Trà Ka sau 20 năm vẫn ánh nhìn ngơ ngác

TƯỜNG MINH 03/01/2021 06:16

Tròn 20 năm, tôi quay lại Trà Ka (Bắc Trà My) đúng vào những ngày sạt lở núi liên tục xảy ra ở hai huyện Nam – Bắc Trà My và cả Phước Sơn lân cận khiến hàng chục người mất tích. Hai mươi năm là quãng thời gian đủ để làm thay đổi số phận một đời người. Nhưng 20 năm ở Trà Ka, tôi vẫn cứ gặp lại những ánh nhìn ngơ ngác như ngày nào từ trẻ con cho đến người già.  

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka chưa thể khắc phục hậu quả sạt lở núi. Ảnh: T.M
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka chưa thể khắc phục hậu quả sạt lở núi. Ảnh: T.M

Vừa học vừa lo sạt lở núi

Hai mươi năm trước, tôi đến Trà Ka theo chân một đoàn thiện nguyện đến từ TP.Hồ Chí Minh. Trà Ka ngày ấy là một địa danh xa lắc mịt mờ bởi đường vào đất và đá cục lởm chởm, mùa mưa như bây giờ, nếu xe máy không cuốn xích thì chỉ có đi bộ cho đến khi nào rã chân mới đến.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác bị tòa soạn trả bài phóng sự viết về Trà Ka, bởi gần 2.000 chữ tôi chỉ kể về những khó khăn gian khổ trên đường đi mà cảm giác vẫn còn rất nhiều chuyện chưa được kể. Đổi lại là một không khí thanh bình và thuần khiết cùng những ánh nhìn người lạ ngơ ngác đến ngỡ ngàng của những đứa trẻ Trà Ka. Bởi thời đó, “người lạ” đến Trà Ka chỉ là một vài giáo viên cắm bản được điều vào từ thị trấn Trà My và những vùng phụ cận.   

Và rồi, Trà Ka tưởng như đã chìm vào quên lãng đã bất ngờ sống lại trong tôi khi hôm nọ trên đường vào Trà Leng, chứng kiến cảnh các đoàn từ thiện từ khắp nơi trong cả nước đổ về Trà Leng, một người đi cùng đoàn với tôi là Nguyễn Thành Trung - giáo viên Trường Tiểu học Trà Kót (Bắc Trà My) thở dài bảo “nơi ăn không hết, nơi lần chẳng ra” rồi gạ: “Mai theo em vô Trà Ka tặng quà cho các em học sinh, trong đó có nhiều chuyện hay lắm!”.

Trung bảo “nhiều người không biết, chứ trong đợt bão lũ vừa rồi, xã Trà Ka bị thiệt hại nặng nề về hạ tầng, nhà cửa, trường học... không thua gì Trà Leng. Nhưng ở Trà Ka lũ về ban ngày, người dân chạy trốn kịp nên chỉ có hơn 30 nhà dân bị trôi và không có thiệt hại về người nên không thành tâm điểm chú ý của dự luận và các nhà hảo tâm. Thời điểm này, đời sống của người dân trong đó còn khó khăn hơn nhiều so với Trà Leng, đặc biệt là thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka”.

Ánh mắt ngơ ngác nhìn “người lạ” của một cậu bé ở Trà Ka.Ảnh: T.M
Ánh mắt ngơ ngác nhìn “người lạ” của một cậu bé ở Trà Ka.Ảnh: T.M

Thế là chúng tôi theo Trung cùng nhóm bạn và các thầy cô giáo khác của Trường Tiểu học Trà Kót lên đường vào Trà Ka cùng một xe tải chở theo 406 suất quà gồm gạo, áo ấm, bánh kẹo, dầu ăn... dành cho 406 học sinh hai cấp của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka. “Tấm lòng vàng” tài trợ cho xe hàng là chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, đến từ TP.Hồ Chí Minh.

“Tết này em không chỉ được ấm mà còn cả no nữa” - cả nhóm vừa cười vừa rưng rưng nước mắt khi nghe cô bé tên Nguyễn Thị Bích Thúy, học sinh lớp 6 nhưng gầy gò như một đứa trẻ lớp 2 với ánh mắt ngơ ngác, vừa ôm tới ôm lui phần quà gồm áo ấm, gạo và dầu ăn của mình vừa nói. Trong đợt bão số 9 vừa rồi, gia đình Thúy bị lũ cuốn trôi nhà, hiện phải ở xen ghép với người dân trong thôn. Tôi giật mình bởi câu nói ấy, ánh mắt ấy, tôi đã thấy, đã nghe từ 20 năm trước vào đúng những ngày cuối năm như thế này.

