Tìm lối ra cho du lịch miền núi

ALĂNG NGƯỚC - QUỐC TUẤN 03/01/2021 06:15

Khi nhiều điểm đến lâu nay thu hút tấp nập du khách cũng lao đao vì dịch Covid-19 thì việc tạm dừng Nghị quyết 47/2018/NQ-HĐND tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 47) về hỗ trợ cho du lịch miền núi đến năm 2025 sẽ khiến khu vực này càng thêm hụt hẫng. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp đánh giá lại và đưa ra một đòn bẩy hợp lý hơn thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển khi mà các nguồn lực hỗ trợ đang eo hẹp.

Văn hóa bản địa đặc trưng chính là dư địa cần được khai phóng để thúc đẩy du lịch vùng cao Quảng Nam. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Văn hóa bản địa đặc trưng chính là dư địa cần được khai phóng để thúc đẩy du lịch vùng cao Quảng Nam. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

DỪNG NGHỊ QUYẾT 47 SAU 2 NĂM THỰC HIỆN

Nghị quyết 47 ra đời trong thời điểm du lịch Quảng Nam phát triển thịnh vượng và cần thêm nhiều điểm đến để lan tỏa cũng như nâng cao giá trị cho ngành kinh tế này. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn, nhiều chính sách hỗ trợ buộc phải đong đếm và khi mà các điểm đến vùng cao chưa chứng minh được nhiều hiệu quả trong việc hút khách thì việc phải tạm dừng là điều dễ hiểu.

Từ khấp khởi đến… hụt hẫng

Năm 2018, Quảng Nam đón hơn 6,5 triệu lượt khách và đang tiếp đà tăng trưởng rất mạnh với thị trường khách đa dạng. Một số thời điểm, tại phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm và khu đền tháp Mỹ Sơn có hiện tượng quá tải khách du lịch. Với nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm bức thiết thời điểm đó thì việc phát triển các điểm đến mới tại vùng núi phía tây của tỉnh rất phù hợp. Bởi khu vực này sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng nhưng sản phẩm còn rất đơn điệu cũng như hệ thống hạ tầng, dịch vụ còn rất thiếu và yếu.

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TU về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025, có thể thấy việc Nghị quyết 47 ra đời trong bối cảnh lúc đó là một trợ lực tốt để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển miền núi.

Trong gần 2 năm từ khi chính thức triển khai Nghị quyết 47, đã có 7 điểm du lịch trên địa bàn 7 huyện được hỗ trợ, bao gồm: làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (Đông Giang), làng du lịch cộng đồng Lộc Yên (Tiên Phước), khu bảo tồn văn hóa người Bhnong (Phước Sơn), vườn sâm Tăk Ngo (Nam Trà My), điểm du lịch Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch sinh thái Pơ mu (Tây Giang) và làng du lịch cộng đồng Cao Sơn (Bắc Trà My) với tổng vốn hơn 21,1 tỷ đồng. Riêng làng du lịch cộng đồng Cao Sơn dù theo lộ trình phải sang 2021 mới được hỗ trợ tuy nhiên do UBND huyện Bắc Trà My đã tích cực làm tờ trình đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng sớm nên UBND tỉnh đã thống nhất hỗ trợ trong năm 2020.

Bà Ating Tươi – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ, trong lộ trình của Nghị quyết 47 nếu không dừng thì huyện sẽ còn điểm làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng nằm trong diện hỗ trợ. Đây là điều đáng tiếc bởi ngôi làng này cùng nằm trên trục đường 14G gần với hai khu du lịch lớn đang triển khai tại Đông Giang nên địa điểm này cũng rất cần đầu tư để thu hút khách.

Văn hóa bản địa đặc trưng chính là dư địa cần được khai phóng để thúc đẩy du lịch vùng cao Quảng Nam. Ảnh: N.T
Văn hóa bản địa đặc trưng chính là dư địa cần được khai phóng để thúc đẩy du lịch vùng cao Quảng Nam. Ảnh: N.T

Khó đánh giá hiệu quả

Theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 47, đối với các nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp của từng điểm du lịch theo lộ trình 2019 – 2020 thì đến nay chưa có địa phương nào lập hồ sơ và dự toán kinh phí cho các nội dung hỗ trợ về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, người dân địa phương rất ủng hộ việc triển khai đề án này, tuy nhiên lâu nay đồng bào hầu như chưa có khái niệm, kỹ năng làm du lịch. Ngoài ra, cái khó của hầu hết điểm đến miền núi là nguồn hỗ trợ không thấm tháp so với nhu cầu thực tế.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Nghị quyết 47 nhắm đến nhiều đối tượng nhưng hạng mục hỗ trợ ít và thực tế thì mục đích chính của Nghị quyết 47 muốn hỗ trợ hạ tầng ban đầu để kêu gọi thêm doanh nghiệp, tổ chức tham gia. Bởi với đặc thù của các điểm du lịch được hỗ trợ trong nghị quyết này nếu chỉ có người dân tham gia thì khó lòng triển khai và có hiệu quả”.

