Về Yên Sơn
Tọa lạc trên vùng núi Tam Sơn (Núi Thành), lưng tựa vào núi, nhìn ra lòng hồ Phú Ninh trong vắt, xanh thẳm, bàng bạc sương giăng mỗi sớm, mỗi chiều, Yên Sơn mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ kính giữa miền u tịch.
Một chiều cuối đông, ghé vườn thiền Yên Sơn, ngôi chùa xa trên vùng núi Tam Sơn, chúng tôi được sư cô Diệu Nghiêm - trụ trì chùa đãi bữa cơm chay đạm bạc. Sư cô cho hay: “Yên Sơn” nghĩa là “khói núi”, là bình yên và thoát tục lụy, muộn phiền. Chữ “Sơn” còn là chữ trong Tam Sơn, tên một vùng núi phía tây huyện Núi Thành, nên “Yên Sơn” còn được hiểu là một dải khói ở vùng núi Tam Sơn.
Khách thập phương đến đây vào mỗi sớm mai hay mỗi chiều tà, sẽ nhìn thấy sương giăng bao phủ, bảng lãng trên lòng hồ, quyện trong tĩnh lặng. Không ai nhớ rõ chùa có từ thời nào, bởi chùa nằm ở xa xôi, đường sá đi lại còn khó khăn. Yên Sơn vốn là một ngôi chùa làng, do một nhóm đạo hữu phật tử lập ra để tu tập, hành lễ.
Chùa xưa lợp bằng tranh tre, nói đúng hơn chỉ là một am nhỏ, dưới cội cây già, tượng Phật được thờ trên một phiến đá. Dưới một cây to còn treo một cái chuông nhỏ. Am nhỏ lợp tranh tre cũng bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh. Mãi tới năm 1962, đạo hữu, phật tử trong vùng mới đứng ra thành lập Ban hộ tự, cử phật tử trông nom. Chùa làng sau đó cũng được xây dựng đơn giản để thờ tự, tu tập.
Phía bên kia lòng hồ, đối diện Yên Sơn tự là nhà thờ công giáo. Chùa làng là điểm dừng chân của cán bộ cách mạng, kết nối cơ sở, thu mua, tiếp tế lương thực. Thời chiến, địch điên cuồng bắn phá chùa làng nhưng lạ thay, tượng Phật lại không hề gì. Pho tượng Phật trải qua chiến tranh, trải hơn mấy chục năm sau chiến tranh vẫn yên vị tại chùa Yên Sơn đến nay.
Theo lời của Lương y, cư sĩ Giang Thành Tiến (Tam Sơn), giai đoạn 1992 - 1996, với sự giúp đỡ của bà Vũ Thị Hiền, một phật tử từ Canada, chùa được dựng lại (vào ngày 28.3, năm Ất Hợi - 1995). Rồi dưới bụi thời gian, ngôi chùa nhỏ nằm giữa rừng và lòng hồ dãi dầu tuyết sương cũng xuống cấp, khuôn viên còn nhỏ, không đáp ứng nhu cầu tu tập, thiền hành của tăng ni, phật tử xa gần.
Năm 2012, sư cô Diệu Nghiêm được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm trụ trì tại chùa, đó cũng là quãng thời gian chùa làng có vị sư trụ trì và ấm cúng hơn trước. Sư cô Diệu Nghiêm cùng đồng môn, tăng ni, phật tử bắt tay tái thiết, xây dựng ngôi chùa quang rạng bốn mùa đón gió trời, đón khói sương bao phủ. Đến đây, khách du ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thâm u của một ngôi chùa nơi miền sơn cước.
Mỗi năm, Yên Sơn tự lại đón những khóa tu mùa hè, giáo dưỡng con người sống từ bi, thiện lành, xứng đáng là những người con nơi cửa Phật. Mỗi độ xuân về, trăm hoa đua nở trong vườn thiền, sắc màu của từ bi, sắc màu đạo hạnh. Với cư dân Tam Sơn, chùa Yên Sơn là hiện thân của bóng từ bi, là chốn tu tập, hành thiện, xóa tan bao muộn phiền, dẫu cuộc sống có gian nan, vất vả. Mùa xuân, nhiều đoàn tăng ni, phật tử xa gần tìm đến hành hương, đảnh lễ Phật trong niềm hân hoan. Trước, đường bộ chưa thuận lợi, khách vãng chùa phải đi ghe từ bờ kia nơi hồ Phú Ninh mới tới được chùa.
Yên Sơn tuy xa mà gần, tuy hiện hữu ở miền sơn cước u tịch nhưng không cô liêu, quạnh quẽ mà thấp thoáng bóng Quan Âm, bóng từ bi giữa non núi nghìn trùng. Một ngày trải nghiệm nơi chốn cửa thiền, lòng người như thanh tịnh, những phiền lụy bỏ lại phía sau giữa bộn bề cuộc sống...