn 424ha. Trong đó, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 28ha; phần diện tích đang triển khai đo đếm giải thửa hiện nay hơn 406ha.

Theo chủ đầu tư, công ty tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng với một số diện tích có hiện trạng là đất nương rẫy cũ, đất trồng cây lâu năm và một phần diện tích là rừng trồng của người dân để tập kết các phương tiện và thi công mặt bằng. Phần diện tích rừng trồng còn lại trên thực tế thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp là gần 7ha.

Ngày 13.10.2020, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 có Tờ trình số 425 đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước. Trong đó, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là 33,7ha với hiện trạng là rừng sản xuất và rừng trồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, về nguyên tắc, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Nghị định số 83 ngày 15.7.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 ngày 16.11.2018 của Chính phủ. Với diện tích đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng, bắt buộc phải được HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác. Theo quy định, nếu HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi có đề xuất của UBND tỉnh, thì ngành nông nghiệp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích đất rừng bị ảnh hưởng bởi dự án trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất

Đề cập tác động của dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác, lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định, không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của tỉnh. Bởi tổng diện tích rừng của Quảng Nam là 628.573ha; trong đó rừng tự nhiên là 466.113ha, độ che phủ rừng hiện nay hơn 59,4% (tăng 5,4% so với mục tiêu đề ra). “Vì vậy, diện tích rừng trồng mà chủ đầu tư đề nghị chuyển đổi 33,7ha là không đáng kể, không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng chung của cả tỉnh” - ông Hưng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, dự án thủy điện Sông Tranh 4 phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nghị quyết số 40 (ngày 6.12.2018) của HĐND tỉnh về danh mục dự án thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019. Trong đó lòng hồ thủy điện Sông Tranh 4 có diện tích 369ha đã được thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi rà soát các quy định pháp luật hiện hành. Dự án thi công nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 chậm tiến độ mà theo chủ đầu tư, chính quyền huyện Tiên Phước và Hiệp Đức chậm chốt danh sách, chi trả bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng. 

Theo quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án này giảm từ 456ha xuống còn 422,3ha. Ngành nông nghiệp đánh giá, công trình đưa vào vận hành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, dân sinh đặc biệt là địa bàn huyện Hiệp Đức; đồng thời cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới nông nghiệp trong vùng dự án. Còn chủ đầu tư quả quyết, với hồ chứa dự án có dung tích hữu ích hơn 3,3 triệu mét khối, góp phần tăng dòng chảy về hạ lưu, tăng đầu nước tưới phục vụ nông nghiệp vào mùa kiệt; điều tiết lũ hợp lý trên các hệ thống sông lớn.

TRẦN HỮU