Nói thêm về thực trạng giải ngân thấp, ông Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ, nghị quyết thông qua vào cuối năm 2018 và mới triển khai chưa đến 2 năm, riêng năm 2020 thì dính dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều nội dung bị ảnh hưởng không triển khai được. “Đúng là giai đoạn vừa rồi quá khó khăn nên chỉ triển khai thôi chứ nói hiệu quả hay không thì không đánh giá được bởi dịch Covid-19 khiến du khách hoàn toàn vắng bóng tại khu vực này” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Sau thiên tai, dịch bệnh, các điểm du lịch miền núi càng gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn trong việc phục hồi và tái khởi động đón khách. Có nhiều nơi, dù hạ tầng đã được nâng cấp, song vẫn chưa thể hấp dẫn du khách tìm đến.

Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều điểm du lịch miền núi càng đìu hiu hơn. Ảnh: N.T
Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều điểm du lịch miền núi càng đìu hiu hơn. Ảnh: N.T

Làng du lịch vắng du khách

Gần tròn 1 năm không thể hoạt động, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng gần như đã vắng bóng du khách. Lần cuối cùng làng đón khách, là vào đầu tháng 7.2020, nhưng cũng chỉ rải rác vài đoàn nhỏ lẻ tự tổ chức tour khám phá, trải nghiệm. Còn lại, toàn bộ không gian làng truyền thống, khu homestay, ẩm thực, làng nghề… đều bỏ không đến tận bây giờ.

Nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng miền núi, chị Đinh Thị Thìn (Đông Giang) nói, chưa năm nào chị chứng kiến sự ảm đạm trong nghề như năm nay. Hết dịch bệnh đến thiên tai, cả người dân lẫn người làm du lịch đều… bị thất nghiệp. Điều đó không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu nhập gia đình mà còn khiến nhiều người dần buông bỏ với món nghề chỉ vừa chớm hình thành ở miền núi vài năm trở lại đây. Như làng du lịch Bhờ Hôồng, từ ngân sách hỗ trợ theo Nghị quyết 47, một số hạng mục đã được đầu tư, nâng cấp nhằm đáp ứng với nhu cầu tham quan, trải nghiệm cho du khách. Nhưng khi không gian làng vừa được nâng cấp thì “dính” phải dịch Covid-19 khiến hoạt động rơi vào tình trạng cầm chừng, thậm chí là bỏ không.

“Kéo dài suốt nhiều tháng không có khách, mọi thứ trở nên ảm đạm như thời kỳ bị bỏ hoang trước đây. Không có du khách ngoại đã đành, du khách trong nước cũng không ai tìm đến. Hoặc có thì cũng chỉ ghé chân vài phút rồi lại đi nên buồn lắm” - chị Thìn chia sẻ.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, làng văn hóa Đhờ Rôồng cũng không đón thêm được đoàn du khách nào. Theo bà Châu Thị Bích Lan - cán bộ văn hóa xã Tà Lu, hệ lụy từ việc thiếu hụt kinh phí đầu tư, nâng cấp khiến nhiều hạng mục không gian làng truyền thống được chọn để phục vụ du khách bị xuống cấp, không đáp ứng theo đề án phát triển du lịch của địa phương. Từ đó, du khách không mấy mặn mà với việc tham quan, trải nghiệm, nhất là khách nội địa - vốn rất “khó tính” với văn hóa đã khá quen thuộc. Họ đòi hỏi nhiều hơn từ sản phẩm mới, đảm bảo theo chuỗi kết nối đa dạng và có… câu chuyện. 