Có khác chăng là ngày chúng tôi đến, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka vẫn còn hoang tàn, bừa bộn chưa kịp thu dọn sau bão lũ. Lúc ấy đang là tiết Tin học của học sinh lớp 6. Thi thoảng, chị Nguyễn Thị Tuyết Thúy - giáo viên đứng lớp lại bỏ lớp đi ra ngoài, hướng mắt nhìn lên quả núi bị sạt lở một phần trong đợt bão số 9 vừa rồi làm vùi lấp hoàn toàn một phòng học, một phòng thư viện và hệ thống nhà vệ sinh cho học sinh.

“Bây giờ ở khắp xã Trà Ka này, nhìn đâu em cũng thấy nguy cơ sạt lở núi. Đặc biệt kể từ khi xảy ra vụ sạt lở núi, trong lòng em luôn phấp phỏng không yên, nhất là những khi trời mưa, dạy học mà cứ lo chẳng may núi lở xuống thì cô trò không biết phải chạy đường nào” - chị Thúy nói. 

Theo thầy hiệu trưởng Phan Duy Biên, cho đến thời điểm này, do một số phòng học bị sập nên trường phải mượn hội trường của xã rồi ngăn đôi ra cho hai lớp học tạm trong khi chờ xây mới cũng như chính quyền địa phương có giải pháp cho việc chống sạt lở núi.

“Song song với việc khắc phục hậu quả, chúng tôi tổ chức học bù, dạy bù để các em hoàn tất chương trình học. Hoàn tất thôi, chứ chất lượng thì nói thật, trong bối cảnh khó khăn như thế này, yêu cầu bảo đảm là điều không thể” - thầy Biên nói. 

Nguy cơ sạt lở núi treo lơ lửng

Mới đây, chính quyền tỉnh Quảng Nam đưa ra cảnh báo “các đoàn cứu trợ hết sức chú ý” bởi trên địa bàn tỉnh hiện có 93 vị trí thôn, bản, khu cụm dân cư, điểm trường, trạm y tế… có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, tập trung ở các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang… Trong đó nhiều nhất là huyện Bắc Trà My có 30 điểm nguy cơ sạt lở cao. Còn các huyện miền núi - trung du khác là Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước đều có nhiều điểm nguy cơ sạt lở. Giải pháp trước mắt để đối phó với nguy cơ sạt lở, theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My là “nghiêm cấm qua lại trên tuyến đường 40B cũng như một số tuyến đường tại địa phương. Khuyến cáo người đi làm từ thiện cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo an toàn”.

Còn theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, về lâu dài cần có sự vào cuộc của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn để đánh giá địa hình và có phương án đưa người dân đến những vùng tái định cư an toàn. Đối với đường thì phải đặt biển cảnh báo, trong tình trạng nguy hiểm có thể nghiêm cấm người dân qua lại.

“Trong thời gian đến huyện sẽ mời các đoàn chuyên gia về khảo sát, đánh giá mức độ an toàn để sớm tái định cư cho người dân. Nhưng việc này sẽ xác định rất lâu do đó huyện dựng nhà tạm dựa vào địa điểm ngành chức năng khảo sát và được người dân đồng tình”- ông Dũng nói.

Ở Quảng Nam, chưa bao giờ cụm từ “sạt lở núi” lại trở thành những án tử treo lơ lửng trên đầu người dân nhiều và khó lường như thời điểm này. Lên đường vào Trà Ka của những ngày 20 năm trước với tôi là một đặc ân. Nhưng trở lại Trà Ka hay bất kỳ một “Trà” nào khác của hai huyện Nam - Bắc Trà My vào những ngày này lại là một quyết định mạo hiểm bởi đường đi vô cùng khó khăn và núi thì có thể sạt xuống vùi lấp bất kỳ lúc nào. Vậy nên ai cũng thở phào nhẹ nhõm, cảm giác là mình đã được an toàn khi quay về đến trung tâm thị trấn.

Còn nhớ hôm trên đường từ thị trấn Bắc Trà My vào xã Trà Ka, chúng tôi đi ngang qua một quả núi bị sạt lở, có hình hai trái tim nằm cạnh nhau rất đẹp và lạ. Nhiều người đi cùng chúng tôi bảo “núi sạt lở mà cũng biết thả tim yêu thương nhau” và mọi người tranh thủ dừng xe ghi lại hình ảnh này. Tuy nhiên bất ngờ là khoảng 4h đồng hồ sau khi chúng tôi quay trở ra, hình ảnh hai trái tim trên đỉnh núi đã biến mất và thay vào đó là một mảng đất lớn. Nghĩa là núi đang chuyển động ở trong lòng, nhanh đến mức chúng tôi có thể nhìn thấy và đong đếm được bằng thời gian.

TƯỜNG MINH