Phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
(QNO) - Ngày 31.12.2020, Sở KH&CN nghiệm thu đề tài “Phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu Bảo tồn biển (BTB) Cù Lao Chàm”. Đề tài do kỹ sư Nguyễn Văn Vũ chủ nhiệm, Ban quản lý Khu BTB Cù Lao Chàm chủ trì.
Triển khai từ 7.2017 - 8.2019, đề tài “Phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu BTB Cù Lao Chàm” đã tiến hành nghiên cứu chuyển vị trứng rùa biển, mỗi năm vận chuyển được 2 đợt; đánh giá khảo sát rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, địa chất, khảo sát bãi cát tại Cù Lao Chàm.
Nhóm nghiên cứu còn tiến hành đánh giá hiện trạng nguồn thức ăn của rùa biển, các yếu tố địa chất tại các khu bãi đẻ của rùa biển tại Cù Lao Chàm; khảo sát, đánh giá các yếu tố kinh tế - xã hội tác động đến công tác bảo vệ rùa biển; chuyển vị trứng rùa về ấp tại bãi biển Cù Lao Chàm; xây dựng các giải pháp phục hồi, bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm…
Qua 3 năm, nhóm nghiên cứu đã chuyển vị 36 tổ trứng có độ tuổi 39-40 ngày từ Côn Đảo tới Cù Lao Chàm bằng 2 hình thức đi ô tô và đường hàng không. Trứng rùa sau khi ấp nở, rùa con được thu hồi và đếm số lượng, nhẹ nhàng đặt vào sọt nhựa, việc thả rùa phải tiến hành ngay trong đêm, khi thủy triều lên cao nhất. Rùa con được thả nơi ít sóng, khuất gió, nền cát bằng phẳng, thả cách mép mực nước cao nhất từ 3-5m, mỗi tổ chia làm 2-3 điểm, tránh các sự nhiễu loạn về ánh sáng, tiếng động, ô nhiễm, không cản trở rùa con xuống biển...
Nhóm nghiên cứu đề xuất 5 nhóm giải pháp bảo vệ rùa biển, bao gồm việc điều chỉnh phân vùng, sửa đổi quy chế Khu BTB Cù Lao Chàm có tính đến yếu tố bảo vệ rùa biển; điều chỉnh hoạt động của các khu du lịch trên bãi biển; hạn chế ngư cụ lưới 3 lớp hoạt động trong khu BTB, bảo vệ hệ sinh thái thảm cỏ biển, bảo vệ bãi đẻ rùa biển…
Nhóm nghiên cứu cũng đã thiết lập mạng lưới tình nguyện viên cứu hộ rùa biển; đề xuất mô hình trạm cứu hộ đặt tại khu vực Bãi Bắc, đảo Hòn Lao; đề xuất quy trình vận chuyển trứng rùa biển từ Vườn quốc gia Côn Đảo tới Cù Lao Chàm...
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Vũ, số lượng phương tiện hoạt động trong vùng BTB rất lớn (737 phương tiện), tập trung ở 16 xã ven biển khoảng 609 phương tiện, ngoài những địa phương không nằm ven biển còn có thêm 128 phương tiện, nhiều nhất là nghề giã cào với 57 phương tiện. Thống kê cho thấy, rùa biển bị mắc lưới của ngư dân ngày càng tăng qua các năm. Điều đó cho thấy công tác cứu hộ rùa biển cần hết sức chú trọng. Tác động từ hoạt động du lịch ở bãi cát đến rùa biển cũng rất lớn.
Đặc tính rùa biển thường chọn các bãi cát sạch, hoang vắng, hoặc ít có tác động của con người để sinh đẻ, rùa rất sợ ánh sáng và tác động mạnh. Vì vậy, tác động của yếu tố con người như: mức độ yên tĩnh, ánh sáng về ban đêm, hoạt động thường xuyên… có sự tác động không tốt đến việc hình thành bãi đẻ của rùa biển. Có khoảng 87% diện tích ở bãi cát Cù Lao Chàm đã bị tác động bởi con người, chỉ còn 13% còn giữ được bãi cát hoang sơ để phù hợp cho rùa đẻ trứng, tập trung ở Bãi Bắc. Hoạt động khai thác, mua bán, sử dụng rùa biển cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đàn rùa biển...