Thêm nhiều trở ngại

Sự vắng vẻ của nhiều điểm du lịch miền núi, từ Đông Giang, Nam Giang cho đến Phước Sơn, Nam Trà My... khiến nguồn thu từ du lịch gần như là con số không. Chưa kể, lâu nay, nguồn ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch ở các địa phương khá “nhỏ giọt” khiến việc mở rộng, nâng cấp các hạng mục công trình, dự án du lịch cộng đồng vẫn trong tình trạng “cầm chừng”.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang cho hay, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nhiều điểm du lịch cộng đồng tại địa phương đang “đứng bánh”. Ngoài ngân sách thiếu hụt, chưa đáp ứng theo nhu cầu phát triển mở rộng các loại hình du lịch - dịch vụ, một số công trình thiết yếu, bao gồm hạ tầng giao thông, không gian lưu trú, nghỉ dưỡng cũng chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế, việc thu hút du khách - nếu không phải lý do dịch bệnh, thiên tai hoành hành như năm nay cũng khó có thể đảm bảo được hiệu quả theo mục tiêu, định hướng phát triển của các địa phương miền núi.

“Nếu không có nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh thì việc xây dựng và đưa vào hoạt động các điểm du lịch cộng đồng ở miền núi sẽ rất khó khăn. Nguồn thu bị cắt giảm, thiếu hụt, việc tự cân đối ngân sách cho hoạt động phát triển du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Linh nói.

Tuy nhiên, theo ông Linh, chia sẻ trước khó khăn chung hiện nay của tỉnh, các địa phương miền núi cần tìm cách xoay xở để duy trì các hoạt động du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, chờ nguồn ngân sách mới sẽ được tỉnh triển khai trong những năm tiếp theo để vực dậy, góp phần hoàn thiện các hạng mục công trình đầu tư phát triển du lịch miền núi.

“Tất nhiên, việc dừng hỗ trợ cho du lịch cộng đồng theo chủ trương của tỉnh cũng sẽ tác động đến việc thúc đẩy du lịch miền núi, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân. Vì thế, khi điều kiện thuận lợi trở lại, tỉnh cũng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch miền núi, giúp các địa phương có thêm điều kiện hoàn thiện dự án thúc đẩy phát triển du lịch theo định hướng chung” - ông Linh nhấn mạnh.

CẦN MỘT CÚ HÍCH

Dù Nghị quyết 47 dừng lại nhưng chắc chắn tỉnh sẽ mở ra các chính sách mới nhằm khơi dậy tiềm năng cho du lịch miền núi bởi hệ thống tài nguyên du lịch tại khu vực này vẫn đầy hấp dẫn và là một trong những đòn bẩy để đồng bào thoát nghèo. Điều quan trọng là việc phát huy nội lực, tự thân vận động và kêu gọi doanh nghiệp tham gia sẽ ra sao để nguồn lực hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất và mang tính bền vững.

Các điểm đến miền núi cần tạo ra sản phẩm hướng đến dòng khách du lịch có trách nhiệm và chi tiêu cao. Ảnh: N.T
Các điểm đến miền núi cần tạo ra sản phẩm hướng đến dòng khách du lịch có trách nhiệm và chi tiêu cao. Ảnh: N.T

Cần thêm cơ chế đặc thù

Chị Đinh Thị Thìn, một hướng dẫn viên du lịch cộng đồng tại Đông Giang kể, năm ngoái có đến 5 hộ gia đình ở làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) đăng ký xây dựng homestay phục vụ du khách. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn hơn khiến dự án trở nên dang dở. Trong khi đó, từ dự án Trường Sơn Xanh, nhiều hộ ở Bhờ Hôồng có thêm nghề mới trong việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống theo chuỗi giá trị sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu du khách tham quan, vừa bày bán kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

“Nhưng, cũng chỉ được một thời gian. Sau khi dự án Trường Sơn Xanh kết thúc, bà con không ai duy trì việc đan lát nữa, nên mọi thứ cũng trở về như cũ. Chính thế, để bà con thực sự sống được với du lịch, tôi nghĩ tỉnh cần đẩy mạnh hỗ trợ người dân trực tiếp làm du lịch miền núi có các chuyến tham quan học tập mô hình tại các điểm du lịch hiệu quả trong nước. Điều này không chỉ giúp bà con mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức mà còn khuyến khích họ bảo tồn văn hóa của mình, để tiếp tục gắn bó và duy trì công việc làm du lịch cộng đồng tại thôn bản” - chị Thìn tâm sự.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thọ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Nam Trà My, từ động lực Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh, địa phương đang triển khai thêm một số nội dung liên quan đến đề án phát triển du lịch cộng đồng miền núi, trong đó, điểm nhấn là vườn sâm Tăk Ngo và làng Mô Chai (xã Trà Linh). Với các điểm du lịch này, bên cạnh bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh cùng với các cây dược liệu khác, Nam Trà My định hướng vừa phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực của đồng bào Xê Đăng, vừa xây dựng, khai thác và phát triển thêm các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với nghề trồng sâm truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương. Đồng thời huy động nhân lực tại chỗ tham gia mạng lưới phát triển du lịch cộng đồng homestay, phấn đấu đưa vườn sâm Tắk Ngo trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Nam Trà My và là điểm du lịch dược liệu độc đáo của cả nước.

