Dự án rừng cộng đồng Tam Mỹ Tây: Triển khai nhiều hoạt động thiết thực

VĂN PHIN 05/01/2021 07:00

Dự án “Rừng cộng đồng Tam Mỹ Tây” (huyện Núi Thành) do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện trong năm 2020 đạt kết quả khả quan; đơn vị vừa có nhiều kiến nghị về giải pháp bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám.

Tuyên truyền bảo vệ rừng và đàn voọc tại xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: V. PHIN
Tuyên truyền bảo vệ rừng và đàn voọc tại xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: V. PHIN

Dự án được Quỹ Bảo vệ rừng nhiệt đới quốc tế - RainForest tài trợ với tổng kinh phí 9.519USD, do Trung tâm GreenViet thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12.2020 tại 2 xã Tam Mỹ Tây và Tam Hiệp (Núi Thành). Dự án nhằm bảo vệ rừng tự nhiên tại Tam Mỹ Tây để cung cấp môi trường sống an toàn cho loài voọc chà vá chân xám và các động vật hoang dã khác.

Trong 6 tháng, dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng sử dụng tài nguyên rừng tự nhiên của người dân địa phương; phỏng vấn 90 hộ dân ở 3 thôn Tú Mỹ, Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây) và Phái Nhơn (xã Tam Hiệp). Qua phỏng vấn, có 98% hộ dân đều hiểu vai trò, tác dụng của rừng.

Về nhận biết loài voọc chà vá chân xám, 90% người dân được hỏi trả lời biết thông tin hoặc đã từng nhìn thấy voọc (ở Tam Mỹ Tây, tỷ lệ biết voọc là 98%). Tuy nhiên, thông tin về số lượng cá thể voọc chà vá chân xám, đơn vị quản lý rừng và bảo vệ đàn voọc chỉ có 30% số người biết. So với kết quả khảo sát năm 2019, tỷ lệ người được phỏng vấn biết đến loài voọc chà vá chân xám tăng 30%.

Cũng qua phỏng vấn, 90% số người dân cho rằng rất cần thiết và cần thiết bảo vệ rừng có động vật hoang dã, trong đó có 95% số người cảm thấy tự hào khi Tam Mỹ Tây có đàn voọc quý hiếm và 80% người dân sẵn sàng báo cáo cơ quan chức năng nếu phát hiện hành vi vi phạm rừng và gây ảnh hưởng đến quần thể đàn voọc.

Khảo sát của dự án cũng cho thấy, hiện nay tại Tam Mỹ Tây chỉ còn khoảng 16% tổng số hộ dân vẫn còn đi vào rừng để khai thác mật ong, phong lan... Phần lớn người dân không xua đuổi voọc chà vá chân xám khi bắt gặp. Dự án cũng tiến hành tham vấn đại diện các hộ trồng cây keo có rẫy giáp ranh với rừng tự nhiên nơi có đàn voọc sinh sống và tham vấn chính quyền địa phương để định hướng quy hoạch diện tích rừng liên quan đến việc bảo vệ đàn voọc.

Theo đề xuất của Sở NN&PTNT đưa 60ha rừng tự nhiên tại Tam Mỹ Tây vào quy hoạch rừng đặc dụng, dự án đã cập nhật tổng diện tích rừng tự nhiên tại 4 khu vực tại Tam Mỹ Tây có đàn voọc sinh sống là 33,6ha và có 43 rẫy keo của 39 hộ dân tiếp giáp với rừng tự nhiên có đàn voọc sinh sống nằm trong khu vực mở rộng sinh cảnh cho voọc.

Về sự hiện diện của đàn voọc, bằng phương pháp quan sát tại các điểm cố định trong thời gian 3 ngày liên tiếp, dự án “Rừng cộng đồng Tam Mỹ Tây” đã ghi nhận 68 cá thể voọc chà vá chân xám thuộc 5 đàn ở 4 khu vực: hòn Dương Bông, hòn Dồ, hòn Ông, hòn Dương Bản Lầu. Quần thể voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây đang tăng trưởng ổn định, nhiều cá thể mới được ghi nhận liên tục.

Dự án “Rừng cộng đồng Tam Mỹ Tây” hoàn thành đã thu thập được các thông tin hiện trạng liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn loài voọc chà vá chân xám Tam Mỹ Tây; khảo sự sẵn sàng của cộng đồng trong vấn đề bảo tồn đàn voọc; cung cấp các số liệu kỹ thuật liên quan phục vụ cho việc định hướng triển khai các phương án bảo tồn bền vững loài voọc chà vá chân xám tại chỗ một cách bền vững. Qua dự án được biết người dân địa phương có sự đồng thuận cao và sẵn sàng tham gia cùng chính quyền các cấp bảo vệ đàn voọc...

Trung tâm GreenViet kiến nghị địa phương và cấp có thẩm quyền sớm triển khai phương án quy hoạch bảo vệ quần thể voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây theo hướng ưu tiên việc kết nối, mở rộng sinh cảnh để ổn định vùng sống cho loài voọc. Duy trì và hỗ trợ nhóm tuần tra thôn, bản xã Tam Mỹ Tây; tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng; cần huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của cộng đồng người dân tại địa phương vào công tác bảo vệ tài nguyên rừng và quần thể voọc chà vá chân xám thông qua hoạt động thiết thực, cụ thể tại cộng đồng và thông qua các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội nông dân, phụ nữ… Qua đó giúp người dân có thông tin thường xuyên hơn, có tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng tham gia bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám bằng nhiều hình thức khác nhau trong thời gian đến.

VĂN PHIN