Ký ức nữ đại biểu Quốc hội xứ Quảng
Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam, xin giới thiệu những kỷ niệm, dấu ấn và đóng góp của phụ nữ Quảng Nam với vai trò là người đại diện cho quyền lợi cử tri và nhân dân.
Ngày hội lớn
75 năm chặng đường vẻ vang, qua 14 nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Nam (đơn vị bầu cử Quảng Nam, Quảng Nam - Đà Nẵng và là người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng) vinh dự có 12 nữ được bầu làm Đại biểu Quốc hội, gồm: Lê Thị Xuyến, Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV, V; Lê Thị Hạnh (Hiếu) khóa II; Trần Thị Tư (Liễn) khóa II; Nguyễn Thị Bình khóa VI, VII, VIII, IX, X; Hà Thị Thu Sương khóa VII, VIII, IX; Hồ Thị Kim Thanh khóa VII; Lê Thị Phước khóa VIII; Trương Thị Thúy Hà khóa X; Huỳnh Thị Hường khóa X, XI; Hồ Thị Tuyết Vân khóa XI; Vũ Thị Phương Anh khóa XII; Nguyễn Thị Tuyết Thanh khóa XIII.
Trong ký ức của mình, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, IX, X, không bao giờ quên mốc son lịch sử ấy. Bà nhớ lại: “Ngày tổ chức Tổng tuyển cử đầu tiên, tôi đang hoạt động tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để vận động tiếp tế cho bộ đội ta ở miền Đông Nam Bộ. Ấn tượng mạnh đối với tôi ở đây là nhân dân rất hồ hởi đi bỏ phiếu. Tôi nhớ, khi Ban tổ chức bầu cử chuẩn bị làm lễ chào cờ thì máy bay Pháp đến ném bom, mọi người tản ra nhưng ngay sau khi máy bay bay đi thì cử tri tiếp tục quay lại bỏ phiếu bầu cử. Không khí lúc đó như một ngày hội lớn”.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội, bà Nguyễn Thị Bình tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 6.1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà Nguyễn Thị Bình được phân công giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris, thay thế Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Là người giỏi tiếng Pháp và có quá trình hoạt động chính trị nhiều năm, cùng với sự khôn khéo, mềm dẻo, nhưng cũng có phần quyết liệt, bà đã góp phần làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Bà Nguyễn Thị Bình vẫn nhớ rõ cảm xúc đặc biệt của ngày 27.1.1973: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Nguyễn Thị Bình là đại biểu Quốc hội khóa VI, đơn vị TP.Hồ Chí Minh; đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX, đơn vị Quảng Nam - Đà Nẵng và đơn vị Quảng Nam khóa X. Với vai trò là người đại biểu nhân dân, ngoài tích cực tham gia bàn thảo những vấn đề chung của đất nước, bà cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên bày tỏ, phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc của địa phương mình để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư cho quê hương, nhất là lo cứu đói, giảm nghèo, đầu tư điện, đường, trường, trạm cho đồng bào các huyện miền núi, nơi căn cứ cách mạng, góp phần vì sự phát triển của quê hương Quảng Nam.
Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
Đó là tâm niệm của bà Hồ Thị Kim Thanh - đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1984, huyện Núi Thành được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Tam Kỳ, lúc bấy giờ bà Hồ Thị Kim Thanh là Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, được điều về làm Bí thư Huyện ủy Núi Thành. Lúc ấy Núi Thành còn rất nghèo, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nhỏ, manh mún, bấp bênh. Đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, có xã diện đói nghèo chiếm tỷ lệ 60 - 70%.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó vấn đề về đường điện gây nhiều băn khoăn, bởi với một địa phương nghèo như Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ thì không thể làm được một công trình to tát như đường điện, huống gì một huyện mới thành lập, nhỏ bé heo hút như Núi Thành.
Quyết tâm cải thiện đời sống nhân dân, bà Thanh cùng Ban Thường vụ Huyện ủy quyết ra Trung ương trình bày rõ nguyện vọng của địa phương và đã được chấp thuận. Hơn một năm sau, công trình lưới điện cấp huyện đầu tiên đầu tư xây dựng thành công, đem lại ánh sáng văn minh cho một huyện nghèo, là “cú hích” khởi đầu cho Khu kinh tế mở Chu Lai sau này…
Bà Thanh rất vui mừng và tự hào về sự phát triển của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng ngày hôm nay. Với bao thế hệ cán bộ, đảng viên ưu tú của quê hương, luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trong đó có những người là đại biểu Quốc hội từ khóa đầu tiên đến nay.