“Nhưng để làm được điều đó, trước hết là cần có nguồn ngân sách đầu tư cho các hạng mục không gian thực nghiệm trưng bày, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước… Vì thế, không những tiếp tục đầu tư, hỗ trợ ngân sách đặc thù, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho phát triển du lịch miền núi giúp các địa phương có cơ hội mở rộng, quảng bá sản phẩm, cũng như làm giàu từ chính nét đẹp văn hóa, con người và thiên nhiên miền tây xứ Quảng” - ông Thọ nói.

Vào cuộc đồng bộ

Sở VH-TT&DL đang tích cực hoàn thiện đề án “Hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” để trình HĐND tỉnh thông qua. Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin: “Sau bão lũ dồn dập thì tỉnh muốn chọn lại các điểm đến ở miền núi có tính khả thi cao trong việc thu hút khách để tập trung nguồn lực cho hiệu quả thay vì dàn trải như Nghị quyết 47. Các điểm đến này cũng ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai vừa qua, bên cạnh đó chính quyền các huyện sở hữu điểm đến này có nguồn lực, quyết tâm cùng thực hiện với tỉnh”.

Được biết, vừa qua UBND tỉnh đã ký tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua đề án này vào kỳ họp thứ 20 vừa qua, tuy nhiên các ban của HĐND không thẩm tra kịp. Sở VH-TT&DL đã có văn bản tiếp tục đề nghị đưa đề án mới vào kỳ họp thứ 21 dự kiến tổ chức vào đầu năm tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để các điểm đến ở vùng cao thu hút được khách thường xuyên là điều không dễ dàng và nếu để người dân tự làm du lịch cộng đồng thì không thể thành công được.

“Việc phát triển các điểm đến phải có sự liên kết, có sự đỡ đầu từ các tổ chức hoặc công ty du lịch, lữ hành và thậm chí một khi các điểm đến có tiềm năng thực sự thì công ty du lịch sẵn sàng đầu tư, phát triển thành điểm đến vệ tinh với nguồn kinh phí lớn hơn sự hỗ trợ từ nhà nước rất nhiều” - Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh nói.

Thực tế, thành công của làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) có dấu ấn rất lớn của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) hay mới đây là tín hiệu khởi sắc từ việc quy hoạch bài bản làng cổ Lộc Yên đến từ sự giúp sức của Tập đoàn Thiên Minh.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, với xu thế du lịch caravan đang phát triển mạnh mẽ thì các điểm du lịch miền núi ở Quảng Nam cần cải tạo sản phẩm, kết nối vào hành trình mạng lưới di sản khu vực Đông Dương. Bên cạnh đó, nếu tạo ra được sự khác biệt thì nơi đây sẽ trở thành sản phẩm để kéo dài thời gian lưu trú cho du khách đang nghỉ dưỡng tại các khu lưu trú sang trọng ven biển.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, một hành trình lý tưởng giữa các điểm đến cho du khách thông thường không quá một giờ đồng hồ. “Nếu muốn lan tỏa khách từ các trung tâm du lịch như Đà Nẵng hoặc Hội An đến miền núi Quảng Nam thì rất cần các điểm đến, điểm dừng chân trung gian thực sự độc đáo để giảm áp lực di chuyển cho du khách, từ đó khơi gợi, tiếp thêm năng lượng khám phá cho họ”.

Như vậy, phải chăng việc phát triển du lịch vùng cao Quảng Nam nên tập trung phát huy các điểm đến ở vùng núi thấp như Lộc Yên (Tiên Phước), Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang)… để từ đó làm bàn đạp tiếp tục vươn xa hơn về phía đại ngàn?

ALĂNG NGƯỚC - QUỐC TUẤN