Niềm tin và hy vọng
Bước sang năm mới 2021, những hy vọng về giải quyết các cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh đến biến đổi khí hậu cũng dần sáng rõ hơn.
Thường phải mất ít nhất 10 năm để phát triển, thử nghiệm và sản xuất các loại vắc xin, như vắc xin ngừa bệnh thủy đậu hay vắc xin chống lại một số chủng vi rút cúm cần 28 năm; 15 năm để có vắc xin ngừa vi rút rota; ít nhất cũng 6 năm cho vắc xin bại liệt đầu tiên… Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau khi bùng phát đại dịch Covid-19, thế giới đã có vắc xin phòng vi rút corona chủng mới của Nga hay của các hãng dược Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng cho các chiến dịch tiêm chủng đại trà của nhiều quốc gia.
COVAX - một sáng kiến được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng với vắc xin phòng Covid-19 của 190 quốc gia đã lên kế hoạch để phân phối vắc xin vào đầu năm 2021. Đây là một tín hiệu vui cho hàng tỷ người, hy vọng dập tắt được khủng hoảng y tế toàn cầu hay ít nhất, chúng ta có thể sống khỏe và an toàn hơn giữa đại dịch năm 2021. Hàng loạt ứng dụng công nghệ cũng đã ra đời nhằm tham gia cuộc chiến chống vi rút corona mới (gây Covid-19), từ truy vết, phát hiện, khoanh vùng, khử khuẩn đến dập tắt các ổ dịch và phát triển vắc xin.
Nhiều trang báo quốc tế cũng như nhiều chuyên gia nhận định: việc ứng phó mạnh mẽ, hiệu quả với Covid-19 giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch và là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới trong bối cảnh này. Theo AFP, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao do Covid-19, Việt Nam đến nay có hơn 1.400 ca nhiễm mà phần lớn là các trường hợp nhập cảnh và 35 ca tử vong. Việt Nam được ca ngợi là một trong số ít quốc gia thành công trong ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng. Việc đẩy mạnh xuất khẩu, chi tiêu công lành mạnh đã giúp Việt Nam vượt khỏi suy thoái toàn cầu, phục hồi nhanh và lọt vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Còn nền kinh tế thế giới cũng được dự báo có thể trở lại mức trước đại dịch vào năm 2021.
Nhiều thành phố, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục có động thái quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu. Như Canada, các nước trong Liên minh châu Âu hay trong khối ASEAN tuyên bố cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2021. Hàn Quốc, Nhật Bản… tuyên bố thực hiện cam kết không khí thải CO2 vào năm 2050.
Theo báo cáo mới đây của những nhà nghiên cứu, số lượng các thành phố sử dụng năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ ít nhất 70% tổng năng lượng tiêu thụ đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2015. Xu hướng các thành phố sử dụng 100% năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Trên đây cũng là những tín hiệu lạc quan để thế giới hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Bất chấp khó khăn, các nhà khoa học, nhà phát minh vẫn tiếp tục công việc để mang lại cho thế giới những điều thật lớn lao, hiểu sâu sắc hơn bí ẩn thế giới quanh ta. Ngoài vắc xin Covid-19, hình ảnh con tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên bay vào không gian mang theo các phi hành gia của SpaceX không chỉ giúp mở ra tương lai ngành thương mại du lịch vũ trụ mà còn giúp các nhà khoa học chinh phục không gian, tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học, trong đó bao gồm thuốc chữa bệnh. Hay những sự kiện Ai Cập tìm thấy mộ cổ 2.500 tuổi và kho báu, phát hiện dấu vết sự sống trên sao Kim, rừng nhiệt đới 90 triệu năm tuổi được phát hiện ở Nam Cực… Giữa bộn bề khó khăn thách thức, niềm tin và hy vọng một năm mới 2021 tươi sáng hơn được khơi lên.