Không dễ với bài toán thu ngân sách

TRỊNH DŨNG 02/01/2021 06:30

Kế hoạch thu ngân sách cho 5 năm tới đã được đặt ra. Liệu kế hoạch này có trở thành hiện thực khi nền kinh tế chưa biết khi nào có thể hồi phục?

Tăng thu ngân sách của tỉnh chủ yếu dựa vào năng lực doanh nghiệp, nhất là ô tô. Một khi khu vực này suy giảm sẽ kéo theo hụt thu ngân sách của tỉnh. Ảnh: T.DŨNG
Tăng thu ngân sách của tỉnh chủ yếu dựa vào năng lực doanh nghiệp, nhất là ô tô. Một khi khu vực này suy giảm sẽ kéo theo hụt thu ngân sách của tỉnh. Ảnh: T.DŨNG

Dè dặt đặt chỉ tiêu

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được ấn định khoảng 120.567 tỷ đồng (tăng 13,3% so với giai đoạn 2016 - 2020). Các chuyên gia nhận định, kinh tế - xã hội mới chỉ từng bước phục hồi, nên dự kiến tốc độ tăng trưởng thu ngân sách 3 năm đầu chỉ đạt bình quân 4,5%/năm. Tăng trưởng chỉ thực sự bùng nổ vào 2 năm cuối của thời kỳ với dự kiến bình quân 16%/ năm.

Nguồn lực chủ yếu của địa phương là thu nội địa cũng đã được “ấn định” khoảng 100.073 tỷ đồng (chiếm 83%/ tổng thu ngân sách nhà nước, tăng 20,8% so với giai đoạn trước). Thu nội địa cũng được dự báo năm 2024 & 2025 có tốc độ tăng thu bình quân 15%/năm, còn 3 năm đầu chỉ có thể tăng bình quân 7%/ năm.

Theo tính toán của các cơ quan quản lý, nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương sẽ vẫn chủ yếu dựa vào các nhà máy thủy điện (chiếm 50%) nên số thu khoảng 2.806 tỷ đồng (tăng bình quân 10%/ năm).

Khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương dự báo sẽ tăng trưởng khá nên con số thu sẽ khoảng 804 tỷ đồng (tăng bình quân 16%/năm). Doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ tăng bình quân 13%/năm (10.886 tỷ đồng). Khu vực kinh tế trọng yếu của địa phương là công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh (chiếm 60,7%/tổng thu nội địa) chỉ có thể tăng bình quân 10,5%/năm (60.799 tỷ đồng).

Sự khác biệt thấy rõ là dự báo tăng trưởng đến bình quân 15%/năm “hy vọng” từ các doanh nghiệp khác, còn Trường Hải (chiếm tỷ trọng lớn) dự báo chỉ có thể tăng trưởng bình quân 5 - 6%/ năm. Thu tiền sử dụng đất dự kiến tăng bình quân hàng năm 11% (9.010 tỷ đồng). Các khoản thu còn lại dự kiến tốc độ tăng trưởng giai đoạn này sẽ chỉ từ 7 – 8%.

Phân tích những con số thống kê trên, dễ dàng thấy đó là “một bước thụt lùi” về thu ngân sách. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, không chỉ bị sức ép cạnh tranh toàn cầu, dư địa chính sách ô tô bất ổn, Trường Hải lại có thêm xu hướng mở rộng đầu tư ngoài ô tô, nên nguồn thu từ doanh nghiệp này dự kiến không tăng trưởng… Đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu. Sản xuất, kinh doanh vẫn lâm vào khó khăn khi chuỗi cung ứng chưa thoát khỏi sự đứt gãy. Khôi phục nền kinh tế sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa, nên dự báo thu ngân sách nhà nước giai đoạn này không có khả năng tăng trưởng như giai đoạn trước.

Tìm "địa chỉ" tăng thu ngân sách

Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý chỉ đưa ra con số ước lượng tốc độ thu ngân sách giảm đến 5% so với giai đoạn trước và lũy tiến chậm chạp theo từng năm cho đến hết nhiệm kỳ 5 năm tới. Dự toán được cho là xây dựng sát với thực tế trước biến động khó lường của thị trường nội địa và quốc tế.

Ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế nói ngành thuế đã hoàn tất các kịch bản, phương án tăng thu từ các ngành còn dư địa tăng thu. Sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến, đôn đốc, khai thác nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để đưa vào quản lý thu, chống thất thu thuế và thu hồi nợ đọng.

Lịch sử thu ngân sách Quảng Nam chỉ dựa chủ yếu vào ô tô, thủy điện và bia, nhưng sự phụ thuộc vào 3 ngành này không hẳn là điều tốt nhất. Một khi các doanh nghiệp này gặp bất trắc thì hụt thu ngân sách là điều dễ xảy ra. Ngân sách luôn trong tình trạng bấp bênh, không bền vững!

Trong một báo cáo nghiên cứu về kinh tế Quảng Nam, TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Đại học Fulbright cho biết, ngân sách Quảng Nam chỉ dựa vào một vài ngành, một vài doanh nghiệp, chủ yếu dựa vào thuế tiêu thụ đặc biệt nên không mang tính bền vững. Nếu những doanh nghiệp này sụt giảm, ai sẽ gánh đỡ phần thiếu hụt ngân sách?

Điều gì đã khiến cho ngân sách Quảng Nam bất ổn là câu chuyện luôn được đặt ra? Mỗi năm chỉ tiêu thu thuế đều gia tăng (ít nhất 10%). Nguồn lực chính vẫn phải trông chờ vào việc xúc tiến, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính toán hay dự báo dễ, nhưng thực tế sẽ rất khó để thực hiện. Trong khi đó, việc tháo nút, tạo ra của cải, lợi nhuận cho nền kinh tế mấu chốt vẫn là từ khu vực sản xuất, nhưng hiện tại vẫn loay hoay với chính sách gia tăng ở khu vực này. Viễn cảnh các dự án vùng Đông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay các dự án động lực khí điện, cảng biển, hàng không, đô thị sân bay Chu Lai… hy vọng chia áp lực thu ngân sách cho Quảng Nam vẫn chưa thành hiện thực.

Những dự án mới chưa đến, yếu tố bất lợi vẫn còn, trong khi thị trường vẫn bất ổn. Nền kinh tế bé nhỏ, non trẻ với gần 8.000 doanh nghiệp có sức khỏe yếu (96% là nhỏ và vừa, siêu nhỏ) có thể bị đánh bật ra khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt thời hội nhập, thì liệu ngân sách có thể lạc quan? Cho dù Quảng Nam đã ước lượng con số thu thuế theo kế hoạch được cho là chính xác, sát thực tế bằng những “địa chỉ” cụ thể, nhưng tất cả chỉ là dự báo. Câu trả lời cho con số chính thức phải chờ vào lực đẩy của thị trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói nguồn thu mới dự kiến chưa phát sinh nhiều. Nhu cầu chi tiêu, nhất là chi đầu tư phát triển kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tái thiết nền kinh tế… ngày càng gia tăng, nên việc tổ chức điều hành, cân đối ngân sách sẽ khó khăn hơn.

TRỊNH DŨNG